Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cần kiểm soát mối quan hệ gia đình của quan chức

Theo ngiên cứu, việc ưu ái người thân còn tồn tại và gần 40% đã trải nghiệm khá tiêu cực khi phát hiện có chạy chọt, thông thầu trong lần đấu thầu gần nhất của khu vực công.

Nhân công luận đang quan tâm đến việc các thành viên trong gia đình Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa sở hữu số cổ phần lớn tại Công ty CP Bóng đèn Điện Quang, Tiền Phong giới thiệu một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới và Thanh tra Chính phủ Việt Nam hồi cuối năm 2016 về vấn đề xung đột lợi ích.

Kết quả cuộc khảo sát do Ngân hàng Thế giới (WB) công bố hồi cuối năm 2016 vừa qua có tên “Kiểm soát xung đột lợi ích trong khu vực công. Quy định và thực tiễn ở Việt Nam” cho thấy, 75% người dân được hỏi chưa hiểu thế nào là khái niệm xung đột lợi ích.

Tuy nhiên, khi dẫn chứng các tình huống cụ thể thì đa số mọi người có thể nhận thức được tác hại của nó một cách rõ ràng. Thí dụ như, các tình huống xung đột lợi ích phổ biến có thể được nhận ra là nhận quà biếu, ưu ái người thân hay sử dụng lợi thế thông tin từ vị trí công tác cho hoạt động ngoài công vụ...

Theo đó, cùng với việc đưa quà tặng, việc cán bộ công chức đưa ra những quyết định có lợi cho người thân cũng có khả năng tạo nên xung đột lợi ích khi tương tác giữa khu vực công và khu vực tư.

“50% số doanh nghiệp tham gia khảo sát cho rằng việc ưu ái người thân còn tồn tại và gần 40% đã trải nghiệm khá tiêu cực khi phát hiện có chạy chọt, thông thầu trong lần đấu thầu gần nhất của khu vực công”, kết quả nghiên cứu cho hay.

Ke khai tai san lanh dao anh 1
Công ty Điện Quang nơi bà Thoa từng làm lãnh đạo.

Bên cạnh đó, theo nghiên cứu của WB và Thanh tra Chính phủ, có thực trạng, nhiều lãnh đạo của các doanh nghiệp nhà nước được cơ cấu vào vị trí cán bộ quản lý nhà nước, sau đó có những quyết định mang tính thiên vị cho doanh nghiệp từng công tác. Rồi mặt trái của mối quan hệ nhân thân còn thể hiện ở chính quy trình bổ nhiệm cán bộ.

Nghiên cứu nói trên cũng chỉ ra 70% người dân cho rằng nhân viên được tuyển dụng và bổ nhiệm thường có quan hệ thân thiết với người có chức vụ và quyền hạn.

“Vì vậy, dư luận xã hội còn hồ nghi về xuất thân cũng như năng lực thực tế của mỗi cán bộ trẻ khi được bổ nhiệm vào những vị trí công việc quan trọng”, báo cáo nêu rõ.

Phó tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh cho rằng ngăn chặn tham nhũng bắt đầu từ ngăn chặn nguy cơ xảy ra xung đột lợi ích trong khu vực công là một quá trình gian nan.

Tuy nhiên, xung đột hay mâu thuẫn về lợi ích là tình huống mà người có chức vụ cao phải đưa ra các quyết định ảnh hưởng trực tiếp tới lợi ích chung và lợi ích của cá nhân họ. Đây chính là nguy cơ dẫn tới những hành vi lợi dụng chức vụ và quyền hạn để vụ lợi cho bản thân.

46% cán bộ công chức biết tham nhũng nhưng vẫn ngó lơ

Kết quả nghiên cứu cho thấy, một tỷ lệ không nhỏ cán bộ công chức (25% - 35%) được hỏi từng chứng kiến các tình huống xung đột lợi ích, kể cả những tình huống vi phạm quy định hiện hành như việc tuyển dụng và bổ nhiệm người thân hay việc tạo điều kiện để người thân có được hợp đồng hoặc dự án.

Có gần 20% số cán bộ công chức được hỏi biết rõ việc tặng, nhận quà trong cơ quan có liên quan đến công việc của người tặng quà. Bên cạnh đó, một tỷ lệ lớn DN từng chứng kiến việc DN khác tặng quà cán bộ công chức (48%) hoặc cán bộ công chức nhận quà của DN để giải quyết công việc có lợi cho người đưa quà (46%). Gần 70% số DN và cán bộ công chức có biết rõ việc tặng, nhận quà cho rằng mục đích tặng quà chủ yếu là giúp giải quyết công việc.

Đáng chú ý, việc tặng quà đã trở thành “trào lưu”, “thông lệ”, thậm chí “luật chơi”. Nhiều DN tặng quà để không bị “phân biệt đối xử”, trong khi cán bộ công chức tặng quà cấp trên để thể hiện “sự biết điều”. Như vậy, quy định hiện hành và/hoặc việc thực thi các quy định về báo cáo quà tặng đã chưa đạt được hiệu quả như mong muốn.

Trưa 13/2, phóng viên Tiền Phong liên lạc đồng thời gửi giấy giới thiệu cùng nội dung câu hỏi đến Công ty CP bóng đèn Điện Quang (số 125 Hàm Nghi, quận 1, TP.HCM) trước những thông tin về gia đình Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa đang sở hữu phần lớn cổ phần ở công ty này, tuy nhiên không nhận được sự hợp tác.

Tiếp nhận nội dung là bà Võ Thị Hồng Điệp - chuyên viên truyền thông. Bà Điệp cho biết sẽ chuyển câu hỏi đến lãnh đạo và phản hồi trong thời gian sớm nhất.

Tuy nhiên, đến cuối giờ chiều cùng ngày, phóng viên chỉ nhận lại được email với lời trả lời ngắn gọn của chuyên viên truyền thông Hồng Điệp: “Hiện tại sếp em đi công tác nên từ chối không trả lời phỏng vấn. Cảm ơn chị đã quan tâm đến công ty”.

Tăng cường kiểm soát biến động tài sản

Với việc tăng cường kiểm soát xung đột, theo kết quả nghiên cứu, cần giảm số lượng cán bộ công chức có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập và tăng cường kiểm soát biến động tài sản, thu nhập của cán bộ công chức.

Quy định kê khai tài sản cần phải áp dụng với người thân trong gia đình của cán bộ công chức. Để chủ động phát hiện tình huống xung đột lợi ích, các cơ quan thực thi pháp luật cần xây dựng hệ thống dữ liệu tài sản, thu nhập của cán bộ công chức. 

http://www.tienphong.vn/xa-hoi/can-kiem-soat-moi-quan-he-gia-dinh-cua-quan-chuc-1120994.tpo

Theo Phạm Tuyên/Tiền Phong

Bạn có thể quan tâm