Thời gian gần đây trên các trang mạng xã hội xuất hiện nhiều tài khoản lấy tên các ngân hàng trong nước để mời chào khách mua hồ sơ vay vốn giải ngân trong ngày. Nếu khách hàng giao dịch sẽ phải cung cấp một số thông tin cá nhân để làm hồ sơ và trả phí.
Ngân hàng TPBank vừa cho biết trên mạng xã hội xuất hiện một Facebook đang xuất hiện tên tài khoản “TPBank - Bán Hồ Sơ Vay Vốn Giải Ngân Trong Ngày” thông báo bán hồ sơ giải ngân duyệt sẵn có thu phí của TPBank.
Tuy nhiên, nhà băng khẳng định tài khoản Facebook này không thuộc quản lý của ngân hàng và không thể đại diện để tư vấn cho khách về các sản phẩm dịch vụ mà ngân hàng cung cấp.
"Việc mua bán hồ sơ vay vốn hoàn toàn trái với các quy định hiện hành của ngân hàng và pháp luật Việt Nam", TPBank cho biết.
Cụ thể, theo quy trình hiện tại, khách hàng có nhu cầu vay vốn tại ngân hàng sẽ phải làm việc trực tiếp với cán bộ bán hàng của ngân hàng tại các đơn vị kinh doanh để được tư vấn về sản phẩm dịch vụ. Đồng thời, việc vay vốn phải trải qua quá trình thẩm định, xét duyệt hồ sơ nghiêm ngặt từ bộ phận thẩm định, ngân hàng. Chỉ khi khách đáp ứng đủ điều kiện theo quy định mới được giải ngân.
Tài khoản giả mạo ngân hàng rao bán hồ sơ vay vốn phê duyệt sẵn để lừa đảo. |
Vì vậy, TPBank khẳng định tài khoản trên mạng xã hội đang rao bán hồ sơ vay vốn giải ngân trong ngày là giả mạo và có ý định lừa đảo, chiếm đoạt tiền của khách hàng.
Thực tế, hành vi giả mạo thông tin, lừa đảo trên mạng xã hội Facebook, Twitter... đã được các nhóm tội phạm áp dụng từ lâu. Nhiều ngân hàng trước đó cũng đã cảnh báo tới khách hàng về các hành vi lừa đảo trên mạng xã hội này. Tuy nhiên, việc giả mạo ngân hàng để bán hồ sơ vay vốn giải ngân trong ngày mới xuất hiện gần đây.
“Khi khách hàng liên hệ mua, các hồ sơ vay vốn này chắc chắn không có hiệu lực. Trong khi đó, kẻ gian sẽ thu được tiền phí từ việc bán các hồ sơ giả. Ngoài ra, khách hàng còn đứng trước nguy cơ bị lộ thông tin cá nhân nếu giao dịch với các đối tượng giả mạo này”, đại diện một ngân hàng thương mại tại Hà Nội chia sẻ.
Gần đây, nhiều ngân hàng cũng đã phải phát đi cảnh báo tới từng khách hàng về các thủ đoạn lừa đảo mới của tội phạm. Trong đó, thủ đoạn lừa đảo phổ biến nhất hiện nay là giả mạo ngân hàng, công an, tòa án… để lừa khách hàng.
Theo đó, kẻ gian sẽ giả làm nhân viên ngân hàng, nhân viên bưu điện, công an, tòa án... lừa khách hàng trúng thưởng hoặc có liên quan tới một vụ trọng án đang bị điều tra.
Để được hỗ trợ lĩnh thưởng hoặc giải quyết, kẻ gian sẽ yêu cầu khách hàng truy cập vào các đường link giả mạo, làm theo hướng dẫn và cung cấp các thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng. Sau khi chiếm quyền sở hữu tài khoản ngân hàng, kẻ gian sẽ lấy toàn bộ tiền trong tài khoản của khách hàng.
Mới đây, một khách hàng của VPBank cũng đã bị lừa đảo với hành vi tương tự khi nhận được một thông báo trúng thưởng sổ tiết kiệm. Khi vị khách này truy cập vào đường link trong tin nhắn, website hiện ra có giao diện, màu sắc, logo, phông chữ… giống hệt website của ngân hàng đang sử dụng.
Sau khi bị lộ thông tin tài khoản, kẻ gian đã chiếm quyền sở hữu tài khoản ngân hàng của khách. Chỉ trong vòng 2 phút, kẻ gian đã thực hiện 16 giao dịch, lấy cắp hơn 11 triệu đồng từ tài khoản ngân hàng và thẻ tín dụng của khách hàng. Kẻ gian còn gán cho khách hàng này hai khoản vay với tổng giá trị 450 triệu đồng.