Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Cần kiểm định bình xăng xe Cerato để làm rõ nghi vấn'

Trao đổi với Zing.vn, ông Nguyễn Hồng Điệp, Vụ trưởng Vụ Đo lường cho biết, việc xác định cây xăng ở Trần Cung có gian lận hay không phải đo kiểm độc lập bình xăng của xe Cerato.

Liên quan đến nghi vấn gian lận của nhân viên cây xăng trên đường Trần Cung với anh Hoàng Văn Vượng (26 tuổi, Hà Nội), ông Trần Vũ Sơn, Phó tổng giám đốc Công ty ôtô Trường Hải (đơn vị lắp ráp xe Kia tại Việt Nam) cho biết, bình xăng của xe Kia Cerato là 50 lít. Nếu đổ tràn lên nắp thì xăng nằm trên đoạn ống giữa có thể thêm được khoảng 2 lít. Đây là phần chứa ở dây dẫn từ chỗ đổ xăng đến bình, độ dài khoảng 50 cm, ống bé.

Ông Sơn cho biết thêm, bình xăng ôtô làm bằng vật liệu an toàn, chống giãn nở và có chia ngăn nên theo lý thuyết khó đổ thêm được nhiều so với dung tích chuẩn. Tuy nhiên, việc xác định chính xác bình xăng đổ được tối đa bao nhiêu cần phải được kiểm tra đo lường thực tế chứ không thể theo lý thuyết.

Ở trường hợp của khách hàng Hoàng Văn Vượng (Hà Nội), chiếc xe Kia Cerato có bình chứa dung tích 50 lít và khi đến cây xăng trên phố Trần Cung thì nhiên liệu vẫn còn. Tuy nhiên, lượng xăng cần để đổ đầy bình lên tới 56,6 lít. Nếu dung tích của bình chứa là chuẩn, số xăng bị gian lận sẽ cao hơn nhiều mức 6,6 lít (hơn 13%). 

Trao đổi với Zing.vn, ông Nguyễn Hồng Điệp, Vụ trưởng Vụ Đo lường, Tổng cục Đo lường chất lượng Việt Nam cho biết, không thể kết luận việc có gian lận hay không chỉ dựa vào hiện tượng. Muốn biết ai đúng, ai sai cần phải có cơ quan kiểm định độc lập, với dung tích bình chuẩn để xác định dung tích chứa tối đa thật sự của bình xăng xe Cerato có khiếu nại.

Vị lãnh đạo của Tổng cục Đo lường chất lượng Việt Nam cho biết thêm, qua thanh kiểm tra, mức gian lận cây xăng cao nhất mà cơ quan này ghi nhận được tại các tỉnh là 7-8%, chưa bao giờ đến 10%.

Việc xác định cây xăng có gian lận hay không cần sự kiểm nghiệm độc lập với bình đo tiêu chuẩn.  Ảnh: Tá Lâm.
Việc xác định cây xăng có gian lận hay không cần sự kiểm nghiệm độc lập với bình đo tiêu chuẩn. Ảnh: Tùng Lâm.

Ngoài ra, ông Điệp cũng thông tin, việc xác định với bằng chứng rõ ràng về số lượng xăng được đổ của khách hàng cũng rất khó khăn vì hiện nay chưa có hóa đơn khi mua ở cây xăng. “Phải đến 1/4/2016, việc cây xăng xuất hóa đơn cho khách hàng, ghi nhận rõ thời gian, số lượng, số tiền… mới được thực hiện”, ông Điệp nói.

Với trường hợp nghi ngờ cây xăng gian lận, ông Điệp tư vấn, người tiêu dùng nên phản ánh đến cơ quan quản lý nhà nước về đo lường chất lượng ở địa phương (chi cục) hoặc hội người bảo vệ tiêu dùng ở địa phương. Hai đơn vị này sẽ có trách nhiệm tiếp nhận và xử lý theo quy định.

18h30 ngày 25/10 tại cây xăng trên phố Trần Cung (Hà Nội), nam thanh niên có hình xăm trên tay to tiếng với nhân viên bán xăng vì cho rằng xe Kia Cerato không thể chứa 56,6 lít như cột báo.

Chủ xe Kia Cerato là anh Hoàng Văn Vượng sau đó đã đem xe đến gara ôtô Nam Trường Thành (phố Nguyễn Văn Huyên, Cầu Giấy). Qua kiểm tra, bình xăng ôtô còn nguyên bản theo thiết kế của hãng với thông số an toàn 50 lít.

Trao đổi với phóng viên, ông Trịnh Đức Hiệp - Quản lý cửa hàng bán xăng 117 Trần Cung khẳng định: "Chúng tôi sẵn sàng nộp phạt 50 triệu đồng nếu tài xế Vượng chứng minh được cửa hàng gian lận".

Tháng 12/2014, Viện Đo lường Việt Nam thực hiện cuộc kiểm nghiệm tại cây xăng lớn nhất Hà Nội (số 1 Trần Quang Khải) với hai chiếc xe Ford Escape. Theo đó, bình xăng theo dung tích công bố 61 lít nhưng khi đổ đầy thì được tới 67-68 lít. Quy trình này được kiểm nghiệm bằng bình chuẩn, không qua máy bơm của cây xăng.

Chứng kiến buổi kiểm nghiệm đó, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó chủ tịch Hiệp hội Bảo vệ người tiêu dùng chia sẻ: "Đúng là có vấn đề chưa rõ ràng ở đây. Dung tích bình xăng có thể đổ được bao nhiêu lít là con số khuyến cáo để đảm bảo xe vận hành an toàn, hay số tối đa hết mức thì các nhà sản xuất cần có công bố rõ ràng".

 

Hoàng Ly

Bạn có thể quan tâm