Liên quan vụ va chạm trên cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên khiến tài xế ôtô Lexus biển 8888 tử vong và một cảnh sát giao thông chấn thương sọ não, đại tá Trần Sơn (nguyên Phó phòng Hướng dẫn luật, điều tra, xử lý tai nạn giao thông - Cục CSGT) đánh giá đây là vụ tai nạn gây hậu quả rất nghiêm trọng.
Trao đổi với Zing.vn, ông Sơn cho rằng qua xem xét vụ việc, nếu thấy có dấu hiệu của tội phạm, cơ quan công an cần phải khởi tố vụ án để điều tra.
"Từ kết quả điều tra, xác định nguyên nhân vụ tai nạn và lỗi của những người có liên quan để xử lý theo quy định", đại tá Sơn nhấn mạnh và cho biết việc làm rõ vụ tai nạn giao thông còn nhằm tìm ra những thiếu sót, kiến nghị các biện pháp phòng ngừa để những vụ việc tương tự không còn xảy ra.
Thông tư 01 hướng dẫn CSGT tuần tra, xử lý vi phạm trên đường bộ (gồm cả cao tốc). |
CSGT có được dừng xe xử lý trên cao tốc?
Theo nguyên Phó phòng của Cục C08, Thông tư 01/2016 Bộ Công an quy định về công tác tuần tra, kiểm soát đường bộ (trong đó gồm cả cao tốc). Hiện, lực lượng CSGT thực hiện nhiệm vụ theo Thông tư này.
Cụ thể, văn bản cho phép CSGT chỉ được dừng xe để kiểm soát người, giấy tờ và phương tiện trong một số trường hợp. Tuy nhiên, nội dung tuần tra phải nằm trong kế hoạch và được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Đại tá Sơn khẳng định Thông tư 01 cho phép CSGT được dừng xe khẩn cấp trên đường bộ (kể cả cao tốc) trong trường hợp phát hiện phương tiện có thể gây nguy hiểm cho người khác, có dấu hiệu tội phạm hoặc có nguy cơ làm hư hỏng kết cấu hạ tầng.
Đối với những trường hợp đặc biệt, CSGT được phép ra hiệu lệnh dừng xe để kiểm soát. Tuy nhiên, người làm nhiệm vụ phải hướng dẫn phương tiện dừng đỗ ở làn khẩn cấp trên cao tốc. Trước khu vực dừng phương tiện, lực lượng chức năng phải đặt tín hiệu cảnh báo.
Ông cũng khẳng định các tuyến cao tốc hiện được trang bị hệ thống camera tại các vị trí để giám sát. Nhiều năm nay, cơ quan chức năng đã sử dụng hình thức phạt nguội phương tiện vi phạm trên đường bộ (gồm cả cao tốc) để tận dụng hệ thống hình ảnh đó.
Hiện trường tai nạn trên cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên làm một tài xế tử vong, một CSGT trọng thương. |
Không có quy định cấm CSGT lập chốt trên cao tốc
Chia sẻ quan điểm về việc CSGT làm nhiệm vụ trên cao tốc, luật sư Hoàng Trọng Giáp (Giám đốc Công ty luật Hoàng Sa), cho rằng việc lập chốt kiểm soát, dừng phương tiện giao thông trên đường bộ là thẩm quyền của lực lượng này.
"Chưa có quy định pháp luật hiện hành nào cấm việc lực lượng CSGT thực hiện nhiệm vụ đó", luật sư Giáp phân tích.
Theo Thông tư 01/2016 Bộ Công an, lực lượng này có quyền tuần tra, kiểm soát cơ động tại một điểm trên cao tốc khi được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Đồng thời, kế hoạch đó phải xác định về địa điểm, thời gian và tuyến đường được phép.
Theo luật sư, Điều 12 của Thông tư này cũng quy định việc dừng phương tiện trên cao tốc phải bảo đảm được an toàn, không gây cản trở đến hoạt động giao thông.
Ngoài ra, sau khi CSGT đã dừng phương tiện, nếu phát hiện vi phạm phải xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Theo một cán bộ chỉ huy thuộc Phòng CSGT Công an Hà Nội, việc tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm trên cao tốc nói riêng được thực hiện theo Thông tư 03/2016 Bộ Công an.
Văn bản này quy định, việc dừng xe để xử lý các lỗi vi phạm phải được thực hiện tại điểm đầu, điểm cuối hoặc nơi có lối mở trên cao tốc. Đó là điều cốt yếu nhất để tránh các tai nạn đáng tiếc.
Trong trường hợp khẩn cấp, cần thiết phải dừng ngay, CSGT mới cần dừng phương tiện ở trong cao tốc nhưng phải đảm các tiêu chí an toàn và đặt cảnh báo.
"Tuy nhiên, các văn bản hướng dẫn lại chưa nêu rõ phải đặt cảnh báo như thế nào, đó là một cái khó bởi khi đang tuần tra lưu động, việc đặt cảnh báo khó thực hiện", vị cán bộ cho biết.
Sĩ quan này nhấn mạnh thêm một số đoạn cao tốc hiện nay chưa được trang bị camera, do đó, hình thức phạt nguội nhiều khi khó khả thi.