Có lẽ, chỉ đến khi báo cáo của nhóm nghiên cứu HSBC có đề cập đến đồng Việt Nam (VND) đã tăng giá 9% so với năm trước, mức tăng được cho là nhanh nhất kể từ năm 2000, trên cơ sở tính tỷ giá hối đoái hiệu quả thực (RER), mới thấy tỷ giá đã bị nén chặt như thế nào...
“Khẩu phần ăn” đến hết năm
Thế nên, khi nhận xét về ứng xử với thị trường vừa qua của Ngân hàng Nhà nước, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc quốc gia của World Bank tại Việt Nam nói rằng: “Ngân hàng Nhà nước đã có sự theo dõi, đánh giá chính xác và phản ứng khá nhanh trước diễn biến môi trường bên ngoài như việc FED có thể tăng lãi suất, Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ (CNY). Biện pháp giảm giá VND, mở rộng biên độ tỷ giá là một ví dụ”.
Bà Victoria Kwakwa cũng khuyên rằng, việc cần làm hiện nay là Chính phủ tập trung vào các vấn đề dài hạn, nhất là khả năng phục hồi và chống đỡ rủi ro của kinh tế vĩ mô. Còn Ngân hàng Nhà nước nên tiếp tục đánh giá sự tác động của chính sách tỷ giá với kinh tế vĩ mô, nâng cao lòng tin của công chúng và không được lơ là với những cú sốc từ bên ngoài.
Ông Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh doanh, cho rằng, nếu lần điều chỉnh ngày 11/8 nhằm đối phó ngay với việc đồng nhân dân tệ bị phá giá tới 4,6% thì lần điều chỉnh ngày 19/8, mang tính dài hơi hơn. Trong đó, Ngân hàng Nhà nước đã lường đón đến việc FED có thể điều chỉnh lãi suất vào tháng 9/2015 và độ trễ của nhân dân tệ bị phá giá.
“Điều quan trọng trong thông điệp của Ngân hàng Nhà nước đã nói rất rõ là sau hai lần điều chỉnh liên tiếp, tỷ giá VND có dư địa đủ lớn để linh hoạt trước các diễn biến bất lợi trên thị trường quốc tế và trong nước, không chỉ từ nay đến cuối năm mà cả những tháng đầu năm 2016.
Như vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu đã nhìn thấy mối lợi, còn doanh nghiệp trong nước cũng phải nâng cao khả năng cạnh tranh hàng hóa Việt Nam so với hàng hóa Trung Quốc. Đây là động thái đón đầu một cách kịp thời, tạo niềm tin vững chắc cho thị trường ngoại tệ trong thời gian tới”, ông Nghĩa nói.
Ông cũng nhận định thêm, trong bối cảnh này, các doanh nghiệp, ngân hàng, người dân cũng không dại gì giữ ngoại tệ, họ duy trì trạng thái Việt Nam đồng để có lợi hơn.
Mặc dù nhận xét của ông Nghĩa khá lạc quan nhưng theo dõi bản niêm yết tỷ giá cặp tiền VND/USD tại các ngân hàng thương mại cho thấy, khoảng chênh lệch tỷ giá giữa mua vào và bán ra từ sau lần điều chỉnh 11/8 tới nay, luôn giữ ở mức 100 VND/USD thay vì 60 VND/USD như trước đó.
Điều này được hiểu là thị trường vẫn trong giai đoạn thăm dò mà ở đó, yếu tố phòng tránh rủi ro được đề cao lên hàng đầu, khi mà thị trường cho rằng, khoảng chênh lệch giữa mua vào, bán ra được kéo dài thêm là tấm đệm an toàn.
Báo cáo của nhóm nghiên cứu HSBC có đề cập đến đồng Việt Nam (VND) đã tăng giá 9% so với năm trước, mức tăng được cho là nhanh nhất kể từ năm 2000. |
Về vấn đề này, ông Phạm Thanh Hà, Phó tổng giám đốc Vietcombank, cho rằng, khá nhiều doanh nghiệp sử dụng hình thức mua bán ngoại tệ giao ngay. Tuy nhiên, để phòng tránh rủi ro do biến động tỷ giá, doanh nghiệp nên sử dụng các sản phẩm phái sinh như hợp đồng kỳ hạn, sản phẩm cơ cấu; tuy mất một ít chi phí nhưng lại chủ động được kế hoạch tài chính trước diễn biến của thị trường.
Thách thức giảm lãi suất
Theo đánh giá của Trung tâm Nghiên cứu BIDV, thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ gặp khá nhiều thách thức trong việc thực hiện mục tiêu giảm lãi suất, đặc biệt là lãi suất trung dài hạn.
Trung tâm này cũng dẫn chứng, trong 3 ngày đầu tiên sau đợt nới biên độ (11/8), Ngân hàng Nhà nước đã khá linh hoạt điều tiết cung tiền qua thị trường mở; tạm ngưng phát hành tín phiếu, bơm tiền hỗ trợ thanh khoản.
Tính riêng trong các ngày 11/8-13/8, Ngân hàng Nhà nước đã bơm qua thị trường mở xấp xỉ 2.700 tỷ đồng.
Điều này cho thấy, mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã xác lập không gian cho tỷ giá kể từ sau đợt điều chỉnh lần thứ hai (19/8) cho đến đầu 2016, nhưng để củng cố được ý chí này, Ngân hàng Nhà nước buộc phải sử dụng nhiều công cụ khác nhau mà một trong số đó là chủ động duy trì mặt bằng lãi suất ở mức cao để hỗ trợ tỷ giá như từng ứng xử trên thị trường liên ngân hàng trong các ngày 11/8-13/8.
Vì vậy, trong thời gian tới, thanh khoản VND của hệ thống sẽ bớt dồi dào, mặt bằng lãi suất VND trên liên ngân hàng sẽ tăng trở lại; từ đó, tác động gián tiếp tới lãi suất của thị trường dân cư và tổ chức.
“Bước sang năm 2016, xác suất Ngân hàng Nhà nước thực hiện thắt chặt chính sách tiền tệ cũng trở nên rõ ràng hơn và theo đó, mặt bằng lãi suất liên ngân hàng dự báo sẽ tiếp tục đi lên”, báo cáo nhận định.
Một cơ sở nữa để củng cố nhận định này là từ sau ngày 11/8, thị trường trái phiếu chính phủ (thứ cấp) diễn biến ảm đạm, thanh khoản yếu, nhu cầu của nhà đầu tư đối với loại hàng hoá này chủ yếu tập trung ở các kỳ hạn ngắn; mặt bằng lãi suất tăng nhẹ 5-10 điểm đối với các kỳ hạn.
Ví dụ: kỳ hạn 1 năm: 4,9%/năm, 2 năm (5,25%/năm), 3 năm ( 5,7%/năm), 5 năm (6,5%/năm).
Nhưng có vẻ như, nhà điều hành đã lường đón vấn đề này. Trong một động thái mới nhất, ngày 21/8/2015, Ngân hàng Nhà nước công bố dự thảo thông tư về cho vay ngoại tệ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài trong nền kinh tế thay thế Thông tư số 43/2014/TT-Ngân hàng Nhà nước có nội dung tương tự, ban hành ngày 25/12/2014.
Đáng chú ý, nếu trong Thông tư 43, Ngân hàng Nhà nước quy định đến 31/12/2015, sẽ chấm dứt quan hệ vay mượn ngoại tệ đối với hai nhóm khách hàng chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu khách hàng của tiền vay ngoại tệ để chuyển sang quan hệ mua đứt bán đoạn.
Hai nhóm khách hàng này gồm vay ngoại tệ nhập khẩu xăng dầu và vay ngoại tệ ngắn hạn phục vụ cho xuất khẩu đối với nhóm doanh nghiệp có nguồn ngoại tệ tái tạo.
Tuy nhiên, trong dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 43, Ngân hàng Nhà nước không những không cấm tiệt mà còn tiếp tục cho phép vay đối với 4 nhóm nhu cầu, trong đó có hai nhóm nhu cầu lớn nói trên.
Động thái này cho thấy, Ngân hàng Nhà nước không muốn gia tăng áp lực mua ngoại tệ tất toán nợ cũ và đáp ứng nhu cầu mới, khiến cho cán cân tỷ giá có thể bị chông chênh.
Nói khác đi, Ngân hàng Nhà nước buộc phải chấp nhận tình trạng đô la hoá thêm một thời gian nữa và đó là điều không dễ chịu chút nào khi mà quy mô tín dụng ngoại tệ ước khoảng 25 tỷ USD (theo Trung tâm Nghiên cứu BIDV) tiếp tục nhởn nhơ trước ý chí của nhà điều hành.