Trưa 24/2, chuyến bay chở hơn 117.000 liều vaccine Covid-19 của AstraZeneca đã về đến sân bay Tân Sơn Nhất, TP.HCM, để phục vụ nhu cầu phòng chống dịch cấp bách hiện nay.
Lô vaccine nằm trong số 30 triệu liều mà Việt Nam đặt Công ty Cổ phần Vaccine Việt Nam VNVC mua. Được vận chuyển từ Hàn Quốc về Việt Nam, số vaccine này dự kiến ưu tiên tiêm cho những đối tượng có nguy cơ cao, với khoảng hơn 50.000 người, mỗi người tiêm 2 mũi.
Huy động tất cả nguồn lực
Theo Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, với tinh thần huy động tất cả nguồn lực trong xã hội và đẩy nhanh tiến độ cung ứng, Việt Nam sẽ có khoảng 90 triệu liều vaccine Covid-19.
Ông khẳng định năm 2021 bảo đảm không thiếu vaccine.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định năm 2021 bảo đảm không thiếu vaccine. Ảnh: VGP. |
“Chúng ta huy động toàn bộ xã hội tham gia vào việc cung ứng cũng như sử dụng vaccine để vừa bảo đảm ngân sách của Nhà nước, vừa tăng độ bao phủ tiêm vaccine theo hình thức xã hội hóa. Nhưng các công ty phải hết sức lưu ý vì có hiện tượng lừa đảo”, Bộ trưởng Y tế cảnh báo.
Ông cho biết có công ty nói đại diện cho nhà sản xuất nhưng khi hỏi, nhà sản xuất lại phản hồi không có đại diện đó. Vì vậy, các tập đoàn, công ty lưu ý không mua qua trung gian, nên mua trực tiếp từ nhà sản xuất để bảo đảm an toàn và hiệu quả hơn.
Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nêu thực tế thế giới đánh giá vaccine có hiệu quả vì dịch bệnh có xu hướng giảm. Tất nhiên, vaccine phải kết hợp với nhiều yếu tố khác, như đeo khẩu trang.
Ông Phạm Bình Minh cho biết các nước khối G7 đã tiêm vaccine khoảng 45%, Israel tiêm 45% dân số. Ở Việt Nam, Bộ Chính trị đã cho ý kiến sử dụng ngân sách Trung ương và các tỉnh đóng góp, cùng các nguồn lực khác để mua vaccine. Nếu là vaccine dùng ngân sách Trung ương sẽ tiêm miễn phí cho người dân.
Song, bên cạnh đó, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh nêu thực tế nhiều nơi, nhiều công ty và tập đoàn mong muốn tiếp cận được nguồn mua vaccine. Ông cho rằng có thể cho phép điều này để huy động nguồn lực.
“Nhiều công ty muốn mua về cho công nhân, người lao động thì ta nên hỗ trợ, kiểm soát chất lượng để họ không bị lừa. Nếu cứ thế này thì họ không chờ được, vì không nằm ở danh sách ưu tiên nên phải cho phép mua”, ông Minh nhấn mạnh.
Nếu các đơn vị có năng lực thì nên cho phép, nhưng phải kiểm soát chất lượng. Phó thủ tướng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc này vì càng nhanh tiêm vaccine càng sớm đẩy lùi Covid-19, nhanh chóng mở cửa kinh tế.
Cần cơ chế khuyến khích trong bối cảnh cấp bách
Chia sẻ quan điểm với ông Phạm Bình Minh, Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình nói: “Tư nhân nếu có nguồn nhập được thì tôi tán thành không nên hạn chế, vì không thể đáp ứng ngay cho 100 triệu dân trong khi nhu cầu đang cấp bách, quyết liệt”.
Theo ông, nếu không kịp thời triển khai chiến dịch này, Việt Nam sẽ trở thành “vùng trũng”, gây ảnh hướng lớn tới giao thông, quan hệ quốc tế.
117.000 liều vaccine đầu tiên về Việt Nam vào trưa 24/2. Ảnh: Chí Hùng. |
Nhấn mạnh chiến lược của Việt Nam là “5K + vaccine”, Phó thủ tướng Thường trực nói đây là chiến lược bền vững, phải có được vaccine cho 100 triệu dân nên cần huy động các nguồn để nhập được vaccine, trong đó Nhà nước là chủ lực.
Ông lưu ý nhập vaccine phải tuân thủ quy trình, quy định của Bộ Y tế, kiểm soát chất lượng và sử dụng. Tương tự, với việc sản xuất vacicne trong nước, ông Bình cũng đồng tình có cơ chế khuyến khích để doanh nghiệp Nhà nước hay tư nhân đều có thể làm.
Cho ý kiến về việc này dưới góc độ chuyên gia, PGS.TS Trần Đắc Phu (nguyên Cục trưởng Y tế dự phòng, Bộ Y tế) đồng tình chủ trương xã hội hóa trong nhập, sản xuất vaccine, song ông nhấn mạnh phải nằm trong sự điều hành của Chính phủ, Bộ Y tế. Tức là phải có kế hoạch tiêm cho ai, tiêm như thế nào sau khi có vaccine.
“Tư nhân chỉ là đầu mối liên hệ nhập vaccine, còn khi nhập phải tuân thủ tất cả nguyên tắc về chuyên môn, kỹ thuật, nhập khẩu thế nào, cho lưu hành ra sao”, ông Phu nhấn mạnh.
Trước đó, trong cuộc họp của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 hôm 23/2, Ban Chỉ đạo cho biết vaccine ngừa Covid-19 sẽ được hoàn thiện và đáp ứng đầy đủ. Về lâu dài, người dân sẽ được tiêm miễn phí giống như trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Bên cạnh đó, có phần nhỏ vaccine dịch vụ dành cho những người có khả năng chi trả cao hơn.
Theo các chuyên gia, vaccine Astra Zeneca đang được nhập về Việt Nam đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tiền thẩm định chất lượng. Về nguyên tắc, vaccine này có thể tiêm ngay được.
11 đối tượng được ưu tiên tiêm vaccine đầu tiên
Theo quyết định phê duyệt kế hoạch tiếp nhận, bảo quản, phân phối và sử dụng vaccine Covid-19 giai đoạn 2021-2022 do Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên ký, 11 nhóm đối tượng được ưu tiên tiêm vaccine phòng bệnh Covid-19 gồm:
- Nhân viên y tế
- Nhân viên tham gia phòng chống dịch (ban chỉ đạo các cấp, nhân viên khu cách ly, phóng viên...)
- Nhân viên ngoại giao, hải quan, cán bộ làm công tác xuất nhập cảnh
- Lực lượng công an
- Lực lượng quân đội
- Người trên 65 tuổi
- Giáo viên
- Nhóm cung cấp dịch vụ thiết yếu như hàng không, vận tải, du lịch, điện, nước...
- Người mắc các bệnh mạn tính
- Người có nhu cầu đi công tác, học tập, lao động ở nước ngoài
- Người tại vùng dịch theo chỉ định dịch tễ.