Bác Hồ muốn những người cận vệ, phục vụ bình đẳng với mình. Mỗi khi đi công tác, Bác mua quà chia cho mọi người và thường lánh khỏi nhà vào mỗi dịp sinh nhật để tránh chúc tụng...
Những câu chuyện về Bác Hồ, dù đã trải qua hàng chục năm, vẫn đọng lại như in trong ký ức người cận vệ già của Bác. Đó là ông Trần Viết Hoàn nguyên Giám đốc Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch (gọi tắt là Khu di tích Phủ Chủ tịch). Trước khi trở thành người trông coi di sản của Bác khi Bác mất, ông Hoàn có gần 5 năm làm cận vệ, bảo vệ trực tiếp cho Bác Hồ ở khu nhà sàn thuộc Phủ Chủ tịch.
Nhân dịp 130 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2020), chúng tôi gặp lại ông trong căn nhà nhỏ nằm trên phố Đội Cấn. Trong nhà, ông vẫn lưu giữ rất nhiều hình ảnh, kỷ niệm về Bác Hồ.
Zing ghi lại lời kể của ông Trần Viết Hoàn.
Tháng 1/1941, Bác trở về nước. 5 tháng sau, tại Pác Bó - Cao Bằng, Bác triệu tập Hội nghị lần thứ VIII của Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương để chuyển hướng chỉ đạo chiến lược, giành cho được độc lập, tự do.
Khi ấy, Bác cho rằng muốn chiến thắng, phải có lực lượng và người lãnh đạo cách mạng. Bác và Đảng quyết định thành lập Mặt trận Việt Minh vào 19/5/1941. Sau khi giành được chính quyền trong cả nước, tháng 8/1945, cách mạng Việt Nam đứng trước hiểm nghèo với tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”.
Ngày 19/5/1946, tại Bắc Bộ phủ, Bác Hồ tiếp đại biểu thiếu nhi thủ đô và hơn 50 đại biểu Nam Bộ đến chúc mừng sinh nhật.
Bác tặng các đại biểu thiếu nhi một cây bách trồng trong chậu và nói: “Bác có cây này tặng các cháu. Mai sau, cái cây sẽ mọc ra một chậu trăm cái tán. Các cháu về chăm nom cho cây lớn, cây tốt thế là các cháu yêu Bác lắm đấy”.
Đáp lại lòng kính mến của đồng bào, Bác nói: “Tôi chưa xứng đáng với sự chăm sóc của đồng bào, vì tôi hãy còn là một thanh niên, tuổi có 56, chưa đáng tuổi để đồng bào chúc thọ. Chỉ vì một nhà báo nào biết đến ngày sinh của tôi mà làm bận rộn đồng bào. Từ trước đến nay tôi đã là người của đồng bào, thì từ nay về sau tôi vẫn thuộc về đồng bào. Tôi quyết giữ lòng trung thành với Tổ quốc, tôi xin hứa với đồng bào gắng sức làm việc, nhưng hy vọng vào sự cộng tác chặt chẽ của đồng bào".
"Việc nước là việc lớn, không ai có thể một mình làm nổi. Tôi mong rằng ngày này năm sau, đồng bào sẽ làm cho nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà cường thịnh hơn. Hôm nay đồng bào cho tôi nhiều hoa bánh, những thứ đó đáng giá cả, nhưng xin đồng bào nghĩ đến đồng bào nghèo khó, hơn là hao phí cho tôi".
Để thiết thực đáp đền công lao của Bác, vào dịp kỷ niệm Bác 70 tuổi (tháng 5/1960), ngành văn hóa đến xin phép dựng nhà lưu niệm Bác ở hai nơi là Nghệ An - quê hương Bác và Pác Bó (Cao Bằng) - nơi Bác vẫn coi như quê hương thứ hai.
Nhưng Bác nói: “Các chú thương Bác thì nên lo cái ăn, cái ở, cái mặc của bà con ở đây. Dựng nhà lưu niệm làm gì nếu bà con ăn chưa no, mặc chưa ấm, ở chưa sạch. Phải tổ chức nhà giữ trẻ cho tốt, phải xây dựng bệnh xá, trường học cho tốt; phải chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho bà con, đó là cách lưu niệm tốt nhất".
Hay còn nhớ khi Bác lâm bệnh nặng, hồi tháng 8/1969, Bác đang nằm trên giường bệnh thì đồng chí Lê Văn Lương - khi đó là Trưởng ban Tổ chức Trung ương - vào thăm, báo cáo Bác về Nghị quyết của Bộ Chính trị về kỷ niệm 4 ngày lễ lớn trong năm 1970.
Khi nói đến việc kỷ niệm ngày 19/5, Bác nói: “Các chú nên bàn cho kỹ, còn ý kiến của Bác chỉ đồng ý 3/4 Nghị quyết. Bác không đồng ý đưa ngày 19/5 là ngày lễ lớn trong năm 1970”. Còn Nghị quyết thành lập 40 năm thành lập Đảng, 100 năm ngày sinh Lenin, 25 năm thành lập nước thì các chú nên có kế hoạch sớm để tuyên truyền sâu rộng trong quần chúng nhân dân”.
Đó là văn hóa cao cả của Người.
Đặc biệt, trong 15 năm Bác sống ở Phủ Chủ tịch, cứ vào dịp ngày sinh, Bác thường “lánh” nhà, tìm cách đi một nơi khác để tránh nghi lễ phiền phức, tốn kém. Bác sợ mọi người đến chúc tụng, quà cáp, tốn thì giờ, tốn tiền của.
Hầu như năm nào Bác cũng đi như vậy, vào ngày sinh nhật của mình.
Đến năm 1968, Bác yếu nên không đi nước ngoài nữa. Người lên nghỉ tại nhà nghỉ của Trung ương ở Hồ Tây, tiếp tục sửa bản Di chúc.
Một năm sau, Bác ở nhà vào dịp sinh nhật, bởi lúc này, sức khỏe của Người đã yếu hơn.
Tôi là một người may mắn, có vinh dự lớn lao khi được cống hiến 38 năm cho việc phục vụ Bác và trông coi di sản cho Người. Bảo vệ Bác - đó là nhiệm vụ nặng nề nhưng hết sức vinh quang.
Năm 1963 tôi tròn 20 tuổi, học trường ngoại ngữ. Một năm sau, Bộ Công an mở lớp đào tạo đặc biệt để đào tạo cận vệ làm nhiệm vụ bảo vệ lãnh tụ. Họ sang trường tôi tuyển và tôi may mắn trúng tuyển. Đầu năm 1964, tôi từ trường ngoại ngữ chuyển sang lớp đào tạo cận vệ của Trường Công an Nhân dân, Bộ Công an, sau đó về công tác tại Cục Cảnh vệ (nay là Bộ Tư lệnh Cảnh vệ).
Ban đầu, tôi về đội bảo vệ Bác vòng ngoài khi Bác đến thăm các cơ quan, đơn vị, dự hội nghị, mít tinh… Đến năm 1966, tôi chính thức được phân về đội trực tiếp bảo vệ Bác trong khu nhà sàn ở Phủ Chủ tịch.
Như vậy là ước nguyện của tôi thành hiện thực. Vì vậy, khi bảo vệ Bác, chúng tôi nguyện toàn tâm toàn ý cố gắng, làm tròn nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao, bảo vệ an toàn cho Bác Hồ. Đó là mệnh lệnh của trái tim.
Nguyên tắc khi đó của chúng tôi là làm nhiệm vụ tuyệt đối bí mật, không để ai biết chuyện mình được gần Bác Hồ, kể cả gia đình tôi khi ấy cũng không biết tôi làm gì.
Từ năm 1966, tôi thường xuyên được gặp Bác, nhìn thấy Bác ngồi làm việc, đi bách bộ và kiểm tra, xem xét việc học hành, ăn ở của anh em cận vệ.
Khi đó tổ trực tiếp bảo vệ nhà sàn Bác Hồ có khoảng hơn 10 người. Tôi là một trong những người được bảo vệ Bác ở vòng gần nhất.
Bác vĩ đại nhưng lại vô cùng giản dị, gần gũi.
Tôi còn nhớ, cứ tối thứ bảy, Bác lại cho anh em cận vệ sang nhà khách Phủ Chủ tịch xem phim với Bác.
Rồi mỗi khi Bác đi công tác, anh em chúng tôi mong ngóng Bác về như “ngóng mẹ đi chợ”. Lần nào về, Bác cũng có quà chia cho mọi người, khi thì cái kẹo, khi thì quả táo, lúc thì điếu thuốc… Những món quà ấy tuy nhỏ nhưng là tình cảm lớn lao của Bác, chúng tôi cảm động lắm.
Một lần, tôi đang đi gánh nước tưới rau trên đường thì gặp Bác. Tôi vội vàng né sang một bên để nhường đường cho Bác đi, nhưng Bác bảo: “Việc chú làm thì chú cứ làm, việc Bác đi thì bác đi, không ảnh hưởng gì”.
Lần thứ hai, cũng lại đang gánh nước, tôi thấy Bác đi từ nhà sàn ra nên vội vàng đặt gánh nước xuống. Lần này Bác gọi tôi lại và bảo: “Lần trước Bác đã nói với chú rồi, việc chúng ta cứ bình đẳng, vì sao chú phải câu nệ như thế”. Sau đó, Bác còn trực tiếp hỏi han tôi về gia đình, quê quán.
Sống gần Bác mà có những kỷ niệm như thế, tôi quý lắm và sẽ nhớ mãi.
Bác là lãnh tụ nhưng sống giản dị, bình đẳng, không phân trên - dưới, cao - thấp. Bác âu yếm, thân tình như ông, như cha của chúng tôi.
Và đặc biệt, cứ đúng dịp ngày sinh của Bác, Bác thường cho anh em cận vệ xuống ao cá trước nhà sàn mà hàng ngày Bác vẫn chăm sóc, để bắt những con cá thịt lên, biếu các cụ già, cháu nhỏ, biếu các lãnh đạo Đảng, Nhà nước và cho anh em trong cơ quan, những người bảo vệ, phục vụ Bác được cải thiện bữa ăn.
Đây là sự đền đáp của Bác Hồ với những người hàng ngày phục vụ Bác, bảo vệ Bác.
Còn nhớ tháng 5/1968, Bác cho anh em xuống ao bắt cá. Chúng tôi dùng lưới bắt được con cá trắm cỏ rất to, vội mang về để khoe với Bác.
Bác bảo các chú cân xem cá nặng bao nhiêu. Anh em về nhà bếp mượn cân nhưng do con cá to quá, khi đặt con cá lên, đầu đuôi cứ chạm đất, rơi ra khỏi cân. Anh em bí quá không biết làm thế nào.
Bác thấy thế bảo Tổ trưởng Tổ bảo vệ nhà sàn: “Chú Đỉnh, chú bế con cá lên rồi bước lên cân, trừ cân của chú đi là cân của con cá”. Bác đã gỡ thế bí cho chúng tôi khi anh em đang lúng túng.
Sau cân con cá nặng 24 kg. Bác chậm rãi bảo: “Ừ, bắt lên để cá lớn không nuốt cá bé”. Đó là câu nói ẩn chứa nhiều ý nghĩa, mang tính giáo dục cán bộ và mang giá trị lớn lao. Câu nói ấy còn đúng đến ngày hôm nay và tận mai sau.
Với con cá hôm đó, nhà bếp cắt khoanh cá ngon nhất, bày vào đĩa đưa lên biếu Bác, nhưng khi ấy Bác bảo: “Thôi, Bác biếu khúc cá của Bác cho các chú ở tổ bảo vệ nhà sàn”. Bác quan tâm tới chúng tôi trong từng bữa ăn như thế.
Bác Hồ sống giản dị lắm. Nhà sàn của Bác không sơn son thếp vàng, không ngọc ngà châu báu, không phải là lâu đài nguy nga lộng lẫy mà chỉ là nhà sàn đơn sơ.
Ngôi nhà đó vẻn vẹn chỉ có vài ba phòng, luôn lộng gió và ánh sáng, phảng phất hương thơm của hoa vườn. Như cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng nói, Bác sống một đời sống như vậy, thanh bạch và tao nhã biết bao.
Dưới mái nhà này, Bác Hồ nhiều đêm không ngủ, nghĩ về cách mạng miền Nam, xây dựng CNXH ở miền Bắc và nghĩ về vấn đề đoàn kết quốc tế.
Tổng bí thư Trường Chinh từng nói: "Chính những năm ở đây, Bác Hồ đã đề ra đường lối chiến lược, chiến thuật đảm bảo đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác".
Nơi đây chỉ có ý tưởng trồng cây, trồng người, chỉ có chân lý dựng nước, giữ nước và xây dựng đất nước.
Sự giản dị của Người còn thể hiện qua từng bữa ăn.
Bác thường nói với mọi người, bữa ăn là lúc gia đình đoàn viên, mọi người quây quần bên nhau. Nhưng với Bác, bữa ăn nào cũng vậy, ngoài cái bát, cái đĩa đựng thức ăn, trong mâm cơm của Bác bao giờ cũng chỉ có 1 cái bát và 1 đôi đũa. Bác buồn như vậy trong suốt cuộc đời, nhưng Bác mang lại niềm vui cho muôn triệu người trong mỗi bữa ăn.
Bữa ăn của Bác không cao lương mỹ vị, chỉ có bát canh, quả cà, lát cá kho hay thịt kho, giống như mọi người.
Nhưng bữa ăn của Bác khác mọi nhà, mọi người là khi ăn cơm, Bác không bao giờ để rơi một hạt cơm, bởi Bác cho rằng mỗi hạt cơm là một giọt mồ hôi của người nông dân. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng nói một câu rất hay: "Ăn cơm với Cụ hàng trăm lần, lần nào cũng thấy Cụ tém vén, không để rơi một hạt cơm. Bởi vì Cụ trọng công sức của người làm ra lúa gạo".
Như vậy để thấy chuyện nhỏ - đức lớn hài hòa trong một con người.
Cũng nói về câu chuyện này, một giáo sư người Nga trong cuộc hội thảo quốc tế ở Hội trường Ba Đình dịp 100 năm ngày sinh Bác đã nhắc đến và rơi nước mắt.
Trong lúc đời sống nhân dân còn khó khăn, mỗi tháng được 13 kg lương thực nhưng chỉ được 1/3 là gạo, còn lại là ngô, khoai, sắn để ăn độn thêm vào. Khi ấy, Bác Hồ nói với anh em phục vụ: “Cán bộ, nhân dân ăn cơm độn bao nhiêu phần trăm thì cũng độn cho Bác giống như mọi người”.
Chiều thứ bảy hàng tuần, Bác còn bảo để cho Bác ăn một bữa cháo, đơn giản chỉ vì nếu ăn cháo thì có thể bớt được một phần gạo, dành phần đó cho người nghèo.
Đến các địa phương, Bác thường mang theo cơm nắm, muối vừng chứ không ăn cơm khách, sợ tốn kém.
Chuyện về Bác thì nhiều lắm, câu chuyện nào cũng rất cảm động và ý nghĩa.
Bác Hồ lúc nào cũng thể hiện tình cảm, trách nhiệm với non sông, đất nước, đồng bào.
Bởi vậy mà nhân dịp sinh nhật năm nào, Bác cũng gửi điện, gửi thư cảm ơn các tổ chức quốc tế, các cơ quan, tổ chức đã chúc mừng sinh nhật Bác. Có khi, Bác còn làm thơ gửi thay lời cảm ơn. Tôi còn nhớ mãi những câu thơ Bác viết trong dịp sinh nhật năm 1968:
"Bảy mươi tám tuổi chưa già lắm
Vẫn vững hai vai việc nước nhà
Kháng chiến dân ta đang thắng lớn
Tiến bước ta cùng con em ta".