Việc tỉnh Sóc Trăng chi gần 1 tỷ đồng từ ngân sách dự phòng của Đảng để lắp camera an ninh cho nhà riêng các ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy khiến dư luận xôn xao những ngày qua.
Tỉnh đã nhận sai, thu hồi quyết định và tiền về ngân sách nhưng cũng chưa thể làm dịu bức xúc của dư luận. Bởi ai cũng nhìn thấy nếu sự việc không bị phát hiện, báo chí không phản ánh thì hơn 10 người trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sóc Trăng sẽ nghiễm nhiên hưởng những đặc quyền, đặc lợi từ ngân sách của Đảng, của Nhà nước.
Tỉnh nào cũng làm như Sóc Trăng thì sẽ thế nào?
Chia sẻ quan điểm về vụ việc với Zing.vn, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trương Minh Hoàng nói: “Cá nhân anh tự lắp đặt camera an ninh thì không sao, nhưng lấy tiền ngân sách lắp thì không được. Nếu tỉnh nào cũng làm như Sóc Trăng thì sẽ thế nào?”.
Camera lắp đặt trước nhà của một cán bộ trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sóc Trăng. Ảnh: Nhật Tân. |
Trước động thái Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sóc Trăng thu hồi quyết định chi gần 1 tỷ đồng từ ngân sách để lắp camera cho nhà riêng lãnh đạo, ông Hoàng cho rằng đó là việc cần thiết. Kể cả khi tiền đã chi rồi phải bằng mọi cách thu tiền về cho ngân sách. Và việc này đã công bố trước dư luận nên Sóc Trăng phải giải quyết thật sớm, thật nhanh.
Với nhiều ý kiến cho rằng “không thể thu hồi quyết định, thu hồi tiền là xong”, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đồng tình và nói: “Không thể xong, chắc chắn như vậy”. Ông Hoàng cho rằng cần có sự vào cuộc của Ủy ban Kiểm tra Trung ương để có thể đưa ra kết luận, phán quyết cuối cùng, khi đó mới nói là xong được.
Cũng là một đại biểu của vùng Tây Nam Bộ, ông Trương Minh Hoàng nhắc đến những thời điểm vùng này an toàn đến mức người dân ngủ không cần khóa cửa, không sợ trộm cắp. Điều đó cho thấy một sự ổn định trong vấn đề an ninh, không tới mức “đao to búa lớn” như phải lắp camera để chống khủng bố.
Đại biểu Quốc hội Vũ Trọng Kim, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị, lại nhìn nhận có sự quan cách, xa dân của người lãnh đạo khi đưa ra những quyết định để “tạo khoảng cách” với chính người dân.
Nêu thực tế nhiều lãnh đạo “kín cổng cao tường”, dân nghèo nhưng lãnh đạo lại “thích hoành tráng”, ông Kim cho rằng việc lắp camera nhà lãnh đạo để đảm bảo an ninh là không cần thiết. Đặc biệt, khi dùng đồng tiền ngân sách một cách sai quy định, sai đối tượng và mục đích.
Để giải quyết câu chuyện này, ông Kim cho rằng nhà lãnh đạo nào được lắp camera từ tiền ngân sách thì phải bỏ tiền túi ra bồi thường lại. Nhưng tiền trong câu chuyện này cũng chỉ là một khía cạnh, điều quan trọng hơn là cách chi tiêu ngân sách ở địa phương này đang “có vấn đề”.
Vị đại biểu này đề nghị phải tiếp tục tiến hành kiểm điểm xem ai sai, sai chỗ nào rồi báo cáo cho dân nghe. “Việc tự kiểm điểm trước hết được thực hiện ở cơ sở, nhưng cũng không thể có chuyện kiểm điểm cho có, rồi rút kinh nghiệm sâu sắc. Đoàn ĐBQH, HĐND, MTTQ tỉnh Sóc Trăng - những cơ quan có trách nhiệm giám sát, phải thể hiện vai trò của mình, giám sát chặt chẽ vụ việc này để có đề xuất hướng xử lý kịp thời”, ông Kim nói.
Không kiểm tra chặt chẽ, còn chi sai nhiều thứ khác
Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Lê Như Tiến nhấn mạnh phải xem xét, kỷ luật nghiêm khắc cá nhân và tập thể liên quan dù Sóc Trăng đã thu hồi quyết định. Việc lắp camera cho thấy chi tiêu ngân sách đang bị lạm dụng phục vụ cho mục đích, quyền lợi cá nhân.
Theo ông Lê Như Tiến, nhà lãnh đạo là nơi riêng tư, không thể dùng ngân sách Nhà nước trang bị cho nhà tư được, việc này vi phạm Luật Ngân sách và các quy định dưới luật về sử dụng ngân sách. Sai trước hết ở người ký quyết định cho lắp camera, cái sai nữa là các lãnh đạo tỉnh và các ủy viên Ban Thường vụ đã đồng ý với chủ trương này.
“Việc tư mà lấy tiền từ ngân sách chi ra để trang bị thì quá sai, không ai chấp nhận được”, ông Tiến nói và cho rằng nếu không quản lý chặt chẽ việc chi tiêu ngân sách ở địa phương thì có thể còn nhiều thứ chi sai nữa.
Vì thế nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng đề nghị các cơ quan cấp trên phải vào cuộc kiểm tra, làm rõ vấn đề chi tiêu ngân sách ở Sóc Trăng và xử nghiêm các cá nhân, tổ chức vi phạm.
Ông Nguyễn Túc, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Văn hóa xã hội Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, cũng cho rằng Sóc Trăng đã thu hồi quyết định và tiền về cho ngân sách nhưng vẫn phải làm rõ trách nhiệm để xử lý nghiêm khắc.
Đây rõ ràng là câu chuyện hệ trọng khi cán bộ lãnh đạo tỉnh đã cố tình “biến của công thành của tư”, dùng tiền ngân sách chi cho mục đích cá nhân. Ông Túc mong muốn các cơ quan thanh tra, kiểm tra của Trung ương sớm vào cuộc làm rõ vụ việc này, chấm dứt bức xúc trong dư luận và để làm gương cho các địa phương khác.
Quyết định từ phòng lạnh
Độc giả Thu Anh thừa nhận sự cần thiết của việc lắp camera để đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống trộm cắp. “Nhưng lấy tiền ngân sách ra mà lắp cho nhau thì cái camera ấy đang từ một phương tiện săn trộm, lại trở thành 'kẻ ăn cắp'. Điều đó thật đáng tiếc”, bạn đọc này bình luận.
Đa số ý kiến cho rằng dù Sóc Trăng thu hồi quyết định, vẫn phải làm rõ trách nhiệm để xử lý, kỷ luật những cá nhân, tập thể đã làm sai. Ảnh: Tuấn Anh. |
Trong khi đó, độc giả Trần Lan góp ý: “Các vị lãnh đạo Sóc Trăng đã quên rằng người dân chính là những camera bảo vệ tốt nhất cho họ, miễn sao họ tận tâm bảo vệ dân”.
Còn anh Nguyễn Quang Trung nhắc đến 2 vấn đề đáng quan tâm và gây bức xúc nhất trong câu chuyện này. Trước hết, việc dùng tiền ngân sách, cũng chính là tiền thuế của dân để lắp camera ở nhà riêng lãnh đạo là một điều vô cảm, đáng lên án.
Và đặc biệt, nó cho thấy sự phân biệt, xa cách giữa quan và dân, trong khi họ chính là những người được dân bầu lên để đại diện cho tiếng nói của người dân.
Độc giả Nguyễn Hồng Lĩnh thì đặt vấn đề lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng làm thế này, nếu ở huyện, ở xã cũng đòi lắp thì sao? “Đa số người dân Sóc Trăng nghèo lắm. Vậy mà lãnh đạo ngồi trong phòng lạnh, ký các quyết định cho thấy rõ tư duy nhiệm kỳ”, bạn đọc này viết.
Nhiều độc giả nhận định Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sóc Trăng đã nhất trí cao với chủ đích rất rõ ràng nhưng phải hủy quyết định vì "bàn tay không che nổi bầu trời".
Để tránh việc xử lý qua loa như vụ Trưởng ban Dân vận tỉnh Sóc Trăng tổ chức đám cưới rình rang cho con trai với nhiều xe biển xanh, biển đỏ tới tham dự, bạn đọc mong muốn Trung ương xem xét thấu đáo tư tưởng, tư cách của những cán bộ liên quan.