Những ngày gần đây, nhiều địa phương, đặc biệt ở vùng Đông Nam Bộ, liên tiếp thông báo được chia sẻ vaccine từ TP.HCM và bắt đầu chiến dịch tiêm phủ cho người dân. Lãnh đạo TP.HCM từng nhiều lần khẳng định tinh thần thành phố nghĩa tình, vì cả nước, cùng cả nước, sẵn sàng sẻ chia những gì có thể.
Từ góc độ liên kết vùng, các chuyên gia cho rằng cần nhìn nhận ý nghĩa của sự chia sẻ vaccine trong bối cảnh các địa phương đang lên kế hoạch cho "bình thường mới". TS Lương Hoài Nam nhận định TP.HCM không thể là một "ốc đảo xanh" khi các địa phương xung quanh vẫn là vùng đỏ. Còn PGS.TS Võ Trí Hảo nhấn mạnh mối liên kết mật thiết của các tỉnh, thành vùng Đông Nam Bộ.
Ngoài ra, "thẻ xanh" cũng là một công cụ quan trọng để các tỉnh, thành có thể "sống chung với dịch" và cần được đồng bộ trên cả nước.
Virus không phân biệt ranh giới hành chính
PGS.TS Võ Trí Hảo (Hiệu trưởng Đại học Gia Định) phân tích trong quy hoạch các vùng kinh tế trọng điểm thì Vùng kinh tế Đông Nam Bộ được phát triển khá sớm và bài bản. Do đó, tính liên kết vùng của cụm công nghiệp nơi đây rất bền chặt so với các vùng kinh tế khác trên cả nước.
“Chúng ta có thể quan sát rõ bằng mạng lưới kết nối giao thông giữa Bình Dương, Đồng Nai, TP.HCM, Long An và hiệu ứng cụm ngành công nghiệp”, chuyên gia dẫn chứng.
Công tác phòng chống dịch cần tiếp cận theo tư cách một vùng, không cứng nhắc theo đơn vị hành chính.
PGS.TS Võ Trí Hảo
Ông nhận định đặc điểm nổi bật và đặc trưng của Vùng kinh tế Đông Nam Bộ là hiện tượng cho thuê lại lao động. Do hiệu ứng cụm ngành công nghiệp, các doanh nghiệp tối ưu hóa lao động bằng cách một công ty A sản xuất thì ký hợp đồng với công ty B là đơn vị cho thuê lại lao động.
Nếu công nhân làm xong hàng ở công ty A thì công ty B sẽ điều phối người lao động sang doanh nghiệp khác. Điều này có nghĩa là kỹ sư, công nhân làm việc trong nhà máy, xí nghiệp khu vực Đông Nam Bộ có sự luân chuyển, đi lại mật thiết. Do đó, nếu chỉ chống dịch ở địa phương A mà không đồng bộ với địa phương B, C trong cùng vùng thì sẽ không hiệu quả.
Mặt khác, hệ thống sản xuất, cung ứng vốn dĩ gắn kết với nhau, không phụ thuộc vào đơn vị hành chính cấp tỉnh hay thành phố trực thuộc Trung ương. Nếu không khôi phục đồng bộ trong khu vực Đông Nam Bộ thì không đạt được hiệu quả trong cả hệ thống logistics, sản xuất cũng như phòng chống dịch.
Người lao động trong các khu công nghiệp ở Vùng kinh tế Đông Nam Bộ có sự giao lưu mật thiết. Ảnh: Phạm Ngôn. |
Do đặc thù này, công tác phòng chống dịch cần tiếp cận với tư cách một vùng, không nên tách ra cứng nhắc theo đơn vị hành chính. Tất cả chỉ tiêu, con số thống kê nguồn lực vaccine, nhân lực bộ đội, thiết bị hỗ trợ… cần tính toán trên vùng Đông Nam Bộ. Thống kê đơn lẻ sẽ không phản ánh đúng bức tranh.
Thêm vào đó, TS Hảo cho rằng việc tiếp cận chỉ theo đơn vị hành chính là phiến diện. Ông lấy ví dụ trong thống kê về dịch, TP.HCM đếm số ca nhiễm ở huyện Cần Giờ. Tuy nhiên, huyện Cần Giờ được ngăn cách bởi phà Bình Khánh nên mức độ lây lan dịch với phần còn lại của TP.HCM là không đáng kể so với Bình Dương.
Bình Dương dù là khác tỉnh, được thống kê riêng, điều phối nguồn lực riêng nhưng thực tế mức độ giao thương giữa Bình Dương và TP.HCM rất mật thiết, có mật độ cao và mối quan hệ gắn bó cả về kinh tế, công nghiệp…
“Tình trạng dịch bệnh giữa Bình Dương với TP.HCM còn gắn bó chặt chẽ hơn mối quan hệ của huyện Cần Giờ với phần còn lại của TP.HCM”, ông Hảo nhận định.
Bình Dương tiếp giáp và có sự giao lưu chặt chẽ với TP.HCM. Ảnh: Quỳnh Danh. |
"Đơn vị hành chính là sự phân chia mang tính ước lệ của con người, Nhà nước. Trong khi đó, virus lây nhiễm không phân biệt và không quan tâm đến ranh giới hành chính. Virus chỉ quan tâm điều kiện tiếp xúc và lây nhiễm. Đối với virus thì Đông Nam Bộ chỉ là một vùng duy nhất, không tách theo đơn vị hành chính. Do đó, kế hoạch điều phối nguồn lực cũng cần coi đây là một vùng thống nhất", PGS.TS Võ Trí Hảo nói thêm.
Cụ thể, các tỉnh trong khu vực cần họp liên địa phương để điều phối mạng lưới này, ban hành một chính sách thống nhất, duy nhất về logistics. Bởi lẽ, nếu TP.HCM mở cửa nhưng Đồng Nai, Bình Dương, Long An đều “chặn” thì tất cả nguồn hàng thực phẩm, nhu yếu phẩm phục vụ sản xuất, xuất khẩu sẽ vô nghĩa với TP.HCM.
Theo kinh nghiệm quản trị từ nước ngoài thì riêng với hệ thống giao thông, các địa phương có thể thành lập hội đồng liên thành phố. Ví dụ người dân khi mua một vé xe buýt công cộng thì có thể đi lại trong các thành phố của vùng.
Đối với virus thì Đông Nam bộ chỉ là một vùng duy nhất, không tách theo đơn vị hành chính.
PGS.TS Võ Trí Hảo
Bên cạnh đó, nếu mở cửa giao thương, khôi phục sản xuất, logistics, chuỗi cung ứng ở cả vùng Đông Nam Bộ thì vấn đề rủi ro phòng chống dịch ở các địa phương phải tương ứng, nếu không, rất khó tạo sự đồng thuận. Từ góc nhìn này, ông cho rằng việc TP.HCM chia sẻ vaccine cho các tỉnh trong vùng có ý nghĩa quan trọng trong việc từng bước trở lại “bình thường mới”.
Nếu độ phủ vaccine giữa các tỉnh, thành phố trong vùng quá chênh lệch thì có thể dẫn tới sự thiếu thống nhất giữa các địa phương miền Đông Nam Bộ sau này do mức độ rủi ro khác nhau.
TP.HCM không thể là “ốc đảo xanh”
Có quan điểm tương tự, TS Lương Hoài Nam cho rằng việc TP.HCM chia sẻ vaccine với các địa phương bạn có ý nghĩa quan trọng trong việc chống dịch theo vùng.
“TP.HCM không thể nào là ‘ốc đảo xanh’ nếu 3 tỉnh giáp ranh không xanh. Họ không xanh thì TP.HCM cũng không xanh được vì sản xuất của TP.HCM dùng nhiều nhân lực từ các tỉnh giáp ranh. Càng gần, sự lưu thông này càng lớn”, ông nói.
Nếu chỉ TP.HCM “xanh” mà các địa phương lân cận chưa đạt được độ phủ vaccine cần thiết thì rất khó để kiểm soát dịch bền vững, lâu dài.
Nhắc lại quan điểm của Thủ tướng trong chuyến thăm TP.HCM, Bình Dương và Đồng Nai gần đây, ông Lương Hoài Nam cho rằng so với TP.HCM, Thủ tướng đưa ra yêu cầu “ráo riết” hơn với Bình Dương và Đồng Nai là phải kiểm soát dịch trước 15/9. Những tỉnh xanh xung quanh thoát dịch trước cũng có thể trở thành vùng đệm an toàn cho TP.HCM.
TP.HCM có tốc độ tiêm vaccine rất tốt và cần tận dụng lợi thế này. Ảnh: Phạm Ngôn. |
Chuyên gia nhận định TP.HCM có tốc độ phủ vaccine rất tốt thời gian qua và cần tận dụng lợi thế này. Ông nhấn mạnh vai trò của “thẻ xanh” khi TP.HCM và các tỉnh Đông Nam Bộ quay trở lại bình thường mới. Đây là công cụ kiểm soát dịch rất tốt và sử dụng được nguồn lực xanh.
Chuyên gia cho rằng cần tính đến một “thẻ xanh” toàn quốc thay vì đơn lẻ từng tỉnh, thành. Ông bày tỏ mối lo ngại về yếu tố công nghệ của Việt Nam thời gian qua và cho rằng đây là trụ cột “yếu nhất” trong phòng, chống dịch.
Thách thức lớn nhất hiện tại là Việt Nam có rất nhiều ứng dụng kiểm soát dịch nhưng chưa có nền tảng nào hiệu quả để quản lý “thẻ xanh”. Theo ông, sổ sức khỏe điện tử do Bộ Y tế quản lý và vận hành còn rất nhiều hạn chế về chất lượng. Ví dụ như nhiều người đã tiêm 1-2 mũi vaccine nhưng thông tin chưa được cập nhật hoặc cập nhật sai. Hệ thống này cũng ít người dùng và chưa ổn định.
Nhận thức mới là chấp nhận sống chung an toàn với Covid-19, nhưng muốn sống chung phải có công cụ.
TS Lương Hoài Nam
Dẫn chứng hộ chiếu vaccine của Singapore, chuyên gia cho biết toàn bộ người dân Singapore có thể sử dụng một ứng dụng cho tất cả vấn đề liên quan đến Covid-19 như truy vết, vaccine, xét nghiệm…
Ông cho rằng giải pháp tốt nhất là có một “thẻ xanh” để áp dụng trên phạm vi toàn quốc. Nếu không, các địa phương có thể phát hành thẻ xanh sớm hơn nhưng cần phải đồng bộ hóa với toàn quốc.
Chuyên gia đề nghị địa phương và Trung ương cần sớm có câu trả lời cho “thẻ xanh” vaccine, cụ thể như cơ quan nào phát hành, trên nền tảng công nghệ nào… Từ đó mới có thể biết quy mô áp dụng của “thẻ xanh”.
“Nhận thức mới là chấp nhận sống chung an toàn với Covid-19, nhưng muốn sống chung phải có công cụ. Công nghệ đang là khoảng trống đáng lo ngại và cần ráo riết củng cố trụ cột này”, ông nói.