Cần Giờ mưa lớn, hơn 4.000 người dân đã tới nơi tránh bão
Thứ bảy, 24/11/2018 09:32 (GMT+7)
09:32 24/11/2018
Sáng 24/11, cán bộ huyện Cần Giờ đã đến từng nhà người dân vận động đi trú bão. Đây được dự báo sẽ là nơi tâm bão Usagi đi vào, gây mưa lớn, ngập lụt trong những ngày tới.
Từ 8h sáng, mưa lớn đã đổ xuống huyện Cần Giờ. Sáng 24/11, tại thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ, hơn trăm công an, bộ đội biên phòng, cán bộ xã có mặt từ rất sớm để thực hiện chỉ đạo di dời dân của huyện và TPHCM. Trước đó, theo dự báo của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, khoảng đêm 24 và ngày 25/11, cơn bão số 9 Usagi sẽ áp sát bờ gây ảnh hưởng đến TP.HCM với sức gió từ cấp 6 đến cấp 8.
Cần Giờ là huyện ven biển duy nhất của TP.HCM. Theo ghi nhận của Zing.vn, nhiều người dân cố gắng bám trụ tại nhà nhưng khi được lực lượng chức năng giải thích đã nghiêm túc chấp hành, di dời về nơi tập kết. Dự kiến, chiều và đêm nay có mưa rất to (phổ biến 200-250 mm) và có khả năng dông, lốc xoáy và gió giật mạnh trên địa bàn TP.
Nhiều hộ dân không có phương tiện đi lại được ôtô đến tận nơi đón, đưa về các điểm trú bão. Tổng cộng đã di dời khoảng 1.200 hộ dân (hơn 4.100 người), chằng chống trên 400 căn nhà, neo đậu an toàn 1.200 tàu bè. Đồng thời huyện này cũng huy động trên 2.000 người tham gia ứng phó với cơn bão.
Tại trường THCS Cần Thạnh, hàng trăm người đã được cán bộ bố trí nơi ở, thức ăn. Trước 12h, toàn bộ người dân phải được di dời theo chỉ đạo của UBND TP.HCM.
Nhiều gia đình chủ động di chuyển tới nơi tránh bão. Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 9 kết hợp với không khí lạnh, từ ngày 24-26/11 ở các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế đến Bình Thuận và Nam Tây Nguyên có mưa rất to, Bắc Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa to.
Người dân được cung cấp nhu yếu phẩm, riêng trẻ em được phát thêm sữa. Nhiều đài quốc tế cho biết tâm bão Usagi sẽ đi vào vùng biển Vũng Tàu, Cần Giờ rồi vào đất liền khu vực giáp ranh giữa Long An và TP.HCM.
Nhân viên siêu thị xúc cát vào bao để chặn mái tôn của một siêu thị. Trong thời gian xảy ra cơn bão, mực nước sông Cửu Long, sông Sài Gòn tiếp tục lên theo triều và có khả năng đạt mức cao nhất vào ngày 24 - 25/11. Do ảnh hưởng triều cường kết hợp với mưa lớn của hoàn lưu cơn bão số 9, nguy cơ cao xảy ra ngập lụt sâu và trên diện rộng ở khu vực hạ lưu sông Cửu Long và sông Đồng Nai - Sài Gòn.
Ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và ông Lê Thanh Liêm, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, đã thị sát khu vực bến tàu cũng như đến các điểm trú bão để động viên hỏi thăm bà con.
Dự báo hướng đi của bão số 9 lúc 13h trưa nay. Theo: Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia. Đồ hoạ: Nhân Lê.
Cơ quan chức năng Khánh Hòa sơ tán hàng nghìn người dân vùng lở núi, ven sông, ven biển... đến tá túc ở trường học, trạm biên phòng trú tránh bão số 9.
Huyện đảo Phú Quý, nơi đầu tiên ảnh hưởng từ bão số 9 đã trực chiến 100% sẵn sàng ứng phó với bão. Bình Thuận sẽ phải di dời khoảng 46.000 dân nếu bão số 9 đổ bộ vào đất liền.