Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cảnh báo lừa đảo khi mua mỹ phẩm đắt tiền trả góp

Cơ quan chức năng đã đưa ra cảnh báo tới người tiêu dùng khi giao dịch mua bộ mỹ phẩm có giá trị lớn qua hình thức vay trả góp tại ngân hàng để tránh tranh chấp phát sinh.

Theo đó, Cục cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) vừa có cảnh báo tới người dân khi thực hiện giao dịch mua các bộ mỹ phẩm (có giá trị lớn) qua hình thức vay trả góp tại ngân hàng.

Nguyên nhân khiến Cục này phải đưa ra cảnh báo vì trong giai đoạn cuối tháng 9 và tháng 10 vừa qua, Cục đã ghi nhận xu hướng gia tăng các khiếu nại liên quan đến việc mua sản phẩm này qua hình thức vay trả góp.

Trong đó, nhiều người tiêu dùng khiếu nại về hành vi cung cấp thiếu thông tin trong quá trình giới thiệu bộ mỹ phẩm và quá trình tư vấn, cung cấp dịch vụ cho vay trả góp của ngân hàng.

Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến phần lớn nội dung khiếu nại của người tiêu dùng trong tháng 10 đều có liên quan tới việc doanh nghiệp cung cấp thông tin không chính xác, gây nhầm lẫn về hàng hóa, dịch vụ. Đặc biệt là các điều kiện giao dịch như chính sách đổi trả hàng hóa, mức lãi suất, và thủ tục thanh lý hợp đồng trước hạn trong hợp đồng vay trả góp…

Canh bao khi mua my pham dat tien tra gop anh 1
Nhiều khiếu nại của người tiêu dùng có liên quan tới hoạt động tài chính, bảo hiểm, ngân hàng. Ảnh minh họa: Quang Thắng.

Thậm chí, nhiều người tiêu dùng do không để ý đến nội dung hợp đồng vay, chỉ nghe theo nội dung tư vấn của nhân viên nên đã ký hợp đồng. Đối với các trường hợp tranh chấp như vậy, khi giải quyết, do căn cứ theo nội dung hợp đồng đã ký kết nên người tiêu dùng thường gặp phần bất lợi.

Vì vậy, để tránh những tranh chấp phát sinh, Cục CT&BVNTD khuyến cáo người dân khi mua các sản phẩm trả góp này cần tham khảo kỹ thông tin về công ty cung cấp, chất lượng sản phẩm chăm sóc da mặt như tra cứu thông tin về sản phẩm, hoạt động của công ty liên quan…

Trong trường hợp quyết định mua, người dân cần đọc kỹ hợp đồng mua hàng và hợp đồng vay trả góp, đặc biệt là những điều khoản liên quan đến chính sách đổi trả, lãi suất và thanh lý hợp đồng vay trước hạn.

“Trong trường hợp được nhân viên hối thúc hoặc có biểu hiện ngăn cản, không cho đọc kỹ nội dung các điều khoản của hợp đồng, người tiêu dùng cần cẩn trọng, kiên quyết từ chối ký hợp đồng”, Cục CT&BVNTD nhấn mạnh.

Cũng trong tháng 10 vừa qua, Cục CT&BVNTD đã tiếp nhận 692 cuộc gọi đến, trong đó, có 367 cuộc gọi được ghi nhận dưới dạng phản ánh, đề nghị và 57 khiếu nại, tố cáo của người tiêu dùng.

Nhóm hàng hóa, dịch vụ có tỷ lệ khiếu nại nhiều nhất trong tháng 10 tiếp tục là tài chính, bảo hiểm, ngân hàng với tỷ lệ chiếm 32%. Theo sau là hàng hóa, dịch vụ ngành y tế, chăm sóc sức khỏe chiếm 28%; dịch vụ vận tải, phương tiện vận chuyển và đồ điện tử gia dụng cùng chiếm tỷ lệ 10%.

Ngoài việc phản ánh về việc doanh nghiệp cung cấp thông tin không chính xác, gây nhầm lẫn cho khách hàng, nhiều đơn khiếu nại, yêu cầu của người tiêu dùng cũng phản ánh về việc hợp đồng ký kết có các điều khoản không rõ ràng.

Ngoài ra, nhiều người tiêu dùng cho biết thông tin liên hệ của mình bị đơn vị thu hồi nợ tự động sử dụng để gọi điện, nhắn tin với mục đích quấy rối, đe dọa thu nợ. Thậm chí, có trường hợp người tiêu dùng không có khoản vay nào tại đơn vị liên quan vẫn bị gọi điện đe dọa đòi nợ.

Nhiều trường hợp người tiêu dùng đã liên hệ đề nghị đơn vị liên quan xác minh và chấm dứt việc thu nợ nhầm nhưng không được giải quyết triệt để.

Siết kiểm tra hàng nhập khẩu có hình ảnh vi phạm chủ quyền quốc gia

Tổng cục Hải quan vừa gửi công văn hỏa tốc số 7192/TCHQ-GSQL, chỉ đạo Cục Hải quan các tỉnh, thành phố tăng cường kiểm tra các lô hàng nhập khẩu có hình ảnh vi phạm chủ quyền.


Quang Thắng

Bạn có thể quan tâm