Phòng xét nghiệm Covid-19 “dã chiến” công suất lớn tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tỉnh Bắc Giang đã được lắp đặt hoàn chỉnh với sự hỗ trợ hợp tác và chuyển giao của Học viện Quân y (Hà Nội). Khu vực này có diện tích khoảng 200 m2 được xây dựng thần tốc trong 3 ngày. |
Trung tâm gồm 8 phòng chuyên môn. Trong đó, 2 phòng xét nghiệm đạt tiêu chuẩn an toàn sinh học cấp 2. Căn phòng nguy hiểm nhất là phòng xử lý mẫu ban đầu. Đây là nơi làm việc của nhiều cán bộ thuộc Học viện Quân y, Trung tâm kiểm soát Bệnh tật tỉnh Bắc Giang và kỹ thuật viên tình nguyện. |
Chịu trách nhiệm điều hành phòng xét nghiệm là Trung tá, TS.BS Hồ Hữu Thọ (Trưởng phòng Công nghệ gene và Di truyền tế bào, Học viện Quân y). Theo TS Thọ, điểm đặc biệt của phòng xét nghiệm này chính là quy trình phát hiện virus SARS-CoV-2 có độ nhạy cao với chi phí tiết kiệm giảm gần một nửa so với phương pháp truyền thống. Đồng thời, trung tâm có khả năng xét nghiệm cho hàng chục nghìn người mỗi ngày. |
Theo tiến sĩ Thọ, đây là công nghệ gene đầu tiên trên thế giới, sử dụng trí tuệ nhân tạo để phân tích kết quả PCR nhằm phát hiện mầm bệnh SARS-CoV-2 (được gọi là công nghệ AIMS RT-PCR). |
Độ nhạy của phương pháp này được đánh giá dựa trên bộ mẫu chuẩn RNA in-vitro cho ngưỡng phát hiện là 7,2 bản sao/phản ứng, thấp hơn gần 7 lần so với quy trình được khuyến cáo bởi WHO, khi đánh giá trên cùng điều kiện thí nghiệm (50 bản sao/phản ứng). |
Công trình nghiên cứu này được đánh giá lâm sàng trên 142 ca dương tính, 1.034 ca âm tính với SARS-CoV-2 và 14 chủng virus khác liên quan đến đường hô hấp. Kết quả độ nhạy và độ đặc hiệu của phương pháp đều là 100%. |
Quan trọng hơn, quy trình đã thành công khi thử nghiệm trộn 100 mẫu bệnh phẩm trong một phản ứng realtime duy nhất mà không ảnh hưởng đến độ nhạy. Như vậy, đây là một phương pháp xét nghiệm đơn giản, siêu nhạy và tiềm năng cho sàng lọc quy mô lớn SARS-CoV-2 với chi phí tiết kiệm nhiều lần. |
Cũng theo tiến sĩ Thọ, phương pháp này giống như vũ khí chúng ta chuyển từ trạng thái phòng ngự sang tấn công dịch Covid-19. |
Để liên lạc với các nhân viên đang làm việc trong phòng lab, người chỉ huy phải sử dụng hệ thống bộ đàm do cửa sổ luôn mờ mịt vì hơi sương và chất khử khuẩn Cloramin B. Bên cạnh đó, kỹ thuật viên khi mặc đồ bảo hộ, bước vào phòng lab sẽ được gọi tên theo số thứ tự tương ứng với công việc mình đang đảm nhiệm. |
Sau mỗi lần mở cửa để tiếp nhận mẫu, căn phòng lại được phun khử khuẩn tránh nguy cơ lây nhiễm. Toàn bộ rác thải phát sinh cũng được thu gom và xử lý theo quy định của Bộ Y tế. |
Để duy trì năng lực xét nghiệm, gần 100 cán bộ học viên Học viện Quân y được chia thành các kíp nhỏ làm việc 8 tiếng, mỗi ngày có 3 tổ luân phiên để đảm bảo phòng xét nghiệm luôn hoạt động 24/24h. |
Trần Hoàng Minh (sinh viên Học viện Quân y) cùng bạn bè thư giãn trước giờ giao ca. Anh đảm nhận công việc tách chiết, lấy các mẫu bệnh phẩm nên nguy cơ lây nhiễm rất cao. Tuy nhiên, Minh cảm thấy tự hào khi được làm việc tại trung tâm này. "Phòng thí nghiệm có khả năng xét nghiệm công suất lớn là một vũ khí rất mạnh trong cuộc chiến chống dịch. Với sức người được huy động, vũ khí mạnh và quyết tâm cao, tôi tin dịch sẽ nhanh chóng được khống chế", nam sinh viên chia sẻ. |