Nhiều năm qua, người dân 2 phường Nại Hiên Đông và Thọ Quang (quận Sơn Trà) phải sống chung với ô nhiễm môi trường ở âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang.
Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang có diện tích hơn 80 ha, nằm tại 2 phường Thọ Quang và Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng).
Âu thuyền này là cảng cá lớn nhất miền Trung. Trung bình mỗi ngày, có hơn nghìn tàu thuyền của ngư dân các tỉnh từ Quảng Bình đến Bình Định vào đây bán cá và lấy dầu, nước ngọt, đá lạnh, lương thực để tiếp tục ra khơi.
Theo số liệu từ Ban Quản lý âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang, mỗi ngày có khoảng 4.000 ngư dân miền Trung vào đây để giao dịch hải sản.
Từ khi đưa vào hoạt động (năm 2004), âu thuyền là nơi tránh, trú của hàng nghìn tàu thuyền mỗi khi có bão đổ về. Tuy nhiên, 10 năm qua, âu thuyền đang quá tải và là một trong những "điểm nóng" ô nhiễm môi trường.
Các cơ quan chức năng Đà Nẵng đã tổ chức nhiều cuộc họp để bàn các giải pháp hạn chế ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm vẫn còn trầm trọng.
Hàng ngày, người dân khu vực giáp ranh 2 phường Thọ Quang và Nại Hiên Đông phải "sống chung" với ô nhiễm. Những hôm nắng nóng, mùi hôi thối của rác thải, tanh nồng của hải sản theo làn gió bay thẳng vào nhà dân.
“Khi mưa gió, lụt lội, nhiều loại rác trôi ngập vào bờ kè và theo ống cổng chảy thẳng xuống âu thuyền. Người dân ví nơi đây như "hồ chứa rác", ô nhiễm môi trường nghiêm trọng”, ông Phạm Thanh, trú tại phường Nại Hiên Đông, bức xúc nói.
Theo quan sát của phóng viên, tại khu vực này nước thải từ các nhà máy chế biến thủy sản chưa được xử lý triệt để vẫn chảy ra âu thuyền. Hàng trăm tàu cá xả nước thải đen ngòm ra cảng cá. Nhiều loại rác thải nổi lềnh bềnh trên mặt nước.
Lãnh đạo Ban Quản lý âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang, lý giải khu vực này là một vùng nước kín gió, dòng chảy yếu. "Nước bị tù đọng, bốc mùi khó chịu và ô nhiễm môi trường", đại diện Ban Quản lý âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang thừa nhận.
Ông Mai Mã, Giám đốc Công ty Thoát nước và xử lý nước thải Đà Nẵng, cho biết từ tháng 4/2017, khi Trạm xử lý nước thải Sơn Trà hoàn thành (với công suất 25.500 m3/ngày đêm) đã góp phần giảm thiểu ô nhiễm nước thải cho âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang.
Tuy nhiên, các nguồn nước từ tàu cá được thải trực tiếp ra môi trường và nước thải từ các xe chở thủy sản rơi vãi trong đường nội bộ nên tình trạng ô nhiễm vẫn chưa kiểm soát triệt để. Người dân vẫn còn bức xúc về tình trạng ô nhiễm ở khu vực này.
Vì cuộc sống mưu sinh, người dân phường Nại Hiên Đông vẫn phải ra các vùng nước cạn để bắt hàu đem bán kiếm thêm thu nhập.
Bà Nguyễn Thị Lan (trú phường Nại Hiên Đông), cho biết nguồn nước ở đây rất ô nhiễm và có nguy cơ gây bệnh nhưng bà vẫn thường ra âu thuyền nhặt các loại rác thải, bình nhựa để bán cho các tiệm ve chai.
Vị trí âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang. Ảnh: Google Maps.
Sáng ngày 30/04, tại các bãi tắm Phạm Văn Đồng và bãi tắm Mỹ Khê quận Sơn Trà, Tp Đà Nẵng, người dân vô cùng ngạc nhiên khi thấy một lượng lớn rác nằm trên bãi biển.
Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã trao 3 xác nhận kỷ lục cho UBND tỉnh Đắk Lắk. Bộ VHTTDL trao Quyết định công nhận Bảo vật quốc gia đối với Bộ sưu tập mũi khoan đá Thác Hai.