Khu kinh tế Dung Quất sau 25 năm hoạt động hiện nay chỉ có 8 bến cảng được đầu tư đưa vào hoạt động. Trong đó, Cảng Hòa Phát Dung Quất tiếp nhận tàu có tải trọng từ 150.000 - 200.000 tấn. Số cảng còn lại chỉ có thể đón tàu tải trọng 50.000 - 70.000 tấn. |
Ông Lê Văn Lương, Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Quảng Ngãi, cho hay Dung Quất đang phát triển nhanh chóng. Năm 2020, lượng hàng hóa qua cảng đạt 35 triệu tấn và dự kiến năm 2021 là 40 triệu tấn. Do vậy việc đầu tư, mở rộng các bến cảng tại Khu kinh tế Dung Quất là rất cần thiết. Trong ảnh: Kĩ sư, công nhân đấu nối ống bơm dầu thô vào bồn, bể chứa nhà máy lọc dầu Dung Quất. |
Xuất khẩu thiết bị cẩu trục tại cảng Doosan Vina. Theo ông Lương, nhiều doanh nghiệp sắp đầu tư tại Khu kinh tế Dung Quất, trong đó giai đoạn 2 của Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát dự kiến có lượng hàng hóa qua cảng là 60 triệu tấn thép/năm. Nếu không khẩn trương đầu tư các bến cảng thì hàng hóa có nguy cơ ùn ứ vì Cảng Dung Quất đang quá tải. |
Quảng Ngãi hiện có hơn 20 doanh nghiệp tham gia xuất, nhập khẩu hàng hóa bằng container với khoảng 6.500 container/năm (trung bình 125 container/tuần). |
Tuy nhiên, Cảng Dung Quất chưa có bến cảng container, các hãng tàu chưa thể mở tuyến trung chuyển container nội địa, trung chuyển container quốc tế tại đây. |
Khu vực biển Dung Quất hiện có 8 bến cảng đã đưa vào hoạt động gồm: 3 bến cảng tổng hợp và 5 bến cảng chuyên dùng (một cảng của Doosan, hai cảng của nhà máy Lọc dầu Dung Quất, cảng cho nhà máy đóng tàu và cảng Hòa Phát Dung Quất). |
Thực tế hiện nay Khu kinh tế Dung Quất chỉ có ba cảng tổng hợp gồm: PTSC, Germadept, Hào Hưng. Các cảng này chủ yếu tiếp nhận tàu để xuất khẩu sản phẩm dăm gỗ (chiếm 90 - 95% hàng hóa qua cảng). |
Ông Đinh Văn Chung, Phó giám đốc Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất, cho hay nhu cầu xuất nhập hàng hóa phục vụ sản xuất tại Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát - Dung Quất, cũng như phục vụ thi công giai đoạn 2 của dự án rất lớn. Trước tình hình Cảng Dung Quất quá tải, doanh nghiệp phải tốn hàng tỷ đồng mỗi năm để thuê thêm các cảng biển ngoài tỉnh để bốc dỡ hàng hóa. |
Anh Nguyễn Hải, lái xe tải chở gỗ dăm thuê cho một doanh nghiệp từ huyện Núi Thành (Quảng Nam) vào cảng Dung Quất cho hay có hôm đợi tàu đến cảng trễ, làm thủ tục mất thêm vài giờ, anh em lái xe phải chờ chực ngủ qua đêm từ chiều hôm trước đến sáng hôm sau mới xuất được hàng cho tàu. |
Xe tải chở gỗ dăm nối nhau hàng cây số trên đường Võ Văn Kiệt chờ vào Cảng Dung Quất. |
Lãnh đạo Cảng vụ Hàng Hải Quảng Ngãi cho rằng nếu chậm đầu tư các bến cảng, nhất là cảng tổng hợp container thì hàng hóa có nguy cơ ùn ứ ở Khu kinh tế Dung Quất vừa gây thiệt hại kinh tế cho doanh nghiệp vừa gây thất thu ngân sách cho Nhà nước. Trong ảnh: Gỗ dăm ùn ứ ở các bến cảng Khu kinh tế Dung Quất. |
Ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, xác nhận các bến Cảng Dung Quất đang khai thác đạt 100% năng lực thiết kế. Về lâu dài, các cảng này không đáp ứng được nhu cầu xuất, nhập khẩu hàng hóa của doanh nghiệp tại Khu kinh tế Dung Quất.
Theo ông Minh, để giảm thiểu quá tải cho Cảng Dung Quất, Quảng Ngãi giao cho Công ty Kỹ thuật dịch vụ Dầu khí (PTSC) sớm đầu tư hoàn thiện bến cảng chuyên dụng số 3. Còn bến cảng 6, 7, 8, địa phương đã giao cho Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất khẩn trương thi công đưa vào sử dụng.Thủ tướng cũng đã cho phép Hòa Phát xây cảng tổng hợp container Hòa Phát Dung Quất có công suất 9 triệu tấn/năm, tổng vốn gần 3.800 tỷ đồng.
Theo điều chỉnh Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Thủ tướng phê duyệt Cảng Dung Quất là khu bến cảng tổng hợp, container, với các bến cho tàu trọng tải từ 10.000 đến 50.000 tấn, tàu container có sức chở đến 4.000 TEU.
Khu cảng này gồm các bến chuyên dùng xuất sản phẩm của liên hợp lọc hóa dầu, công nghiệp đóng, sửa tàu biển, bến chuyên dùng của các cơ sở công nghiệp nặng cho tàu trọng tải từ 20.000 đến 150.000 tấn hoặc lớn hơn. Toàn Cảng Dung Quất có 14 bến cảng chính được đưa vào quy hoạch để đầu tư xây dựng, nhằm trở thành cảng biển có quy mô và hiện đại, đáp ứng cả xà lan loại lớn và tàu container.