Những tác phẩm tiểu thuyết bị in lem nhem, bìa đóng cẩu thả, thậm chí là những cuốn sách đã không còn được xuất bản vẫn đang được bán tràn lan trên thị trường. Còn người bán cũng không quan tâm đến nguồn gốc sách.
Theo thống kê, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, đã phát hiện hơn 500.000 bản sách, hơn 100.000 đĩa CD và gần 8 tấn bán thành phẩm sách giáo dục bị in lậu. Thái Hà Books cũng phát hiện tới 150 đầu sách bị làm lậu. First News - Trí Việt có khoảng 1.000 đầu sách thì có tới 668 cuốn bị in lậu, đều là những cuốn sách bán chạy.
Sách giả thường có chất lượng kém. Các đối tượng in sách giả không thực hiện quy trình xuất bản theo quy định, không trả tiền bản quyền cho tác giả vì thế, sách giả thường được bán với giá thấp hơn nhiều so với giá in trên bìa và giá của sách thật.
Đáng lo ngại hơn, nhiều diễn đàn còn công khai chia sẻ những truyện tranh, truyện đọc hoàn toàn miễn phí. Nhìn vào lượt truy cập từ vài nghìn đến cả trăm nghìn cũng đủ thấy chất xám của tác giả cũng như quyền lợi của các nhà xuất bản chân chính đang bị xâm hại nghiêm trọng.
Số lượng sách lậu, sách giả phát hiện được chỉ chiếm 0,4-0,5% tổng số lượng sách được in. Theo các chuyên gia, điều đó có nghĩa con số thực tế còn lớn hơn rất nhiều. Tình trạng sách lậu, sách giả vẫn còn diễn biến khá phức tạp, gây ảnh hưởng không nhỏ đến các đơn vị mua bán bản quyền sách, các đơn vị xuất bản và cả chính người đọc.
Theo quy định của pháp luật, việc tàng trữ, phát hành xuất bản phẩm in, nhân bản lậu, in giả, in nối bản trái phép có thể bị xử phạt hành chính từ 20-30 triệu đồng, nếu thu lợi bất chính 500 triệu đồng trở lên thì khung hình phạt tù sẽ là từ 7 năm đến 15 năm. Tuy nhiên, những mức phạt này chưa ngăn được diễn biến phức tạp của sách lậu.
Việt Nam là quốc gia tham gia Công ước Berne về bảo hộ các tác phẩm văn học, nghệ thuật vì vậy, hệ quả của in lậu sách, xuất bản phẩm giả sẽ ảnh hưởng đến quyền, lợi ích, gây thiệt hại về kinh tế cho tác giả, cho các nhà xuất bản. Để loại trừ các sản phẩm giả này, ngoài trách nhiệm của các cơ quan nhà nước thì cũng rất cần sự góp sức, chung tay của chính những người tiêu dùng.