Mọi chuyện bắt đầu từ năm ngoái, khi New York di dời khoảng 12.000 cá nhân từ những nơi trú ẩn đông đúc dành cho người vô gia cư sang các căn phòng trống trong khách sạn vắng vẻ.
Tính đến tháng 1, khoảng 200 trong số 700 khách sạn của thành phố bị đóng cửa hoàn toàn. Kể từ đó, ngân sách liên bang và tiểu bang được trích ra để giúp các tổ chức phi lợi nhuận mua khách sạn bỏ trống để chuyển đổi thành chỗ ở, ưu tiên cho người vô gia cư.
Những căn phòng đơn, giá thuê rẻ (SRO) trong các khách sạn có thể dễ dàng biến thành căn hộ siêu nhỏ với phòng tắm và bếp riêng.
Ted Houghton, Chủ tịch của Gateway Housing - tổ chức phi lợi nhuận chuyên tư vấn về nhà ở giá cả phải chăng, nhận định: “Vào giữa thế kỷ 20, chúng ta khiến quá nhiều SRO biến mất. Sự bi kịch của đại dịch cho chúng ta cơ hội để sửa chữa sai lầm đó”.
Bên trong một căn hộ siêu nhỏ ở New York. Ảnh: Breaking Ground. |
Sự thu hẹp của SRO
Theo Houghton, từ lâu, tình trạng vô gia cư đã trở thành vấn đề do nhiều bệnh viện tâm thần đóng cửa, bệnh nhân không có nơi nào trú ngụ ngoài đường phố. Ban đầu, SRO trở thành nơi ở của họ. Khi những nơi này đóng cửa, làn sóng di cư của người gặp khó khăn ra vỉa hè và tàu điện ngầm cũng bắt đầu.
SRO là sự phát triển vượt bậc của thời kỳ suy thoái. Khoảng năm 1950, số lượng phòng có giường đơn ở New York đạt đỉnh 200.000. Những năm 1970, hầu hết chúng bị phá bỏ hoặc chuyển đổi sang mục đích sử dụng khác do giá trị bất động sản và ưu đãi thuế.
Roseanne Haggerty, người sáng lập tổ chức phi lợi nhuận Common Ground (nay là Breaking Ground), cho hay từ năm 1955, thành phố New York ban hành luật hạn chế xây dựng SRO mới. Trong những năm 1970, chính quyền bắt đầu giảm thuế cho chủ nhà để phá dỡ hoặc chuyển đổi chúng thành căn hộ cao cấp hoặc khách sạn nhỏ cho khách du lịch.
Theo báo cáo của ĐH New York (NYU), từ năm 1976 đến 1981, những ưu đãi này dẫn đến việc mất đi “gần 2/3 tổng số đơn vị SRO còn lại”.
Brooke Thomas (40 tuổi) trả 1.100 USD/tháng cho SRO, căn hộ một phòng với bếp nhỏ và phòng tắm chung ở hành lang, tại khu Harlem (New York) năm 2018. Ảnh: Tamara Beckwith/NY Post. |
Trong những năm gần đây, trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, các chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản, chính sách nhà ở và kiến trúc bắt đầu tìm kiếm cách tạo ra căn hộ nhỏ, ít tốn kém hơn.
Trong báo cáo năm 2018, Viện Furman của NYU bàn về “SRO của thế kỷ 21”. Nhóm tác giả kêu gọi những thay đổi trong mã nhà ở và luật phân vùng nhằm cho phép các căn hộ nhỏ hơn 40 m2 - từ các studio siêu nhỏ có diện tích 30 m2 cho đến căn hộ mini 15 m2 có bếp và phòng tắm chung.
Tuy nhiên, nghiên cứu của Furman tiết lộ rằng các SRO còn lại của thành phố tính tiền thuê tương đương với căn hộ studio. Cụ thể, một SRO có giá thuê trung bình 1.148 USD/tháng so với 1.308 USD/tháng cho một căn studio. Do đó, chúng không còn nằm trong tầm tay của những người thuê nhà có thu nhập thấp.
Trong gần một thập kỷ, có những nỗ lực để đưa các “nhà ở siêu nhỏ” sành điệu, cao cấp vào hỗn hợp. Ngoài ra, tại nhiều thành phố có thị trường nhà ở eo hẹp, những người trẻ và giàu có từ lâu đã sống trong các khu phức hợp giống như SRO.
Ví dụ ở ngoại ô Seattle, các nhân viên công nghệ đôi khi cư trú trong các “apodment”. Đó là những căn phòng rộng 13 m2 với bếp chung. Ở Lower Manhattan, WeLive hứa hẹn phiên bản SRO giá cao, tinh tế, được tổng thể hóa.
Hầu hết nhà ở giá rẻ mà thành phố New York đã làm việc với các nhà phát triển tư nhân để xây dựng, bao gồm khoảng 160.000 căn cho nhiều mức thu nhập kể từ khi Thị trưởng de Blasio nhậm chức vào năm 2014, đều nằm ngoài tầm với của những người cần nhất.
Những người thuê nhà tiềm năng thường phải tham gia rút thăm và sau đó, nếu được chọn, họ phải trải qua quy trình kiểm tra bao gồm tín dụng và lịch sử cho thuê. Ngoài ra, điều họ cần có là sự may mắn. Tính đến năm 2020, có khoảng 25 triệu đơn đăng ký được gửi cho khoảng 40.000 đơn vị nhà ở.
Nếu mất giấy tờ tùy thân, như nhiều người sống trên đường phố, những căn hộ giá cả phải chăng không dành cho họ.
Các căn phòng siêu nhỏ của Breaking Ground ở Quảng trường Thời đại và khách sạn Prince George cũ. Ảnh: Breaking Ground. |
Cơ hội hiếm có
Năm 1991, Common Ground của Haggerty tạo dựng danh tiếng bằng cách chuyển đổi khách sạn Times Square cũ thành 652 đơn vị “nhà ở hỗ trợ”. Cư dân bao gồm những người vô gia cư, bệnh nhân tâm thần, AIDS được cung cấp dịch vụ xã hội và chăm sóc tâm thần ngay tại cơ sở.
Năm 1999, tổ chức tiếp tục biến khách sạn Prince George thành 415 phòng ở với nhà tắm và bếp riêng, dành cho người vô gia cư, lao động có thu nhập thấp.
Ngày nay, Prince George cung cấp loạt dịch vụ xã hội và y tế, cùng với khu vườn trên sân thượng do cư dân chăm sóc, lớp học yoga, đan lát, phòng trưng bày nghệ thuật riêng. Người thuê nhà thường phải trả 490-765 USD/tháng cho khoảng 20 m2 với phòng tắm và bếp riêng. Trong đó, 2/3 số tiền này được trợ cấp từ liên bang, chương trình tiểu bang hoặc thành phố.
Khi tác động kinh tế của Covid-19 giảm xuống, những người cam kết giải quyết vấn đề vô gia cư ở New York nhận thấy mình đang ở trong thời điểm kỳ lạ.
Một mặt, họ có nguồn tài trợ hào phóng từ chính phủ liên bang, khoảng 5 tỷ USD trong Kế hoạch Giải cứu Mỹ, để đưa mọi người thoát khỏi cảnh sống trên đường phố. Gần 300 triệu USD trong đó được dành cho New York với nhiệm vụ khuyến khích “mua lại và phát triển các đơn vị tạm trú không tập trung”.
Khách sạn Imperial Court ở Upper West Side có những cư dân SRO lâu năm. Ảnh: Stefano Giovannini. |
Bang California sử dụng số tiền đó để mua các khách sạn SRO cũ, được chuyển đổi thành khách sạn nhỏ trong những thập kỷ trước, hiện được sử dụng làm nhà ở lâu dài. 94 khách sạn đã được mua với hơn 6.000 phòng.
Tại thành phố Albany, một đạo luật do Thượng nghị sĩ Michael Gianaris của quận Queens và nghị sĩ Karines Reyes của quận Bronx đưa ra được thông qua vào đầu tháng 6. Trong đó, 100 triệu USD trong quỹ liên bang được chi cho việc chuyển đổi khách sạn và văn phòng thành nhà ở giá rẻ vĩnh viễn. Giống như hầu hết nhà ở hỗ trợ, các bất động sản mua được sẽ do tổ chức phi lợi nhuận sở hữu và vận hành.
Trong khi đó, tổ chức Breaking Ground đang tiếp tục công việc bắt đầu dưới thời người sáng lập Haggerty. Đó là vận hành khoảng 4.000 đơn vị nhà ở trên khắp New York, từ các phòng cỡ SRO đến căn hộ dành cho gia đình.
Brenda Rosen, chủ tịch và giám đốc điều hành hiện tại của Breaking Ground, nói rằng khách sạn cũ sẽ không được coi là SRO vì các phòng có bếp nhỏ.
Rosen gọi khoảnh khắc hậu đại dịch là “cơ hội chỉ có một lần trong đời”. Cô rất vui mừng về khả năng tạo ra những khu nhà ở giá rẻ mới ở khu trung tâm Manhattan.
“Chúng tôi đang trong quá trình thương lượng với chủ sở hữu một khách sạn lớn trong khu nhà hát. Điều đó sẽ tạo ra hơn 500 đơn vị nhà ở SRO và cho phép chúng tôi cải tạo với giá bằng khoảng 60% xây mới”, Rosen giải thích.
Theo Rosen, SRO là căn phòng rộng khoảng 25 m2 với phòng tắm riêng, tủ lạnh mini, lò vi sóng hoặc lò nướng đối lưu và bếp nấu ăn. Tổ chức hy vọng mua lại và chuyển đổi 3 khách sạn trống khác.
“Đó là giải pháp hữu hiệu nhằm mang lại nhà ở giá rẻ mà không có sự kỳ thị đáng tiếc nào vốn gắn với SRO”, cô nói.
Rosen cũng nhấn mạnh sự chuyển đổi cần diễn ra nhanh chóng. “Đó là cơ hội rất hạn chế về thời gian bởi New York sẽ quay trở lại và sẽ không còn nhiều khách sạn cũ như thế này nữa”.
Nhóm bạn ở độ tuổi 20 thuê chung căn hộ siêu nhỏ ở Harlem. Ảnh: Tamara Beckwith/NY Post. |
Houghton đồng tình. Trong một bài viết gần đây trên tạp chí Crain's New York Business, ông viết: “Không có thời gian để lãng phí. Cơ hội để có được các khách sạn gặp nạn đang nhanh chóng đóng lại khi du lịch quay trở lại”.
Các khách sạn của thành phố New York đạt tỷ lệ lấp đầy 60% vào cuối tháng 5. Theo nhà phân tích ngành khách sạn STR's Market Recovery Monitor, các khách sạn với hơn 300 phòng hoạt động kém hơn các khách sạn nhỏ hơn.
Nhìn chung, các nhà hoạt động nhà ở, phát triển cộng đồng và chính quyền địa phương cần xác định tài sản có sẵn và đảm bảo nguồn vốn trước khi những tòa nhà này quay trở lại cuộc sống trước đây.