Sáng 13/7, ông Đỗ Tấn Kết, cán bộ xã Ba Vì, huyện vùng cao Ba Tơ (Quảng Ngãi) giao nộp cá thể vượn đen má trắng cho cơ quan kiểm lâm chăm sóc, cứu hộ.
Cá thể vượn đen má trắng. Ảnh tư liệu. |
Trao đổi với Zing.vn, ông Ngô Vĩnh Phong, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện vùng cao Ba Tơ cho biết, trong lúc đi công tác cơ sở ở vùng rừng thuộc địa phận thôn Gò Re 1, xã Ba Xa, ông Kết, cán bộ xã bộ xã Ba Vì, phát hiện thợ săn bắt được cá thể vượn con má trắng.
Theo ông Phong, cá thể vượn đen má trắng này là giống đực, khoảng 1 năm tuổi có tên khoa học Nomascus leucogenys siki, thuộc nhóm IB (động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm).
Ông này đã mua lại mang về chăm sóc, đến sáng 13/7 thì giao nộp cho cơ quan chức năng. "Cá thể vượn đen má trắng quý hiếm được bàn giao trong tình trạng sức khỏe tốt. Dự kiến vài ngày tới, chúng tôi sẽ bàn giao cho Vườn Quốc gia Cúc Phương (Ninh Bình) để tiếp tục chăm sóc, cứu hộ", vị Hạt trưởng nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Hân, Chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm Quảng Ngãi cho biết thêm, từ cuối năm 2015 đến nay, ngành kiểm lâm tỉnh đã tiếp nhận 2 cá thể voọc chà vá và vượn đen má trắng quý hiếm do người dân, cán bộ tự nguyện giao nộp. "Rõ ràng vùng rừng Ba Xa- Ba Vì, huyện vùng cao Ba Tơ là khu vực đa dạng hóa sinh học cần được khoanh vùng, bảo vệ nghiêm ngặt", ông Hân đề xuất.
Theo khảo sát của Tổ chức bảo tồn quốc tế, Việt Nam còn khoảng 200 đàn vượn má trắng. Đây là loài đặc hữu khu vực phân bố chủ yếu ở Trung Quốc, Việt Nam, Lào.
Vượn cái và vượn con có màu nâu vàng hoặc xám vàng, vượn đực trưởng thành lông toàn thân màu đen, hai má màu trắng. Số đàn vượn đen má trắng ngày càng giảm. Chúng sinh sản ít, mỗi năm chỉ một lứa với duy nhất một con nên nguy cơ tuyệt chủng loài này ở mức báo động.