Cần luật hóa để khuyến đọc đạt hiệu quả - Tin tức xuất bản - ZNEWS.VN
Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cần luật hóa để khuyến đọc đạt hiệu quả

Các chuyên gia trong lĩnh vực phát triển văn hóa đọc chia sẻ rằng khuyến đọc cần được luật hóa cụ thể và kết hợp sâu sát với chương trình giảng dạy tại nhà trường.

Các chuyên gia khuyến đọc cho rằng cần nhiều biện pháp để thúc đẩy và hình thành thói quen đọc từ trên ghế nhà trường. Ảnh: NXB Kim Đồng.

Khuyến đọc nhiều năm nay đã là bài toán thách thức các nhà nghiên cứu, người làm xuất bản và tâm huyết với văn hóa đọc. Nhiều hội sách, cuộc thi đại sứ văn hóa đọc, giải thưởng về sách được tổ chức, các thư viện, tủ sách cộng đồng được xây dựng... song thực trạng văn hóa đọc của người Việt vẫn chưa có nhiều biến chuyển so với các nỗ lực trên.

Tối ngày 22/2, Giám đốc Công ty TNHH Đường sách TP.HCM Lê Hoàng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Sách Thái Hà Nguyễn Mạnh Hùng, người khởi xướng chương trình "Sách hóa nông thôn" Nguyễn Quang Thạch và dịch giả, tác giả Nguyễn Quốc Vương đã có buổi giao lưu, thảo luận về công tác khuyến đọc.

Luật hóa công tác khuyến đọc

Luật định là công cụ đắc lực để chính thức hóa nhiều hệ thống, chính sách cần thiết, với văn hóa đọc, khuyến đọc cũng vậy.

Ông Lê Hoàng nhận định rằng các phong trào vận động quyên góp, tặng sách sẽ "không đi tới đâu" mà cần có những giải pháp căn cơ hơn cho bài toán văn hóa đọc. Trong đó, căn cơ đầu tiên là luật hóa, có thể chế để cầm trịch, thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi cho việc khuyến đọc.

Ông lấy ví dụ Luật Thư viện (2020), điều 30 chọn ngày 21/4 làm Ngày Sách và Văn hóa đọc, đã khuyến khích các tỉnh thành, địa phương đến dịp này hàng năm tổ chức hoạt động về sách và xuất bản. Hay Điều lệ Trường học cập nhật vào năm 2020 ở điều 24 đã đề cập đến phát triển văn hóa đọc trong nhà trường.

Ông Hoàng cho rằng bên cạnh đẩy mạnh thực thi luật hiện hành, phải ban hành, sửa đổi những luật cần thiết khác để cụ thể hóa các khía cạnh phát triển văn hóa đọc. Văn hóa đọc càng phát triển thì ngành xuất bản càng phát triển và hai lĩnh vực này bổ túc lẫn nhau.

Ông Nguyễn Quốc Vương là người nhiều năm nghiên cứu mô hình giáo dục và xuất bản sách tại Nhật. Ông cho biết Nhật Bản trở thành nước đi đầu về văn hóa đọc bước đầu chính là nhờ luật hóa. Theo đó, khuyến đọc ở Nhật được định nghĩa, hướng dẫn, quy định cụ thể trong luật, đơn cử có thể kể đến Luật khuyến khích đọc sách ở trẻ em. Có luật buộc người dân phải tuân theo, là bước đệm quan trọng cho khuyến đọc.

Ngoài ra, thị trường xuất bản ở Nhật rất nhộn nhịp, với hơn 3.000 đơn vị xuất bản. Hệ thống thư viện lớn từ cấp quốc gia đến địa phương, nhiều thư viện dành riêng cho trẻ em.

Từ đây, ông Vương nhận định hiện nay chính sách khuyến học trên tầm vĩ mô của Việt Nam chưa hoàn bị. Khái niệm khuyến học chưa được hiểu thống nhất và hướng dẫn công tác khuyến học chưa được quy định cụ thể. Ông Hùng cũng cho rằng hệ thống thư viện từ cấp quốc gia đến địa phương, trường học hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu về đầu sách cho bạn đọc.

Đưa khuyến đọc vào chương trình giáo dục

Đưa khuyến đọc và văn hóa đọc vào chương trình giảng dạy của nhà trường cũng là trăn trở của các diễn giả.

Ông Nguyễn Quang Thạch là người khởi xướng dự án "Sách hóa nông thôn" tại Việt Nam và đã 3 lần sang Ấn Độ thực hiện xây dựng thư viện cho các trường học ở nông thôn. Ông chia sẻ một số điểm thư viện tại Việt Nam không thành công dù đã đưa sách về tận lớp học là "nơi gần với đối tượng học trò nhất".

Từ đây ông rút ra kết luận rằng phải thay đổi thực hiện khuyến đọc trong nhà trường, thông qua chương trình giáo dục xây dựng thói quen đọc cho học sinh. Các diễn giả đều đồng tình với chia sẻ này. Ông Vương cho biết trường học Nhật đưa đọc sách vào chương trình giảng dạy và các bà mẹ nội trợ đóng vai trò then chốt xây dựng thói quen đọc sách cho trẻ.

Với mong muốn thành lập quỹ/ủy ban khuyến đọc của TS Nguyễn Mạnh Hùng, ông Lê Hoàng nhận định phải đổi mới phương pháp dạy và học thì mới phát triển được văn hóa đọc trong nhà trường. Chương trình giáo dục cần lấy sách làm phương tiện, xuất bản phẩm làm nguồn tài nguyên thông tin. Từ đây tự khắc thư viện sẽ có nhiều sách và trở thành trái tim của trường học.

Đọc được sách hay, hãy gửi review cho ZNews

Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. ZNews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.

Trân trọng.

Bài liên quan

TP.HCM se co them duong sach hinh anh

TP.HCM sẽ có thêm đường sách

0

Công trình “Xây dựng các đường sách, không gian sách và phát triển văn hóa đọc” sẽ hướng đến kiến thiết không gian văn hóa đọc tại 4 trục Đông, Tây, Nam, Bắc của thành phố.

Tâm Anh

Bạn có thể quan tâm