"Video trên có nội dung gợi ý những tựa game nên chơi khi hút cần sa. Nhân vật trong video cũng nói đến những cảm giác khi sử dụng chất kích thích này", anh Nguyễn Duy (Nhà Bè, TP.HCM), cho biết.
Video trên được đăng bởi kênh **Su với hơn 90.000 lượt đăng ký. Sau hơn 3 ngày được đăng tải và xuất hiện trong phần đề xuất của YouTube, video trên nhận được hơn 70.000 lượt xem và vẫn được gắn quảng cáo để kiếm tiền.
Video có tiêu đề liên quan đến chất kích thích xuất hiện trong phần đề xuất của YouTube TV, nền tảng giải trí gia đình. Ảnh: NVCC. |
"Nội dung video trên gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến người xem nhỏ tuổi. Thay vì cảnh báo lại khuyến khích sử dụng cần sa khi chơi game. Việc này sẽ gây tò mò cho đối tượng người xem chưa đủ tuổi vị thành niên. Đồng thời video trên không được gán giới hạn tuổi và nội dung về game lại hướng tới nhóm tuổi chưa đủ khả năng nhận thức này", Tuấn Kiệt, đạo diễn phim truyền hình, giám đốc sản xuất tại công ty giải trí Kite nhận định.
"Những nội dung nhằm khuyến khích các hoạt động nguy hiểm hoặc phi pháp có tiềm ẩn rủi ro gây tổn thương cơ thể nghiêm trọng hoặc gây tử vong không được phép xuất hiện trên YouTube", trích chính sách của YouTube.
“Việc để một video có từ khóa liên quan đến cần sa có mặt trong phần đề xuất cho thấy mạng xã hội video này không có cơ chế lọc, giới hạn độ tuổi những từ khóa liên quan đến chất kích thích”, Đăng Khoa, một YouTuber sở hữu kênh với 100.000 lượt đăng ký cho biết.
Zing đã liên lạc với YouTube Việt Nam về các chính sách quản lý từ khóa và nội dung, nhưng chưa có phản hồi về vụ việc.
Nội dung về ma túy đang bị nhiều YouTube lợi dụng triệt để nhằm câu kéo lượt xem. |
Đây không phải lần đầu YouTube xuất hiện nội dung liên quan đến chất kích thích. Ngày 4/2019, chị Lê Thị Hòa, một phụ huynh tại Lâm Đồng sau khi thấy con mình xem video hướng dẫn sử dụng ma túy trên YouTube đã vô cùng bức xúc.
Ngoài video liên quan đến ma túy, kênh YouTube trên còn có hàng loạt nội dung hướng dẫn bỏ các chất nguy hiểm vào thuốc lá điện tử để hút.
Theo lời nhân vật trong video, loại chất bột được anh ta sử dụng chỉ là mì chính và bột gạo để trêu chọc (troll) bạn bè. Tuy vậy, trong suốt video, người này không có phát ngôn về các tác hại khi sử dụng ma túy. Đồng thời, người này cũng hít hợp chất "ketamin bột gạo và mỳ chính" thật sự mà không có các cảnh báo về rủi ro sức khỏe.
Từ đầu năm 2019, nền tảng YouTube rộ lên các video "giang hồ mạng". Trong đó, những nhân vật như Khá Bảnh, Dương Minh Tuyền... làm những video có nội dung cổ súy bạo lực, bạo lực, chất kích thích.
Hiện YouTube đã xóa bỏ một số kênh. Tuy vậy, các video đăng tải lại hoặc có nội dung tương tự không được xử lý, một số video còn vô tư xuất hiện trong thẻ đề xuất, thịnh hành và hiển thị quảng cáo.