Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, chiều tối và đêm 14/6 mưa dông có thể xảy ra ở nhiều vùng trên cả nước, đề phòng tố, lốc và gió giật mạnh.
Đây đều là các hiện tượng nguy hiểm, đặc biệt đối với người dân đang di chuyển trên đường phố hay khu vực nhiều cây xanh có nguy cơ gãy đổ.
Gần 1.300 cây xanh bị quật ngã sau cơn dông chiều 13/6 tại Hà Nội. Ảnh: Lê HIếu. |
Cơ quan khí tượng cảnh báo, những trận mưa dông lớn như ngày 13/6 có khả năng tái diễn vào chiều tối 14/6 tại khu vực thủ đô Hà Nội và các tỉnh Sơn La, Hoà Bình, vùng núi của Trung Bộ.
Ông Lê Thanh Hải, Phó tổng giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Quốc gia nhận định, trong tháng 6, tình hình dông lốc nhiều khả năng sẽ tiếp tục xảy ra. Tuy nhiên, những cơn dông cực kỳ nguy hiểm như vừa diễn ra chiều 13/6 sẽ ít hơn.
“Hiện tượng dông lốc thường tập trung vào tháng 5, tháng 6. Trung bình mỗi tháng có tới 15-16 ngày có khả năng xảy ra dông lốc,” ông Hải cho biết.
Chiều 13/6 tại Hà Nội, dông lốc xảy ra với sức gió giật tới cấp 9. Cơn dông khiến 2 người tử vong, gần 1.300 cây xanh bị quật đổ, 13 ôtô và nhiều xe máy bị hư hại; gãy 21 cột điện, hơn 170 trạm điện mất nguồn.
Dấu hiệu dông lốc, mưa đá
Theo chuyên gia khí tượng, thông thường trước các cơn dông trên trời xuất hiện những đám mây vần vũ và đen sẫm lại. Gió đang thổi, bỗng nhiên ngừng hẳn. Nhiệt độ giảm, độ ẩm trong không khí cao, không khí bỗng trở nên mát mẻ, se lạnh...
Đối với mưa đá, trên trời sẽ xuất hiện những đám mây đen sẫm lại gần như che kín tầm mắt, sau đấy thấy gió nổi lên mạnh tạo ra tiếng ù ù, ầm ầm liên tục thì mọi người cần cảnh giác với mưa đá. Nếu tiếp đó có lắc rắc vài hạt mưa rào, nhiệt độ không khí lạnh đi nhanh chóng, mưa đá sẽ xuất hiện.