Với tên gọi “Thu dịch vụ sử dụng sân đường tại bến xe”, mức giá mà Công ty cổ phần Bến xe tàu phà Cần Thơ niêm yết thu kể từ 0 giờ ngày 1/6/2015 là 3.000 đồng một môtô, 10.000 đồng ôtô từ 9 chỗ trở xuống cho một lần ra vào bến.
Ông Nguyễn Văn Đương, trú tại huyện Phong Điền, TP. Cần Thơ bức xúc nói: “Sáng nay, tôi vừa đưa người thân ra bến xe Cần Thơ để đi TP HCM, khi vừa vào đến cổng thì đã bị nhân viên bến xe chặn lại bắt nộp phí 3.000 đồng. Tôi cũng từng đi nhiều nơi, nhưng chưa thấy ở đâu lại thu cả phí sử dụng mặt đường như ở đây”.
Tương tự, anh Trần Văn Phương, cư ngụ quận Bình Thuỷ, TP. Cần Thơ cho biết, anh đưa người thân vào bến xe để đi Sài Gòn trị bệnh, khi xe vào cổng bến bị thu 10.000 đồng. “Bến xe mở ra thì đã thu phí của nhà xe rồi, nhưng người vào bến để đi xe vẫn bị thu thêm, phí chồng phí là điều không thể chấp nhận được”, anh Phương nói.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư về những ý kiến phản ánh của người dân, ông Nguyễn Văn Mạnh, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Bến xe tàu phà Cần Thơ, cho biết, mức thu như trên là căn cứ áp dụng theo Thông tư liên tịch 152/2014/TTLT-BTC-BGTVT của Bộ Tài Chính và Bộ Giao thông - Vận tải, ký ngày 15/10/2014.
Phóng viên Báo Đầu tư đã viện dẫn điểm 2, Điều 6 của Thông tư này, có quy định: “Thẩm quyền quy định giá dịch vụ xe ra vào bến ôtô phải do UBND cấp tỉnh quy định trên cơ sở khung giá, mức giá cụ thể đối với dịch vụ này”.
Như vậy, khi thực hiện thu khoản này thì công ty đã được sự chấp thuận của UBND TP. Cần Thơ hay chưa?
Ông Mạnh cho biết, ngày 18/4/2015, công ty có gửi Công văn số 22/CV-CTY, kê khai giá 8 loại dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ (trong đó, có 2 khoản thu nêu trên) đến 3 cơ quan, là Sở Giao thông - Vận tải, Sở Tài chính và Cục thuế. Sau đó công ty có đăng thông báo về khoản thu này trên báo địa phương.
“Đối với khoản thu này chỉ yêu cầu doanh nghiệp kê khai chứ không cần phải có sự chấp thuận của UBND thành phố, cho nên chúng tôi đã làm đủ thủ tục”, ông Mạnh khẳng định.
Ông Mạnh cũng lý giải thêm, cho tới nay, Công ty cổ phần Bến xe tàu phà Cần Thơ không còn vốn nhà nước, và không được ưu đãi gì, phải thuê đất để kinh doanh, nên việc khai thác như thế nào để mang về lợi ích cao nhất cho công ty là trách nhiệm của ban giám đốc trước cổ đông của mình.
“Khi vào bệnh viện trị bệnh, người bệnh phải trả tiền cho cả miếng bông băng, cho dù đó là bệnh viện công. Vậy khi người điều khiển phương tiện chạy trên đường do công ty bỏ vốn đầu tư thì phải trả tiền sử dụng dịch vụ là tất nhiên”, ông Mạnh phân bua.
Mang vấn đề “đúng hay sai” của doanh nghiệp này trong việc thu phí cả đường vào bến xe trao đổi với ngành chức năng, chúng tôi được ông Lư Thành Đồng, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Cần Thơ cho biết, Sở chỉ quản lý nhà nước về giao thông - vận tải, chứ không quản lý về giá cả dịch vụ, tài chính của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp cổ phần như Công ty cổ phần Bến xe tàu phà Cần Thơ.
Còn bà Hoàng Thị Huệ, Phó giám đốc Sở Tài chính TP. Cần Thơ cho biết, cho đến nay, Sở vẫn chưa nhận được công văn kê khai dịch vụ của đơn vị này, nên cũng chưa nắm được vụ việc. Bà Huệ hứa sẽ phối hợp với Sở Giao thông - Vận tải, là đơn vị được UBND Thành phố giao trách nhiệm trực tiếp quản lý chuyên ngành trên lĩnh vực này, để sớm có câu trả lời cho cơ quan báo chí.
Bến xe 91B hiện đang được Công ty cổ phần Bến xe tàu phà Cần Thơ khai thác, đã được xây dựng hoàn tất từ năm 2003 bằng vốn ngân sách nhà nước, với diện tích 31.000 m2. Sau khi xây dựng xong, địa phương giao Công ty Bến xe tàu phà Cần Thơ khai thác. Thế nhưng, năm 2009, đơn vị này đã cắt hơn 20.000 m2 (hơn 2/3 diện tích) để đầu tư xây dựng Trung tâm Đào tạo và Sát hạch lái xe cơ giới, khiến diện tích bến xe bị thu hẹp, không đủ đáp ứng nhu cầu bố trí cho bến xe trung tâm của thành phố loại I.
Vì là bến xe duy nhất tại trung tâm thành phố, mỗi ngày có khoảng 700 lượt xe ra vào, với khoảng 10.000 lượt hành khách, trong khi diện tích bến xe chỉ khoảng 1 ha, nên bến xe này đang trong tình trạng quá tải, không đảm bảo về an toàn và thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông.