Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cân đối chứng chết yểu vì sự nửa vời

Để chống lại nạn cân thiếu, tại nhiều chợ lớn nhỏ của Hà Nội đã được trang bị cân đối chứng. Nhưng rồi những chiếc cân này dần biến mất theo thời gian. Nạn cân điêu tại các chợ vẫn tiếp tục hoành hành, thậm chí ngày càng tinh vi.

Cân đối chứng chết yểu vì sự nửa vời

Để chống lại nạn cân thiếu, tại nhiều chợ lớn nhỏ của Hà Nội đã được trang bị cân đối chứng. Nhưng rồi những chiếc cân này dần biến mất theo thời gian. Nạn cân điêu tại các chợ vẫn tiếp tục hoành hành, thậm chí ngày càng tinh vi.

Từ năm 2006, Hà Nội đã tiến hành lắp đặt cân đối chứng ở 30 chợ trên địa bàn Hà Nội nhằm tăng cường khả năng kiểm định, hiệu chuẩn đối với thiết bị đo lường của người bán, giúp người mua hàng có thể kiểm tra lại hàng hóa sau khi mua khi thấy nghi ngờ bị gian lận… Tuy nhiên, sau một thời gian thực hiện những chiếc cân này dường như bị “đi vào quên lãng”.

 

Khó có thể tìm thấy những chiếc cân đối chứng tại các chợ của Hà Nội.

Cân đối chứng mỏi mắt tìm chẳng thấy

Với tâm lý muốn thoát khỏi sự bủa vây của nạn cân điêu, thời gian đầu những chiếc cân này cũng được một số người mua hàng sử dụng. Nhưng chỉ sau khoảng 1 năm cân không được bảo quản và bảo trì trở nên hư hỏng, không còn tác dụng. Một số chợ tiến hành thay thế cân đối chứng điện tử bằng cân đồng hồ nhưng rồi cũng bị hư hỏng và dẹp bỏ. Thậm chí vào thời điểm hiện tại, những chiếc cân này đã hoàn toàn “mất tích” tại các chợ.

Theo khảo sát của phóng viên tại nhiều chợ của Hà Nội: chợ Xanh, Phùng Khoang, chợ Dịch Vọng, Nghĩa Tân, Cầu Giấy, Đồng Xa, chợ Bưởi, chợ Quan Nhân… đều không thấy bóng dáng của bất cứ một chiếc cân đối chứng nào.

Hỏi khá nhiều người mua hàng về cân đối chứng phóng viên cũng chỉ nhận được những cái lắc đầu ngạc nhiên và những câu trả lời: “chưa dùng bao giờ”, “chả biết”, “không rõ”, “ở chợ này có à?”…. Nếu có biết thì cũng chỉ là: “dạo trước có đấy”, “chả biết giờ đâu rồi”…

Một chủ sạp hàng tại chợ Dịch Vọng cho biết: “Dạo trước ở chợ cũng có cân đối chứng đấy, nhưng giờ thì cũng chả biết đâu rồi. Ở đây ai cũng cân đầy, cân đủ ai cần đối chứng?”.

Tại chợ Khương Đình, cũng không thấy bóng dáng của chiếc cân đối chứng này. Theo một người dân sống gần đó cho biết: “dạo đầu cũng có cân để ở cổng chợ, để trên bục cũng đẹp lắm. Nhưng một thời gian thì bị hỏng, chả ai dùng nữa. Giờ thì bị bỏ đi đâu mất rồi”. Tương tự chiếc cân đối chứng tại chợ xanh, chợ Ngã Tư Sở cũng đã hư hỏng rồi bị dẹp đi mất.

Tại sao cân đối chứng nhanh chóng “tắc tử”?

Có nhiều lý do khiến cân đối chứng không thực sự phát huy tác dụng chống nạn cân điêu và nhanh chóng bị quên lãng: khâu quản lý thiếu hiệu quả, chưa có cơ quan xử lý những hàng quán vi phạm, sự thờ ơ của người mua hàng…

Ban quản lý chợ vốn được giao việc kiểm tra, quản lý những chiếc cân đối chứng, nhưng công việc chủ yếu là trông chừng sao cho không bị mất trộm, chứ chẳng có người hướng dẫn sử dụng, tuyên truyền lợi ích của việc kiểm tra cân hay nói cụ thể hơn là chảng có đơn vị nào kiểm định xem hiệu quả của những trạm cân này ra sao. Những chiếc cân không được bảo trì, bảo dưỡng đúng cách nên nhanh chóng bị hư hỏng và không thể sử dụng được.

Ngoài một số người kỹ tính, thì hầu hết người tiêu dùng khá hờ hững với việc sử dụng cân đối chứng. Bởi cân thường được đặt tại 1 góc sâu trong khu chợ rộng. Nếu muốn đối chứng lại trọng lượng người mua có khi phải đi một vòng tròn, nếu có sự chênh lệch thì khi quay lại "bắt đền" người bán có thể đã chối đây đẩy vì thiếu bằng chứng gian lận... Với người bận rộn, thì từng phút cũng quý thế nên họ cũng ngại phải đi tìm trạm cân để đối chứng lại vài lạng thịt. Cô Vân thường đi chợ Khương Đình cho biết: “Ai cũng bận, tranh thủ buổi sáng đi chợ nhanh. Cả chợ có mỗi một cái cân đối chứng. Có thời gian thì mới đặt lên kiểm tra, không thì cũng thôi”.

Thêm một lý do để người mua hàng thờ ơ với cân đối chứng là dù có phát hiện hàng nào cân gian, cân thiếu thì người mua cũng chẳng biết báo cho ai. Ban quản lý các chợ chỉ quản lý cân chứ không có chức năng xử lý những hàng quán cân điêu, cân thiếu. Nếu có gặp người tiêu dùng khiếu nại họ cũng chỉ có thể đứng ra hòa giải chứ không thể xử phạt.

Chị Ly, thường đi chợ Ngã Tư Sở cho biết: “Mình thấy cân đối chứng không hiệu quả. Dù người mua có đem ra cân thử và phát hiện ra người bán cân thiếu thì sao nào? Chẳng có ai làm chứng, cũng chả có người giải quyết cho, chẳng lẽ quay lại đôi co với người bán. Mà người bán cũng dễ dàng chối quanh vì hàng hóa đã đem đi khỏi quầy sao biết khách có bớt hàng đi không”.

Cô Anh, người sống ở gần chợ Nghĩa Tân cho biết: “Thực ra mua hàng có đem đi cân lại thì cũng cho biết rồi lần sau tránh đi. Mấy ai lại mất thời gian đôi co vài nghìn. Ở chợ cũng chả có chỗ nào để báo việc mình bị cân điêu”. Một số bà nội trợ lại cho biết họ không hề biết gì về sự tồn tại của chiếc cân này. Vì vậy, chỉ sau vài tháng được trang bị tại các chợ những chiếc cân đối chứng đã rơi vào tình trạng “mốc meo”, cả ngày chỉ có vài ba người đến cân thử.

Dù biết nhiều hàng cân gian, cân điêu nhưng người tiêu dùng vẫn chỉ đối phó bằng cách không lên tiếng, chọn mua hàng khác, thậm chí là vẫn mua và chấp nhận bị cân thiếu… đã khiến người bán khiến họ càng được thể “làm tới”.

Việc đề ra nhưng không quản lý đến nơi đến chốn đã khiến cân đối chứng rơi vào tình trạng “đầu voi đuôi chuột”, gây nên sự lãng phí không hề nhỏ nhưng hơn cả là niềm tin của người tiêu dùng vào những ý tốt của ngành công thương cũng ngày một hao hụt dần.

Theo Sống Mới

Theo Sống Mới

Bạn có thể quan tâm