Thành phố Hồng Ngự thuộc vùng Hồng Ngự rộng lớn trước đây (bao gồm huyện Hồng Ngự và huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp). Ngay từ những năm 1960, người dân vùng biên Hồng Ngự đã biết đến cá tra và bắt đầu làm giàu bằng giống cá này. |
Thành phố Hồng Ngự thành lập năm 2020 gồm 5 phường và 2 xã, tổng diện tích 121,84 km2. Dọc về các địa phương của thành phố này, dễ thấy những vùng nuôi cá tra rộng lớn, nằm liền kề nhau, hoặc xen kẻ trong những cánh đồng lúa. |
Không khí sản xuất, thu hoạch cá tra tại TP Hồng Ngự diễn ra nhộn nhịp quanh năm. Trong năm 2022, diện tích ao nuôi cá tra tại TP Hồng Ngự là 290 ha, sản lượng 63.000 tấn. Chi phí đầu tư sản xuất cộng với giá trị mà ngành hàng cá tra tại địa phương mang lại lên đến hàng trăm triệu USD. |
TP Hồng Ngự cũng là địa phương xếp thứ 4 về sản lượng, thứ 4 về diện tích ao nuôi cá tra trong toàn tỉnh Đồng Tháp, sau các huyện Thanh Bình, Tam Nông và Tân Hồng. |
Đến nay, nghề nuôi cá tra tại TP Hồng Ngự có bước phát triển khá, cùng với các địa phương khác góp phần đưa ngành nghề này trở thành một trong số ngành kinh tế chủ lực của tỉnh. |
Tính đến tháng 11/2022, toàn tỉnh Đồng Tháp có diện tích ao nuôi cá tra ước đạt 2.450 ha, sản lượng thu hoạch 505.000 tấn. Trong đó xuất khẩu cá tra ước đạt 270.077 tấn, kim ngạch ước đạt 847 triệu USD, tăng 31% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021, đứng đầu trong nhóm hàng nông sản xuất khẩu của tỉnh. Trong đó, đóng góp chung cho sự phát triển của ngành hàng cá tra trong tỉnh của TP Hồng Ngự là khá lớn. |
Người dân xã Bình Thạnh, TP Hồng Ngự chuyển thức ăn cá tra vào vùng nuôi. Đây là một trong những địa bàn có diện tích ao nuôi cá tra lớn nhất của thành phố. |
Theo người dân địa phương, một ao cá tra nuôi 6 tháng tuổi, với diện tích mặt nước khoảng 10.000 m2 sẽ tiêu tốn 180 bao thức ăn công nghiệp (mỗi bao 40kg, giá dao động trên dưới 500.000 nghìn đồng/bao) mỗi ngày. Làm phép tính nhân, đây là số tiền bỏ ra khá lớn mà người dân phải bỏ ra trong quá trình nuôi cá. |
Để chủ động nguồn thức ăn cho cá, người dân TP Hồng Ngự chủ động nhập số lượng lớn thức ăn về nhà kho. |
Ông Lê Minh Triển (giữa), quản lý 9 ao nuôi cá tra, tổng diện tích khoảng 90.000 m2 thuộc ấp Bình Thành A, xã Bình Thạnh, TP Hồng Ngự, cho biết đàn cá nuôi đang sinh trưởng tốt. Mức giá cá tra xuất bán đạt khoảng 30.000 đồng/kg, cao hơn cùng kỳ năm 2021 khoảng 6.000 đồng mỗi kg. |
Người dân TP Hồng Ngự vệ sinh mặt nước ao nuôi cá tra. Cũng theo ông Triển, giá cá tra có tăng, tuy nhiên giá thức ăn cũng tăng mạnh khiến nhiều người nuôi không thu lãi được như kỳ vọng. |
TP Hồng Ngự cũng là một trong số nhiều địa phương của tỉnh Đồng Tháp áp dụng thành công mô hình sản xuất cá tra khép kín từ khâu ươm giống, thả nuôi, thu hoạch, chế biến… đến buôn bán sản phẩm cá tra tại thị trường trong nước và xuất khẩu. |
Đến nay, sản phẩm cá tra của địa phương đã có mặt ở nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Các thị trường xuất khẩu lớn có thể kể như: Trung Quốc, Mỹ, ASEAN, EU, Anh, Mexico, Brazil… |
Năm 2022, ngành hàng cá tra cả nước đạt sản lượng 1,6 triệu tấn, đến hết tháng 11/2022 đạt kim ngạch xuất khẩu trên 2 tỷ USD, dự kiến cả năm 2022 đạt 2,4 tỷ USD, tăng khoảng 70% so với cùng kỳ năm 2021. Có thể nhận thấy sự đóng góp phát triển cho ngành hàng cá tra Việt Nam của tỉnh Đồng Tháp và "thủ phủ cá tra" TP Hồng Ngự là khá lớn. |
Vị trí TP Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: Google Maps. |
Tỉnh Đồng Tháp vừa tổ chức Lễ hội cá tra lần thứ 1 năm 2022 tại TP Hồng Ngự - thủ phủ cá tra miền Tây. Sự kiện diễn ra trong hai ngày 16 và 17/12 với nhiều hoạt động lễ hội, tọa đàm, ký kết hợp tác… góp phần quảng bá tiềm năng, thế mạnh của ngành hàng cá tra nói chung của địa phương đến người dân, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.
Độc giả Zing có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu...