Căn phòng hai đứa con tâm thần bị mẹ nhốt |
Câu chuyện về người mẹ xây phòng nhốt 2 con tâm thần đăng trên Zing.vn mới đây thu hút không ít sự đồng cảm, xót xa cho số phận của người phụ nữ quê Quảng Nam cùng 2 người con.
“Xót thương cho phận người mẹ”
Xót xa cho số phận người phụ nữ khốn khổ, bạn đọc Vũ Thị Thu Hà bình luận: "Cảm phục bản lĩnh sống của chị. Mong chị luôn khỏe và gặp được nhiều người giúp đỡ!”.
“Tội quá trời ơi! Đọc mà mình khóc luôn. Mong chị có sức khỏe để chăm sóc cho các em” là tình cảm của bạn John Alibaba dành cho gia đình người mẹ này. Thành viên Jame Vu bày tỏ sự cảm thông: “Thương cho gia đình chị quá! Cầu mong gia đình chị luôn được bình an và được nhiều người giúp đỡ”.
“Đọc hoàn cảnh của chị mà rớt nước mắt. Ước gì em có điều kiện để giúp đỡ được chị, không biết có ai đứng ra quyên góp không? Để em có chút gọi là tấm lòng của em giúp đỡ chị”, độc giả Trung Đỗ viết.
Căn phòng hai đứa con tâm thần bị mẹ nhốt. Ảnh: Nam Cường - Nguyên Vũ. |
Không ít độc giả vì xót thương cho hoàn cảnh của người mẹ này nên đã khuyên chị nên đưa các con vào bệnh viện điều trị. “Chị nên đưa các cháu vào các bệnh viện tâm thần, vừa tốt cho các con mà chị cũng có nhiều thời gian để đi làm kiếm tiền nuôi các cháu”, tài khoản Dũng Lê chia sẻ.
Bạn đọc Bùi Hải Long cũng khá bức xúc vì nhiều người dùng những lời lẽ không hay, miệt thị gia đình chị Minh.
“Số phận người ta cực khổ thế này. Hơn 20 năm phải tự tay nhốt con, chứng kiến cảnh đứa trẻ do mình sinh ra có những hành động không bình thường, đi làm không an tâm vì lo cho con ở nhà đánh đập, cào xé nhau... Người dân không thương thì thôi, sao có thể gắn cái tên 'nhà điên' cho họ vậy chứ?”, anh viết.
“Tội nghiệp cho số phận một kiếp người. Chẳng biết nói gì luôn... Mong sao có ai giúp gia đình chị bớt đi phần gánh nặng. Thương quá!”, bạn Minh Trúc đồng cảm.
“Chính quyền, địa phương ở đâu?”
Thực tế, không riêng chị Minh mà nhiều gia đình khác cũng có hoàn cảnh éo le, cực khổ. Cuộc sống của họ phải chịu nhiều bất công do hậu quả của chiến tranh và các chất độc hóa học. Đó là trường hợp của anh Phạm Phú Ba (tổ 4 - Bình Tân, TP.HCM) có 6 người con, trong đó có 3 người con bị dị tật bẩm sinh.
Hay như câu chuyện về anh Đỗ Hà Cừ, sinh năm 1984 bị nhiễm chất độc da cam vì bố của anh từng ra chiến trường đã khiến cho bao người tỏ lòng cảm thương và khâm phục ý chí kiên cường của anh.
Dù chỉ nằm được yên một chỗ với một ngón tay hoạt động và không được học qua trường lớp nào nhưng anh Cừ vẫn có thể tự đọc sách, báo và sáng tác ra những trang văn thơ đầy ý nghĩa.
Chiến tranh đã đi qua nhưng những vết tích, vết đau mà nó để lại thì vẫn còn âm ỉ. Chất Dioxin mà chiến tranh để lại đã gây cho biết bao gia đình có con bị nhiễm chất độc da cam ngay từ khi mới sinh ra.
Nước mắt thấm vào trong, sự đau khổ tột cùng của chị Minh và những gia đình có hoàn cảnh giống như chị sẽ đi về đâu nếu như không có sự giúp đỡ của các cấp chính quyền, địa phương? Câu hỏi được đặt ra từ nhiều cộng đồng mạng.
Độc giả Mỹ Hoa nêu quan điểm hoàn cảnh của chị Minh là một trong những trường hợp phải chịu hậu quả của chiến tranh. Bởi vậy, gia đình chị rất cần có sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền, địa phương, cũng như nhà nước và cộng đồng.
"Cũng sinh ra là một kiếp người. Vậy mà chị lại phải hứng chịu nhiều đau khổ quá! Cho nên mới thấm câu: 'Khi mình có tiền mua một đôi dép, thì hãy nghĩ có người không có đôi chân để đi dép'. Vì vậy hãy trân trọng những gì mình có trong tầm tay mà yêu thương, san sẻ", chị viết.
'Lá lành đùm lá rách'
Đồng quan điểm với bạn nữ trên, bạn đọc Hiếu Lê chia sẻ, thay vì hàng ngày lên đọc báo, xem những ngôi sao nổi tiếng và bình luận thì các bạn nên quan tâm, chia sẻ cho những nạn nhân, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, cơ cực.
Tài khoản Thắng cũng nêu ý kiến: "Đây là một trường hợp đáng để giúp đỡ. Mong mọi người chia sẻ nhiều, biết đâu sẽ giúp được gì đó cho gia đình cô. Tục ngữ có câu lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều. Vì vậy đây là lúc người dân mình thể hiện tình cảm đó".
“Mong xã hội và các bạn trẻ hiện nay có một chút góc nhìn vào những cảnh đời như thế này. Xin trời hãy ban cho gia đình ấy một phép màu để họ có thể tiếp tục lạc quan với cuộc đời này, để người phụ nữ ấy được nghe một tiếng Mẹ. Tha thiết!”, bạn Hiếu Lê xúc động.