Tại hội nghị, nhiều nhà đầu tư cho rằng các tỉnh Tây Nguyên có rất nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế. Đặc biệt là nông nghiệp và năng lượng sạch.
Tiềm năng rất lớn
“Tiềm năng thì có, nhưng hiện việc đầu tư gặp nhiều khó khăn, trong đó thủ tục đầu tư còn nhiều bất cập. Nếu xóa bỏ được rào cản này, các nhà đầu tư sẽ 'nhảy vào' để giúp Tây Nguyên phát triển”, ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch đầu tư (KH-ĐT) phát biểu.
Theo ông Dũng, các tỉnh Tây Nguyên được xem là vùng có khí hậu, đất đai và khoáng sản vào loại bậc nhất cả nước và Đông Dương, nhưng thời gian qua chưa có dự án nào đáng kể đầu tư vào đây để khai thác, nâng tầm kinh tế của vùng này lên.
Sản xuất manh mún, lạc hâu đang làm giảm giá trị cây hồ tiêu so với các nước khác trên thế giới. Ảnh: Minh Quý. |
Cùng quan điểm, Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nguyên, cho rằng tiềm năng thì có, nhưng việc chưa phát huy hết cái mình có được xem như một bước lùi trong phát triển kinh tế.
“Hiện nay, Chính phủ rất chú trọng việc phát triển kinh tế của các tỉnh Tây Nguyên. Đây vừa là thách thức, vừa là lợi thế đối với các nhà lãnh đạo địa phương vùng này. Thách thức là làm sao để có một cơ chế thông thoáng, môi trường đầu tư hợp lý, nhanh gọn mời gọi các nhà đầu tư. Còn lợi thế chính là những ưu đãi mà Chính phủ và các Bộ ngành ành cho Tây Nguyên”, ông nói.
Trong khi đó, hầu hết nhà đầu tư có mặt tại hội nghị đều thống nhất quan điểm, các tỉnh Tây Nguyên đang còn quá “hoang sơ”, trong việc đầu tư và mời gọi các công ty, tập đoàn. Trong đó, họ nhấn mạnh vào môi trường đầu tư.
“Chúng ta cần thay đổi quan điểm về thủ tục hành chính, phải thông thoáng, nhanh gọn và đặc biệt là cơ chế dành cho các nhà đầu tư phải hợp lý, tránh xách nhiễu, rờm rà”, đại diện Công ty TNHH Xuân Thiện Đắk Lắk phát biểu.
Phải xây dựng chiến lược kinh tế lâu dài, bền vững
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh hiện nay 5 tỉnh Tây Nguyên có môi trường kinh doanh chưa tốt, còn yếu kém nên hạn chế các nhà đầu tư vào đây.
“Đất đai của vùng này rất rộng, tiềm năng rất lớn, nhưng chính sách chưa thông thoáng, tính minh bạch chưa cao, chưa tốt. Cái này tôi nói để lưu ý lãnh đạo của 5 tỉnh Tây Nguyên. Hôm nay có 5 bí thư, 5 chủ tịch của 5 tỉnh, các vị về phải có chỉ đạo cải thiện ngay vấn đề thủ tục đầu tư. Bỏ ngay quan niệm cũ, xây dựng chiến lược phát triển kinh tế lâu dài, mà trước mắt là đơn giản hóa thủ tục đầu tư để mời gọi các nhà đầu tư vào tỉnh mình”, Thủ tướng nhắc nhở.
Người đứng đầu Chính phủ phân tích vùng Tây Nguyên có đất đai rộng lớn, giàu tài nguyên cả về văn hóa và khoáng sản.
Theo ông, hiếm có vùng nào trên thế giới lại có một nơi ôn đới nằm trong vùng nhiệt đới như Tây Nguyên. Đất bazan màu mở với hơn 2 triệu ha, rất phù hợp với nhiều loại cây công nghiệp như hồ tiêu, cà phê, điều, mắc ca…
Về văn hóa, Thủ tướng cho rằng chúng ta có đủ cả văn hóa vật thể và phi vật thể giàu tính văn hóa bậc nhất cả nước. "Đó là yếu tố quá thuận lợi để phát triển kinh tế, nhưng sao ta không làm được?", ông nêu câu hỏi.
Có một thực tế mà Thủ tướng chỉ ra tại hội nghị là vùng Tây Nguyên của Việt Nam đang là vùng có sản lượng xuất khẩu cà phê, hồ tiêu vào loại lớn nhất thế giới. Nhưng giá trị kinh tế lại quá thấp.
“Cái này ta phải thừa nhận, mình xuất khẩu rất nhiều, nhưng chủ yếu là xuất thô, chỉ qua sơ chế nên giá thành không cao. Ngoài ra, sản xuất manh mún, nhỏ lẻ công thêm công nghệ lạc hậu làm giảm chất lượng sản phẩm, tính cạnh tranh thua xa các nước khác trên thế giới”, Thủ tướng nói.
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng năm 2016, chỉ số năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong khối ASEAN tăng 9 bậc, đó là điều đáng mừng. Sang năm 2017, chúng ta phấn đấu chỉ số năng lực cạnh tranh phải đứng tốp đầu ASEAN.
Muốn làm được điều đó, theo ông, trước hết ta phải hoàn thiện hơn nữa môi trường kinh doanh. Tôi cũng mong muốn các doanh nghiệp có mặt tại hội nghị này, nói phải đi đôi với làm. Đừng để ký nhiều, làm ít hoặc làm quá chậm.
Mặt khác, ông nhấn mạnh làm kinh tế không phải làm theo kiểu bất chấp tất cả mà phải chú trọng bảo vệ môi trường, tạo điều kiện sinh kế tốt nhất cho người dân, không để xung đột giữa lợi ích kinh tế với người dân ở vùng mình đầu tư.
"Phải đưa ra chiến lược làm kinh tế bền vững, lâu dài, như vậy mới mong thoát khỏi vùng trũng trong nền kinh tế hội nhập ngày nay”, Thủ tướng chỉ đạo.