Trong môi trường học tập, làm việc cạnh tranh nhất nhì thế giới này, Hàn Quốc có vô số sản phẩm, dịch vụ quảng cáo "an dưỡng", từ chương trình TV, quán cà phê, phòng gym, gói du lịch, đến đồ nội thất, tiệm làm tóc hay cả sách làm toán.
Đó là lời hứa giúp khách hàng cảm thấy thư giãn và lấy lại sức lực sau những mệt mỏi đầy rẫy của cuộc sống.
Gần đây nhất, Thế vận hội mùa đông ở Hàn Quốc cũng đi theo trào lưu này.
Ngôi làng thiền Healience ở Hàn Quốc. Ảnh: HEALIENCE . |
Olympics "an dưỡng"
Tổng thống Moon Jae-in trong bài phát biểu năm ngoái nói “Kỳ Olympics này tượng trưng cho nhiều điều. Đây là một Olympics vì môi trường, Olympic của công nghệ, Olympic văn hóa, và còn là một Olympic an dưỡng”, Wall Street Journal dẫn lời.
Ban tổ chức Olympic đã hào hứng chào mời du khách với sự “an dưỡng” nhờ vị trí địa lý của thành phố đăng cai Pyeongchang. “Ở đây, chúng ta ở độ cao 700m so với mực nước biển … là nơi mà con người thích nghi tốt nhất”, Lee Hee-beom, chủ tịch ban tổ chức, nói.
Giới chức địa phương nói độ cao này khiến áp suất khí quyển ở mức lí tưởng cho cơ thể người, làm tăng melatonin, loại hormone não tạo ra có thể giúp con người lấy lại hoàn toàn sức lực dù chỉ ngủ 5-6 tiếng.
Ai đi tới Pyeongchang giờ đây chắc sẽ hiểu vì sao bên đường cao tốc có những con cừu bằng bông đang cầm tấm biển “HAPPY700”. Đây chính là thương hiệu “an dưỡng” của riêng địa phương này. (tạm dịch: 700 vui vẻ)
Ban tổ chức Olympic cũng quảng bá những địa điểm gần khu vực thi đấu, bao gồm Rừng An dưỡng Daegwallyeong và chùa Woljeongsa nơi hứa hẹn một “trải nghiệm an dưỡng”, theo trang web chính thức của Thế vận hội.
Gần đó còn có Nhà nghỉ An dưỡng Pyeongchang hay Khách sạn Happy-700, nơi cho rằng nguồn nước ngầm của họ có thể chữa được các dạng dị ứng.
Khách tới xả stress ở Rừng An dưỡng Daegwallyeong. Ảnh: Korea Forest Service. |
Sáng tạo các cách xả stress
Sự nở rộ của các dịch vụ “an dưỡng” để đối phó với stress cho thấy mức độ căng thẳng tinh thần đến mức báo động trong xã hội Hàn Quốc, quốc gia có tỉ lệ tự tử gần như cao nhất thế giới.
Nổi tiếng vì làm việc nhiều giờ với khối lượng công việc khổng lồ, Hàn Quốc đang bị thiếu ngủ trầm trọng, theo Korea Herald.
Số liệu của Cơ quan Bảo hiểm Y tế Quốc gia cho thấy số người Hàn Quốc bị rối loạn giấc ngủ tăng gấp đôi chỉ trong vòng 4 năm (từ 325.000 năm 2011 lên tới 721.000 năm 2015). Số liệu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) năm 2014 cho thấy người Hàn Quốc ngủ ít giờ nhất trong số các nước phát triển.
Cũng theo số liệu của OECD, người Hàn Quốc làm nhiều giờ thứ 3 trong những nước phát triển với 2.069 giờ/năm. Một điều tra gần đây cho thấy một nửa người lao động ở Hàn Quốc nghỉ dưới 5 ngày trong một năm.
Tổng thống Moon đã cam kết giảm số giờ làm việc của người Hàn Quốc xuống khoảng trung bình 1.800 giờ/năm. Ông cũng cam kết sẽ dùng hết 21 ngày nghỉ của mình để làm gương cho người dân.
Nắm bắt được nhu cầu, những quán cà phê nghỉ ngơi được mở ra cho phép khách hàng, từ học sinh đến nhân viên văn phòng, ngủ bù trên những chiếc ghế massage bằng đệm. Một quán cà phê như vậy, Mr. Healing, đông tới mức đã mở khoảng 50 địa điểm trên khắp Hàn Quốc chỉ trong 2 năm.
Bên trong các phòng của quán cà phê nghỉ ngơi. Ảnh: Korea Herald. |
Một hội chợ an dưỡng năm ngoái ở Seoul trưng bày 300 dịch vụ an dưỡng như yoga nhóm, lớp dạy làm đồ trang sức, và các buổi nghe giảng, với tiêu đề như “lối thoát cho sự mệt mỏi đầu óc để khiến bạn vui sống”.
Một vườn quốc gia gần Seoul cung cấp các khóa dưỡng sinh rừng như yoga, tập thể dục, múa hay đọc thơ, để giúp người dân thoát khỏi những áp lực của cuộc sống thành thị. Các sinh viên còn được yêu cầu đi bộ chân đất trong rừng để “có thể cảm nhận rừng bằng mọi giác quan”, theo Korea Herald.
Một dịch vụ khác cho khách hàng “chết thử” – mặc áo tang, viết lời trăng trối, cầm ảnh thờ và bước vào trong quan tài – để họ thay đổi cách nhìn với cuộc sống, cảm thấy yêu đời hơn.
Một số công ty đã đưa nhân viên của mình đến với dịch vụ này để giúp họ thoát khỏi suy nghĩ tiêu cực và áp lực lớn từ công việc. Một giám đốc còn yêu cầu các nhân viên thực hiện các bài khởi động và ép họ “tự cười tập thể” mỗi sáng, theo BBC.
“Lúc đầu, phải cùng nhau cười thực sự khiến tôi cảm thấy kỳ quặc … nhưng một khi bạn bắt đầu cười, bạn không thể nhịn cười được khi nhìn thấy khuôn mặt của các đồng nghiệp xung quanh bạn”, một phụ nữ nói về ý tưởng kỳ lạ này của vị giám đốc.
Người Hàn Quốc tập thể dục, chân đứng ngập trong suối, trong một chương trình dưỡng sinh rừng. Ảnh: Korea Herald. |
Theo giáo sư Kim Sang-hag của Đại học Hanyang, Seoul, trào lưu “an dưỡng” có 2 mặt. “An dưỡng kiểu này chỉ mang lại sự nghỉ ngơi tạm thời mà không giải quyết vấn đề tâm lí sâu xa hơn … sự an dưỡng và vui vẻ đúng nghĩa không thể có được ngay tức thì”, ông nói với Hanyang Journal về hạn chế của trào lưu này.
Tuy vậy, “một số ý kiến tích cực cho rằng đây là dấu hiệu tốt, cho thấy mọi người đã bắt đầu chú trọng hơn đến chất lượng cuộc sống … xã hội đã công nhận và bắt đầu tìm giải pháp cho các vấn đề vốn thuộc về đời tư”, ông nói thêm.