Trung bình một năm có từ 3-4 trường hợp tử vong, riêng từ đầu năm đến nay đã có 5 người chết do dùng lá ngón tự tử.
Xã này cách trung tâm huyện Đắk G’long hơn 120km, có đường đi lại rất khó khăn, rất nhiều hộ nghèo. Nhiều người dân sống ở đây cho biết, xã có rất nhiều trường hợp trẻ bị mồ côi cả cha lẫn mẹ do ăn lá ngón sau những mâu thuẫn trong sinh hoạt gia đình.
Theo anh Vàng A Cháy, một người dân xã Quảng Hòa, nguyên nhân của những cái chết thương tâm trên đa số là do các cuộc cãi vã liên quan đến kinh tế như người chồng uống rượu, lười đi làm hay đánh đập vợ con, nghĩ quẩn đi kiếm lá ngón trên rừng tự tử.
Không khí lạnh lẽo, tang tóc bao trùm trong ngôi nhà em Nông Thị Vàng sau cái chết của bố và chị gái. Tháng 5 vừa qua, chỉ vì buồn chán sau khi nhiều lần bị bố la mắng, em Nông Thị Pằng, 20 tuổi là chị gái Vàng, đã ăn lá ngón tự tử.
Một tháng sau, bố của Vàng do hối hận cũng ăn lá ngón tự tử theo. Sau cái chết của bố và chị gái, Vàng đành phải bỏ học giữa chừng để về nhà phụ giúp việc gia đình.
Ở Quảng Hòa, không khó để tìm ra lá ngón. Loại cây này mọc nhiều ở các triền đồi, phát triển nhanh sau những ngày mưa và rất khó diệt tận gốc. Để hạn chế tình trạng tự tử bằng lá ngón, chính quyền địa phương xác định là phải thay đổi được nhận thức của người dân.
Lực lượng chức năng đã xuống tận các thôn để tuyên truyền, vận động. Ông Vi Văn Thuộc, Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Quảng Hòa, huyện Đắk G’long cũng xác nhận về thông tin này.
"Xã đã thông qua các buổi họp thôn, lồng ghép tuyên tuyền vận động của Ban tư pháp xã để bà con nhận thức về tác hại của lá ngón, khuyên bà con không nên ăn lá ngón tự tử khi có bức xúc trong gia đình. Những khúc mắc cần phải giải quyết rõ ràng, không nên vì lý do nhỏ mà ảnh hưởng đến tính mạng và để lại hậu quả không tốt cho xã hội”, ông Văn cho hay.