Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Cần thanh tra toàn diện vụ hàng trăm cột điện gãy đôi sau bão

Đại biểu Quốc hội nhấn mạnh cần thanh tra chi tiết từ khâu thiết kế, sản xuất, đấu thầu cho đến khi thi công, lắp đặt những cột điện này.

thanh tra toan dien vu cot dien gay anh 1

Trước vụ việc hơn 600 cột điện ở các tỉnh miền Trung gãy đổ sau bão số 5, Bộ Xây dựng vừa có văn bản chỉ đạo rà soát chất lượng cột điện và nêu sơ bộ về nguyên nhân.

Bộ Xây dựng đánh giá thiết kế, sản xuất, lắp đặt cột điện "có tồn tại", chưa đáp ứng quy định. Trong đó, cơ quan này khẳng định nhà thầu, chủ đầu tư đã thiếu tính toán, kiểm tra khả năng chịu lực cột điện bê tông theo tiêu chuẩn hiện hành.

Các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đề nghị nên có một cuộc thanh tra chuyên ngành toàn diện xác định trách nhiệm trong vụ việc bởi đây là sự việc "nghiêm trọng và chưa từng có tiền lệ".

Sai ở công đoạn nào, ai chịu trách nhiệm?

Theo ông Bùi Văn Phương, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình, quy định về thiết kế, thi công cột điện đã có tiêu chuẩn rõ ràng về chất lượng. Nếu đơn vị đảm bảo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật thì nguyên nhân đơn thuần do thiên tai.

Tuy nhiên, ông Phương nhấn mạnh Bộ Xây dựng đã có văn bản nhận định cột điện chưa đáp ứng khả năng về chống chịu lực cùng với tồn tại trong thiết kế, thi công tức là đã có lỗi của đơn vị chủ đầu tư, nhà thầu.

thanh tra toan dien vu cot dien gay anh 2

Riêng tỉnh Thừa Thiên - Huế ghi nhận gần 300 cột điện bị đổ, hư hỏng sau cơn bão số 5. Ảnh: Điền Quang.

"Cột điện khi xảy ra sự cố thì nguy hiểm rất lớn, gãy đôi như thế hậu quả rất khôn lường, nguy hiểm tính mạng người dân. Cần một cuộc thanh tra toàn diện của cơ quan chuyên ngành đối với vấn đề này", vị đại biểu tỉnh Ninh Bình nói với Zing.

Ông đề xuất cơ quan của Bộ Xây dựng, Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cần vào cuộc, thanh tra tại địa phương có cột điện bị gãy đổ trước, sau đó đến tỉnh khác thường xuyên có thiên tai. Trong đó, cơ quan cần thanh tra chi tiết từng công đoạn từ sản xuất, thẩm định, phê duyệt thiết kế rồi đấu thầu đến thi công, lắp đặt...

"Tất cả đều có quy định, quy chuẩn hết rồi. Người nào làm công đoạn nào, làm không đúng thì phải quy trách nhiệm, xử lý theo quy định của pháp luật", ông Phương nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, ông Phạm Văn Hòa, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, cho rằng trách nhiệm trước tiên là ngành điện lực của địa phương. Đây là đơn vị trực tiếp giám định, nghiệm thu chất lượng công trình.

"Với việc cột điện gãy đổ hàng loạt như thế, tôi cho rằng chất lượng cột điện có vấn đề. Ngành điện cần phải kiểm điểm, quy trách nhiệm rõ ràng", vị ĐBQH nêu ý kiến.

Bên cạnh đó, nếu các đơn vị thi công, sản xuất cột điện có hành vi gian trá, làm giảm chất lượng, kết cấu chịu lực của cột điện thì phải bị điều tra, xử lý nghiêm, thậm chí xử lý hình sự.

"Rất may là 600 cột điện gãy đổ không gây thiệt hại về người. Chưa cần bàn về những đe dọa đến sức khỏe, tính mạng người dân, nhưng những thiệt hại cho Nhà nước, người dân, doanh nghiệp đã là rất lớn", ông Hòa nói.

Không thể có chuyện bí mật đối với thiết kế cột điện

Theo tìm hiểu của Zing, Công ty TNHH Xây lắp sản xuất thương mại và điện cơ SDC là một trong 5 doanh nghiệp trúng thầu cung ứng cho Công ty Điện lực Thừa Thiên - Huế.

Theo chủ doanh nghiệp, trong hồ sơ dự thầu, SDC không nộp bản vẽ thiết kế cho chủ đầu tư. Chủ doanh nghiệp cho rằng đây là bản thiết kế riêng, bí mật doanh nghiệp và chủ đầu tư không yêu cầu nên họ không nộp.

thanh tra toan dien vu cot dien gay anh 3

ĐBQH đề nghị thanh tra từng công đoạn từ thiết kế, sản xuất đến lắp đặt cột điện. Ảnh: Đoàn Nguyên.

Đại diện một đơn vị sản xuất cột điện khác cung cấp sản phẩm cho Điện lực Thừa Thiên - Huế cũng cho biết chủ đầu tư chưa bao giờ đến giám sát việc sản xuất của doanh nghiệp.

"Chúng tôi làm cột điện đảm bảo chất lượng thì họ mua. Nếu công ty làm cột điện không đảm bảo chất lượng thì sẽ trượt thầu. Không ai giám sát chúng tôi sản xuất cả", đại diện nhà sản xuất thẳng thắn thừa nhận.

Đánh giá về việc này, đại biểu Bùi Văn Phương cho rằng rất bất thường. Ông nói chủ đầu tư là đơn vị có trách nhiệm lớn nhất đối với dự án xây lắp cột điện. Chắc chắn họ phải nắm rõ nhà thầu có đủ năng lực không và yêu cầu chi tiết về kỹ thuật.

"Khi đặt hàng chủ đầu tư phải có giám sát về mặt chất lượng, kỹ thuật và chắc chắn là cả yêu cầu về thiết kế. Khi mời thầu mà không yêu cầu hồ sơ thiết kế là rất khó hiểu", vị đại biểu phân tích.

Ông cũng cho rằng thiết kế cột điện không phải bí mật Nhà nước và không phải bí quyết kinh doanh nên việc lấy lý do biện hộ là vô lý và cần làm rõ trách nhiệm của chủ đầu tư.

Trước câu hỏi về trách nhiệm của Cục Giám định chất lượng công trình (Bộ Xây dựng), ông Hòa cho rằng trực tiếp và trước tiên phải là trách nhiệm của đơn vị điện lực địa phương. Còn trách nhiệm Bộ Xây dựng là quản lý, giám sát các công trình điện lưới có tính chất quốc gia phụ trách ban hành các quy chuẩn về thiết kế, chất lượng đối với từng ngành, lĩnh vực liên quan.

Rà soát, thay thế cột điện không đảm bảo

Tại văn bản số 4777 về việc tăng cường công tác quản lý chất lượng cột điện bê tông cốt thép ly tâm sử dụng trong công trình đường dây truyền tải điện trên không, Bộ Xây dựng đề nghị Bộ Công Thương chỉ đạo EVN rà soát, phân loại loại cột điện bê tông cốt thép đang khai thác trong hệ thống.

EVN lên kế hoạch sửa chữa, thay thế cột có nguy cơ không đảm bảo an toàn chịu lực trước mùa mưa bão. Bộ cũng yêu cầu thi công lắp dựng phải tuân thủ quy định của tiêu chuẩn quốc gia hiện hành về thiết kế kết cấu, nền móng.

Từ ngày 20/9, sau khi xuất hiện hơn 600 cột điện gãy ở các tỉnh miền Trung, Zing đã thực hiện nhiều bài phản ánh, phỏng vấn chuyên gia, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế và ngành điện lực. Hầu hết chuyên gia nghi ngờ chất lượng cột điện có vấn đề nên dẫn đến sự việc vừa qua.

Trả lời Zing tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết đơn vị đã yêu cầu EVN trực tiếp rà soát, phân tích, đánh giá và đề xuất giải pháp tổng thể trong công tác thiết kế, quản lý xây dựng, mua sắm hàng hóa và quản lý vận hành các công trình điện.

Bộ Xây dựng nói về nguyên nhân khiến hàng loạt cột điện gãy đổ

Bộ Xây dựng cho biết cột điện gãy đổ do việc thiết kế, sản xuất, thi công lắp dựng, bảo trì có những tồn tại, chưa đáp ứng quy định.

Sơn Hà

Bạn có thể quan tâm