Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cần làm gì để giải cứu ngành du lịch?

Nhiều chính sách như giảm thuế, hỗ trợ về tài chính, nguồn nhân lực, đơn giản hóa thủ tục… được chuyên gia, doanh nghiệp đề xuất nhằm phục hồi ngành du lịch trong giai đoạn mới.

Ngày 25/12, tại thị xã Cửa Lò (Nghệ An), Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội phối hợp Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức Hội thảo Du lịch năm 2021 với chủ đề Du lịch Việt Nam - Phục hồi và phát triển.

Tại hội thảo, lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đánh giá những khó khăn của ngành du lịch do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 gặp phải. Đồng thời, các chuyên gia, công ty lữ hành cũng bày tỏ quan điểm về thay đổi cơ chế, chính sách, hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động để “giải cứu”, sớm phục hồi và phát triển ngành du lịch.

Ngành du lịch kiệt quệ

Ông Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, đánh giá đại dịch Covid-19 trong gần 2 năm qua đã khiến ngành du lịch và các ngành nghề khác kiệt quệ, chịu ảnh hưởng nặng nề chưa từng có.

phat trien du lich sau dich anh 1

Toàn cảnh phiên Hội thảo. Ảnh: P.T.

“Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang dần được kiểm soát, ngành du lịch cũng như nền kinh tế cả nước hiện từng bước vượt qua giai đoạn khó khăn. Tuy nhiên, con đường dẫn tới sự phục hồi du lịch, thích ứng linh hoạt, an toàn với đại dịch vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức”, ông nói.

Còn ông Đoàn Văn Việt, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nhận định đại dịch Covid-19 là biến cố chưa từng có đối với ngành du lịch toàn cầu cũng như đối với du lịch Việt Nam. Dịch bệnh đã làm thay đổi thói quen sống, sinh hoạt cũng như nhu cầu của con người.

Năm 2020, lượng khách quốc tế chỉ đại 3,7 triệu lượt, giảm 80% so với năm 2019; khách nội địa đạt 56 triệu lượt, giảm 34% so với cùng kỳ năm 2019. Tổng thu du lịch đạt hơn 312.200 tỷ đồng, giảm 59% so với năm 2019.

phat trien du lich sau dich anh 2

Ông Đoàn Văn Việt, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Ảnh: P.T.

Năm 2021, có 35% doanh nghiệp lữ hành xin thu hồi giấy phép, phần lớn dừng hoạt động. Lĩnh vực lưu trú, chiếm 46% trong cơ cấu tổng thu của ngành du lịch Việt Nam, cũng phải đóng cửa khoảng 90% và hầu như không có khách. Nhân lực ngành du lịch phần lớn bị mất việc làm.

Tuy nhiên, Việt Nam đang từng bước dần quay trở lại cuộc sống bình thường mới, với mục tiêu mới mà Chính phủ đã xác định, chuyển dịch từ phòng, chống dịch sang "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19".

“Để ngành Du lịch sớm phục hồi, lấy lại đà tăng trưởng, phát triển cần có nhiều cơ chế, chính sách nhằm phục hồi, phát triển du lịch trong bối cảnh mới. Trong đó, cần chú trọng đến việc hỗ trợ doanh nghiệp, lao động ngành du lịch vượt qua khó khăn, như miễn giảm thuế, phí; đào tạo nguồn nhân lực, đẩy mạnh chuyển đổi số và phát triển công nghệ liên quan đến du lịch”, ông Việt nói.

Cần sớm được giải cứu

Bà Julia Simpson, Chủ tịch, Giám đốc điều hành, Hội đồng Lữ hành và Du lịch Thế giới (WTTC), nói rằng đại dịch Covid-19 đã khiến 62 triệu người mất việc làm, tổng thu của ngành sụt giảm nặng.

Để sớm khôi phục ngành du lịch, bà cho rằng cần có các quy định, chính sách mới để đơn giản hóa các thủ tục cho khách quốc tế, cho phép công dân đã tiêm vaccine đầy đủ được đi du lịch không bị hạn chế và đơn giản hóa các thủ tục xét nghiệm.

phat trien du lich sau dich anh 3

Các phương án, đề xuất du lịch được đưa ra tại Hội thảo để phát triển du lịch xanh, du lịch cộng đồng, thám hiểm... Ảnh minh họa: Hải An.

Ngoài ra, cần phát triển và thực hiện các giải pháp kỹ thuật số; công bằng các loại vaccine ở các nước, cũng như đẩy mạnh yêu cầu an toàn, đảm bảo dịch bệnh, vệ sinh tại các khu du lịch, điểm lưu trú.

“Việc du lịch tăng lên là điều chỉ xảy ra khi mở cửa biên giới, để người dân được tiêm chủng đầy đủ, tiếp cận với bên ngoài. Hãy giữ cho mọi thứ đơn giản, việc đơn giản hóa cho khách du lịch quốc tế là điều quan trọng”, bà nói.

Trong khi đó, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Công ty Du lịch Vietravel đề xuất Quốc hội, Chính phủ sớm có các chính sách đặc thù như giãn trả nợ, giảm thuế, tăng cường cho vay lãi suất 0% cho các đơn vị kinh doanh du lịch.

Ngoài ra, cần triển khai kích cầu du lịch theo chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” và “Du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn” để vừa phát triển du lịch nội địa, vừa thu hút khách quốc tế.

Là đơn vị tiên phong đón khách quốc tế trở lại với sự kiện đón đoàn khách Hàn Quốc đến nghỉ dưỡng tại Phú Quốc ngày 20/11 vừa qua, bà Ngô Hương, Tổng giám đốc Vinpearl Resort mong muốn được các bộ, ngành linh hoạt hỗ trợ các giải pháp mở cửa du lịch.

"Để đảm bảo hoạt động đón khách, đặc biệt là khách quốc tế hộ chiếu vaccine thật sự khởi sắc, chúng tôi cho rằng rất cần có sự rà soát sát sao và phối hợp chặt chẽ của tất cả các bộ ban ngành, doanh nghiệp cốt lõi: hàng không, vận tải – lữ hành – lưu trú… Từ thực tế triển khai chúng tôi cũng nhận thấy giữa doanh nghiệp và các cơ quan quản lý: Bộ VHTT&DL, Bộ Y tế, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao… cần thiết lập kênh liên lạc thường xuyên nhằm hướng dẫn, điều chỉnh, và phản ứng kịp thời cho công tác đón khách… để doanh nghiệp tuân thủ và đảm bảo an toàn cùng hành trình trải nghiệm cho du khách", bà Hương kiến nghị.

35% doanh nghiệp lữ hành quốc tế xin rút giấy phép

Theo Tổng cục Du lịch, ít nhất 35% công ty lữ hành quốc tế đã xin thu hồi giấy phép; 90-95% doanh nghiệp đóng cửa do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Phạm Trường

Bạn có thể quan tâm