Ít nhất 150 quả tên lửa được phóng vào Israel trước nửa đêm ngày 10/5 sau khi cảnh sát Israel đã bắt những người biểu tình Palestine trong cuộc biểu tình ban đêm gần cổng Damascus của thành phố cổ Jerusalem vào đêm 9/5, theo Guardian.
Ngày 10/5 là ngày những người Israel lên kế hoạch diễu hành qua thành phố cổ Jerusalem. Đây là một phần của cuộc diễu hành phất cờ thường niên thể hiện tuyên bố cái Israel gọi là chủ quyền của họ đối với khu vực tranh chấp.
Truyền thông Israel đưa tin 25 người bị thương trong cuộc đụng độ hôm 9/5 và 23 người đã bị bắt giữ. Báo Times of Israel đưa tin về quân đội Israel và người biểu tình Palestine đã đụng độ tại khu vực Sheikh Jarrah phía đông Jerusalem.
Người biểu tình Palestine ném đá vào lực lượng an ninh Israel giữa cuộc đụng độ tại Jerusalem. Ảnh: AFP. |
Trước đó, trong ngày 9/5, Israel đã thực hiện một cuộc không kích nhằm vào đồn của lực lượng Hamas để đáp trả một cuộc tấn công bằng tên lửa khác. Những người biểu tình ở Dải Gaza cùng nhóm chiến binh Hamas - đang kiểm soát Dải Gaza - cũng bay khí cầu đốt cháy vào phía nam Israel gây ra hàng chục vụ hỏa hoạn.
Vào đêm 8/5, 120 người đã bị thương, bao gồm một đứa trẻ 1 tuổi và 1 đứa trẻ 14 tuổi, đã được đưa tới bệnh viện. Sự việc diễn ra 1 ngày sau khi hơn 200 người Palestine bị thương khi cảnh sát Israel xông vào nhà thờ Hồi giáo al-Aqsa của Jerusalem, thánh địa linh thiêng lớn thứ 3 trong đạo Hồi.
Cảnh sát Israel cho biết 20 sĩ quan đã bị thương trong vài ngày gần đây.
Nguyên nhân dẫn tới cuộc đụng độ
Nguyên nhân dẫn đến cuộc đụng độ là do phán quyết hiện đang bị trì hoãn của tòa án Israel về nơi định cư của người Palestine tại Sheikh Jarrah. Phán quyết này đưa ra về việc liệu giới chức trách có thể trục xuất người Palestine khỏi Sheikh Jarrah và tạo nơi lưu trú cho người Do Thái hay không.
Các cuộc giao tranh giữa đêm làm dấy lên lo ngại về những cuộc đụng độ tiếp theo trong suốt lễ kỷ niệm ngày Jerusalem - ngày quân đội Israel chiếm toàn bộ thành phố vào năm 1967 và được xem là một ngày kỷ niệm quốc gia của Israel.
Người Palestine cũng phàn nàn về những chèn ép đối với cuộc tụ tập trong tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo.
Một vài dấu hiệu cho thấy bạo lực bắt đầu lan rộng. Cuối ngày 9/5, quân đội Israel cho biết các tay súng Palestine ở Dải Gaza đã bắn 4 tên lửa về phía Israel, dùng còi báo động cho cuộc không kích ở phía Nam thành phố Ashkelon và các khu vực lân cận. Một tên lửa đã bị đánh chặn, trong khi hai tên lửa khác phát nổ tại Gaza.
Cảnh sát Israel đụng độ với người Palestine tại Nhà thờ Hồi giáo al-Aqsa. Ảnh: Guardian. |
Ông Nabeel al-Kurd (77 tuổi), người đang phải đối mặt với việc mất nhà, cho biết việc trục xuất là nỗ lực phân biệt chủng tộc khi trục xuất người Palestine và thay thế họ bằng những người định cư.
Theo luật Israel, những người Do Thái có thể minh chứng quyền định cư từ trước cuộc chiến năm 1948 và có thể đòi lại tài sản ở Jerusalem của họ. Hàng trăm nghìn người Arab đã phải di dời trong cuộc xung đột, nhưng không có luật nào tương tự cho những người Arab mất nhà cửa trong thành phố..
Nir Hasson, cây bút của nhật báo thiên tả của Israel, đã cáo buộc chính quyền Israel về những quyết định tồi tệ trong vài tuần qua. Những quyết định này bao gồm việc cảnh sát có quyền hành không bị kiềm chế trên đường phố Jerusalem. “Họ hành động như thể học được gửi đến để thổi bùng ngọn lửa chứ không phải để dập tắt chúng”.
Ông cho biết thêm: “Cuối cùng, một nửa thủ đô Israel đã bị chiếm đóng và 40% cư dân của nó là những người không có quốc tịch, những người coi Israel là chế độ áp bức, ngoại bang. Cảnh sát và các cơ quan chức năng phải nhận ra điều này và khôi phục lại trật tự".
Phản ứng giữa các bên liên quan
Phát biểu tại cuộc họp nội các đặc biệt trước Ngày Jerusalem, Thủ tướng Benjamin Netanyahu cho biết Israel sẽ không có phép phần tử cực đoan nào gây mất ổn định tại Jerusalem. Ông cũng cho biết phía Israel sẽ thực thi pháp luật và đảm bảo trật tự một cách có trách nhiệm.
Vào chiều 9/5, trước diễn biến căng thẳng và sau yêu cầu của Tổng chưởng lý Avichai Mandelblit, Tòa án Tối cao đồng ý hoãn phiên điều trần. Phiên điều trần sẽ được tổ chức trong vòng một tháng tới.
Tuy nhiên, thời gian tạm hoãn không thể đủ để kết thúc bạo loạn. Trong cuộc tuần hành Ngày Jerusalem trước đó, người tham gia đã quấy rối cư dân Arab, đập cửa khi đi qua khu phố Hồi giáo.
Nhiều người bị thương trong cuộc xung đột mới nhất tại Jerusalem. Ảnh: The Guardian. |
Nhà Trắng cho biết trong một tuyên bố rằng cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về các cuộc đụng độ vũ trang tại Jerusalem trong một cuộc điện đàm với người đồng cấp Israel, Meir Be-Shabbat.
Israel đang đối diện với chỉ trích gia tăng từ cộng đồng quốc tế về phản ứng mạnh bạo của cảnh sát và kế hoạch trục xuất. Tuần trước, Cơ quan nhân quyền của Liên Hợp Quốc mô tả việc trục xuất người Arab ra khỏi lãnh thổ của họ là một tội ác châm ngòi chiến tranh.
Cũng vào hôm 9/5, Jordan - quốc gia có quyền giám sát địa điểm Hồi giáo và Cơ đốc giáo tại Jerusalem - cũng mô tả hành động chống lại người thờ phụng ở al-Aqsa là dã man.
Jerusalem từ lâu đã là trung tâm của cuộc khủng hoảng Israel -Palestine, với các thánh địa được cả người Do Thái và Hồi giáo tôn kính.
Bức tường phía tây thành phố cổ tạo thành địa điểm linh thiêng nhất trong đạo Do Thái - Núi Đền. Tuy nhiên, nó cũng là một phần của al-Haram al-Sharif, hay Thánh địa quý tộc, cùng với Cổng vòm đá và nhà thờ Hồi giáo al-Aqsa phía trên.
Lực lượng phong trào Hồi giáo Hamas, đang nắm quyền ở Gaza, kêu gọi người Palestine ở lại al-Aqsa cho đến khi tháng Ramadan kết thúc. “Lực lượng kháng chiến sẵn sàng bảo vệ al-Aqsa bằng bất cứ giá nào”.