CANH BẠC KHẮC NGHIỆT BÊN DÒNG SÔNG ĐÀ MÙA NƯỚC CẠN
Mực nước sông Đà đoạn chảy qua địa phận xã Xuân Lộc (Thanh Thủy, Phú Thọ) thấp kỷ lục trong 4 năm trở lại đây khiến người nuôi cá lồng lao đao, nhiều hộ có nguy cơ mất trắng.
Chiếc lồng cá mắc cạn
Những chiếc lồng trơ trọi vươn mình nghễu nghện trên bãi cát. Không giọt nước, không con cá. Những chiếc thùng phao vốn dùng để giữ nổi những chiếc lồng giờ được “nhấc bổng” trên không gắn với các khung sắt hoen gỉ cùng những mảnh lưới rách tươm. Đây là bãi của những chiếc lồng mắc cạn - khung cảnh mới xuất hiện dọc sông Đà thuộc xã Xuân Lộc (Thanh Thủy, Phú Thọ).
Khu vực nuôi cá của anh Quang đứng đầu dòng chảy đang ở trong tình trạng đó. Cá một phần được anh chuyển vào khu đầm trong xã, một phần gửi nhờ các hộ khác vẫn còn bám trụ được, một phần bán non.
Anh Quang chỉ là một trong 12 hộ nuôi cá với hơn 200 lồng ở khu vực này.
Do dòng chảy thay đổi cộng với mùa khô nên lượng nước sông Đà thuộc địa phận huyện Thanh Thủy xuống thấp kỷ lục trong vòng 4 năm trở lại đây. Mực nước xuống thấp lộ ra những doi cát, xô vào đáy lồng khiến cá thiếu nước, thiếu oxy.
5h, anh Quang bật dậy theo thói quen, nhưng lại thở dài vì bây giờ có dậy sớm cũng chẳng để làm gì. Một tháng trước đó vẫn là những ngày bận rộn của anh với công việc nuôi cá lồng từ năm 2013.
“Cả mấy trăm triệu bạc cho lồng cá này, 6 năm chưa một đồng lãi”, anh Quang thở dài. Gia đình mấy miệng ăn của anh cũng trông chờ vào những chiếc lồng đang mắc cạn này. Cả xóm chài ở đây cũng vậy.
Những hộ nuôi cá còn lại cũng trong tình trạng bấp bênh và có nguy cơ trơ lồng cá như hộ anh Quang nếu nước sông Đà càng ngày càng cạn.
Theo ông Phương Văn Dự (Phó chủ tịch xã Xuân Lộc), trong năm 2019 sẽ có 3 đợt xả nước, đợt gần đây nhất dự kiến vào ngày 22/1. Nếu cố gắng bám trụ được đến hôm đó thì sẽ thay đổi được tình hình hiện nay.
“Hiện chúng tôi cũng có 3 giải pháp cho người nuôi trồng, đó là nạo vét sông, neo đậu ra ngoài xa hoặc di chuyển vào trong đầm nhưng có lẽ các giải pháp đều khó thực hiện. Dù muốn giúp đỡ bà con, chúng tôi đành bất lực”, ông Dư nói.
Trắng đêm trông cá lồng
May mắn hơn anh Quang, anh Dương Đình Dũng sở hữu 17 lồng cá nhưng tính đến hiện tại vẫn bảo toàn được các lồng ở dưới nước, cá cũng bị chết một phần “nhưng như thế là may lắm rồi”, ông Quang chia sẻ.
20h, trời tối như mực, ánh đèn từ căn nhà tạm được dựng lên bằng tôn leo lắt ánh sáng, phía xa, anh Dũng chèo thuyền đi thu lưới đánh cá sông, công việc kiếm thêm lúc rảnh rang nhưng những hôm nay vì mải lo cho lồng cá nên anh cũng chỉ thả lưới xuống. Cá mắc vào lưới để lâu không gỡ lại trong môi trường nước đọng nên nhanh chết. Anh huy động cả vợ con để gỡ cá. Chỗ cá nhà anh gỡ được quá nửa đã ươn, phần còn lại cũng ngoi ngóp.
Anh Dũng lại tranh thủ đi vòng quanh các lồng cá để xem xét tình hình: “Có cá chết phải vớt lên ngay chứ nhanh thối lắm, nước đọng thế này thì chẳng mấy chốc ô nhiễm hết”, vừa loay hoay vớt cá, anh Dũng vừa chia sẻ.
Gỡ xong, mọi người gánh cá về nhà. Con nào vẫn ăn được thì làm sạch cất tủ lạnh, con nào hỏng thì làm thức ăn cho lợn. Kết thúc công việc ngẩng đầu lên đã quá 22h. Bữa cơm muộn với cá kho nhạt trong phút chốc rồi vợ chồng anh Dũng lại ra căn nhà nhỏ bên cạnh lồng cá để chăm sóc cả đêm.
“Ngày trước thì cứ túc tắc làm thôi, ăn uống xong vẫn làm ấm trà. Tôi có đặt camera ở ngoài đó kết nối với điện thoại nên cũng không cần ra trông nhiều, nếu có ngủ lại thì cũng chỉ có tôi thôi”, anh kể.
Giờ thì khác. Mấy ngày nay, vợ chồng anh phải thức trắng để đặt máy sục, rồi ngóng nước lên, nước xuống để kịp chạy cá. Tiếng máy chạy ầm ĩ họ cũng không ngủ nổi.
Đêm nay lại là một đêm trắng.
Những hướng đi khác
Khi được hỏi về việc sẽ khắc phục hậu quả như thế nào, anh Quang quả quyết sẽ không bao giờ quay lại việc nuôi cá lồng nữa nhưng cũng chưa có dự định gì trong tương lai bởi vốn liếng gia đình đã đổ dồn hết vào những lồng cá này, giờ muốn chuyển sang làm kinh tế khác cũng không có tiền để làm lại từ đầu.
Người đàn ông bế tắc vì trước mắt không có một biện pháp nào khả thi. “Trước kia dòng chảy đúng và nước đủ sâu, đủ ấm thì cá vẫn phát triển. Nhưng hiện tại nước quá nông, nước không lưu thông được nên có cho ăn nó cũng không ăn. Vậy thì tôi còn biết làm gì”, anh Quang lý giải.
Phía bên kia, hộ nhà anh Toản đang hối hả thu cá diêu hồng sớm. “Người ta gặt lúa non chạy bão, còn tôi bán cá non chạy cạn”, anh Toản cho biết chỗ cá này phải 2 tháng nữa mới đủ độ để thu hoạch nhưng giờ phải bán vội.
Những con cá còn khỏe mạnh được dồn vào chung một lồng chạy sục tạo khí. Trong 50 lồng nhà anh Toản, cá chỉ đầy hơn nửa số lồng đó.
Anh Đặng Văn Luyện, chủ một bè nuôi cá lồng cạnh đó, cũng chia sẻ: “Tôi cứ tính hết vụ này xem dòng nước thế nào, nếu không bốc được bãi cát này thì xem xét chuyển sang làm việc khác".
Người đàn ông với khuôn mặt sạm đi vì nắng gió nơi hạ nguồn sông Đà bần thần đứng bên cạnh một trong những lồng cá còn đầy với niềm hy vọng: "Ông trời thương, chắc không triệt đường sống của nông dân đâu nhỉ?"
Trong khi đó, gia đình anh Dũng còn nợ họ hàng, bạn bè 400 triệu đồng. “Hàng tháng cá bán được đủ để trả lãi. Thôi thì cứ túc tắc, trời cho mình ăn lúc nào thì hay lúc ấy vậy”. Nói rồi anh lại đảo mắt tìm cá chết, vớt lên cho vào bì vác đi tiêu hủy.
Nhá nhem tối, anh Dũng vẫn miệt mài múc từng xẻng cát lấp đầy khoảng chục túi, tạo thành một “bờ đê”. “Ban đêm nước sẽ dâng cao một chút do nước chảy từ thượng nguồn về, bao cát này sẽ chặn bớt cát xô vào lồng cá. Như dã tràng xe cát thôi, nhưng làm được gì để cứu cá thì cứ làm vậy”, anh Dũng cười.
Đêm hôm đó, vợ chồng anh Dũng không ngủ được. Phần vì tiếng máy sục, phần vì ngóng nước lên. Gần sáng, trời mưa lớn, người đàn ông này mặc áo mưa ra xem cá, khấp khởi mừng thầm vì nước sắp về, mừng vì đã kịp đắp đập ngăn cát.
Chục bao cát nhỏ nhoi chống chọi giữa con sông lớn, mỏng manh như con người trước những biến đổi khôn lường của đất trời.