Cận cảnh hàng loạt miệng núi lửa cổ ở vùng biển Quảng Ngãi
Thứ bảy, 2/9/2017 17:15 (GMT+7)
17:15 2/9/2017
Giới khoa học ngỡ ngàng trước mật độ dày đặc và vẻ đẹp độc đáo của những "miệng núi lửa" ở vùng biển đảo Quảng Ngãi.
Sở hữu nhiều miệng núi lửa cổ, Quảng Ngãi được xem là một trong những "viện bảo tàng tự nhiên" về hoạt động núi lửa hiếm hoi trên thế giới. Trong ảnh là dấu tích miệng núi lửa cổ nằm sát biển Ba Làng An, xã Bình Châu (huyện Bình Sơn).
Miệng núi lửa cổ ở vùng biển Ba Làng An rộng khoảng 30 m. Ở đây, hệ địa hình sinh thái trải rộng ra khu vực xung quanh với nhiều bãi đất bazan, cột đá balad.
Trong các miệng núi lửa cổ có nhiều rong rêu, cỏ biển. Các kỳ quan thiên nhiên này hình thành từ các đợt phun trào núi lửa hàng triệu năm trước.
PGS.TS Vũ Cao Minh (Viện Địa Chất - Viện Hàn Lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho biết riêng huyện đảo Lý Sơn có 10 miệng núi lửa. Trong số này, 6 miệng núi lửa ở đảo Lớn, 1 miệng ở đảo Bé và 3 miệng còn lại ngầm dưới đáy biển. Miệng núi lửa cổ Hang Cau và chùa Hang phun khoảng 9-11 triệu năm trước, tạo nên nền đảo Lý Sơn ngày nay.
Miệng núi lửa có hồ nước trên đỉnh núi Thới Lới phun nổ cách nay 1 triệu năm, có đường kính 0,35 km, cao 149 m. Đây là đài quan sát lý tưởng hấp dẫn du khách
khi đến huyện đảo Lý Sơn.
Hình ảnh đàn cò kiếm ăn lúc bình minh trên miệng núi lửa Thới Lới.
Cũng ở Lý Sơn, miệng núi lửa Giếng Tiền như lòng chảo ôm trọn chùa Đục (ở thôn Tây, xã An Vĩnh). Miệng núi lửa này rộng hàng trăm mét, cao 30-40 m nghiêng về phía bắc có niên đại khoảng 1 triệu năm.
Trầm tích cổ Miocen muộn ở phần vách cao của miệng núi lửa Giếng Tiền bị phun trào xuyên cắt tạo hình thù kỳ thú ở phía Tây đảo Lý Sơn. Ngay dưới chân núi, người dân vẫn trồng hàng tỏi - đặc sản nổi tiếng của huyện đảo tiền tiêu Quảng Ngãi.
Miệng núi lửa ở đảo Bé Lý Sơn cũng là điểm tham quan lý thú. Các chuyên gia xác định khu vực này có 3 miệng núi lửa (một miệng trên cạn và hai miệng núi lửa ngầm). Đây là các miệng núi lửa hình thành trong các đợt phun trào núi lửa khoảng 1 triệu năm trước.
Bãi tắm nằm trên nền trầm tích núi lửa Bãi Sau ở đảo Bé Lý Sơn giống hai cánh tay khổng lồ vươn dài ra phía biển. Hình thù đặc biệt được hình thành khi sóng biển tác động lên nền trầm tích cổ xưa.
Vòm đá dung nham núi lửa ở độ sâu 6 m thuộc đảo Bé Lý Sơn được ví là "cổng tò vò dưới nước" có nhiều loài san hô đẹp sống ký sinh, uốn cong hình vòng cung và kéo dài khoảng 20 m. Đây là dấu tích dung nham đông cứng khi gặp nước biển.
Là điểm đến lý thú cho mỗi du khách đến Quảng Ngãi, miệng núi lửa ở Gành Yến (ở xã Bình Hải, huyện Bình Sơn) có hình dáng như những phiến đá chồng xếp lên nhau. Tuyệt tác thiên nhiên này hình thành khi núi lửa phun trào hàng triệu năm trước.
Vách tường đá kỳ vĩ ở Gành Yến cũng hình thành trong bối cảnh tương tự. Du khách thường chọn nơi này để tắm biển và ghi lại những khoảnh khắc mang dấu ấn thời gian.
Vùng biển gần bờ Gành Yến còn có rạn san hô tuyệt đẹp, muôn màu sắc mê hoặc du khách. Với những kỳ quan miệng núi lửa cổ, các nhà khoa học hy vọng vùng biển Quảng Ngãi sẽ được công nhận là công viên địa chất toàn cầu.
Sau thời gian dài khảo sát, nghiên cứu, nhiều chuyên gia trong nước lẫn quốc tế bất ngờ vì phát hiện nhiều "miệng núi lửa" dày đặc trên vùng biển đảo ở Quảng Ngãi.
Các chuyên gia nhận định, trầm tích núi lửa đảo Lý Sơn và vùng biển Bình Châu có giá trị di sản địa chất độc đáo của thế giới, xứng tầm là công viên địa chất toàn cầu.