Điều này khiến doanh nghiệp (DN) “bấn loạn” không biết sẽ áp dụng FTA nào trong thực tiễn hoạt động.
DN được chọn áp dụng FTA có lợi!
Hiện nay, Việt Nam đang tham gia 15 FTA, trong đó có 8 FTA có hiệu lực và 7 FTA mới đang được tiếp tục đàm phán. Theo bà Phùng Thị Lan Phương - Trưởng phòng FTA, Trung tâm WTO và Hội nhập VCCI, trong quá trình hội nhập, DN có thể vận dụng FTA nào cũng được. Bởi lẽ, các hiệp định đã ký hoặc đang đàm phán tồn tại song song với nhau, không phải cái sau sẽ triệt tiêu cái trước. DN cần căn cứ nội dung hiệp định để xem cái nào có lợi hơn để áp dụng. Thực tế cho thấy các FTA sau có mức độ tự do hóa cao hơn.
Thời điểm hiện tại, riêng trong mối quan hệ hợp tác với Nhật Bản, Việt Nam đã tham gia tới 3 FTA khác nhau, là Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện ASEAN - Nhật Bản (AJCEP), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Việt Nam - Nhật Bản (EPA), và Nhật Bản cũng là một trong những nước tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Việt Nam đang tham gia cùng lúc 15 FTA khiến không ít DN lo ngại có thể gây chồng chéo. |
“Ví dụ như FTA ASEAN - Nhật Bản có thể cam kết thuế không cao như FTA Việt Nam - Nhật Bản, nhưng quy tắc xuất xứ mở rộng hơn. Nguyên liệu, hàng hóa không bắt buộc phải trong nước mà có thể xuất phát từ nội khối cộng đồng các nước ASEAN và Nhật Bản. Cả hai đều song song có hiệu lực nên DN cần cân nhắc, đối chiếu với thực tế hoạt động để lựa chọn ưu đãi về thuế hay ưu đãi về quy tắc xuất xứ, cái nào có lợi hơn thì áp dụng”, bà Phương khẳng định.
Doanh nghiệp nhỏ và vừa phải tự… “bơi”
Theo Tổng cục Thống kê, hiện nay doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) chiếm 97,6% tổng số DN đang hoạt động cả nước (khoảng 500.000 DN), đóng góp 43,2% GDP, 61% việc làm, 31% xuất khẩu và gần 30% thu nộp ngân sách. Trong thời gian sắp tới, DNNVV chính là đối tượng chịu tác động mạnh mẽ nhất từ các hiệp định thương mại.
Ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội các DNNVV TP Hà Nội - lo ngại: “Sức nóng của TPP đang phả vào gáy, nếu không tận dụng cơ hội thì kinh tế Việt Nam, vốn yếu nhất trong 12 quốc gia tham gia sẽ bị 'đánh chiếm' bởi những tập đoàn viễn chinh nước ngoài hùng mạnh. Chúng ta sẽ thua ngay trên sân nhà!”.
Nhớ lại 9 năm trước khi Việt Nam gia nhập WTO, ông Quốc Anh cho biết, rất nhiều phát biểu lạc quan rằng Việt Nam có thể sớm hóa rồng, hóa hổ. Nhưng thực tế lại phải trải qua những con sóng lớn, đến nay vẫn phải nghe hoài điệp khúc được mùa mất giá, cá tra, tôm Việt Nam bị áp thuế chống bán phá giá. Nguyên nhân chủ yếu vẫn do những yếu kém bên trong. Ngay đến DN, đội quân tiên phong tham gia hội nhập vẫn chưa thể nắm rõ thông tin về FTA.
Bà Phùng Thị Lan Phương cũng cho biết, trong thời gian tới khi hội nhập sâu rộng các FTA, về nguyên tắc, hỗ trợ trực tiếp đối với DNNVV sẽ không còn và để hưởng những lợi thế từ hội nhập. DN buộc phải tự “bơi” và nâng cao năng lực của mình thông qua việc nghiên cứu, tìm hiểu thật kỹ thông tin về các FTA mà VN đang tham gia.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Nguyễn Tất Thịnh cũng cho rằng, DNNVV cần tự làm, tự học và cùng hợp sức lại thành “bếp ăn” của thế giới về công nghiệp phụ trợ, chế biến, chế tạo… Ông Thịnh cũng đưa ra dự báo, sau khi hội nhập 4-5 năm tới, số lượng DNNVV sẽ tăng lên, chiếm tới 98% tổng số DN đang hoạt động cả nước và mang tính địa phương hóa hơn. Sẽ ngày càng nhiều DN được thành lập tại các huyện, xã, phường; liên kết theo hàng dọc và hàng ngang và hầu hết các lãnh đạo đều rất trẻ. Để người Việt không thua trên sân nhà, ông Thịnh cho rằng, điều quan trọng nhất là cần thay đổi 3 yếu tố: Tổ chức, tài chính và tiêu chuẩn!