Sáng 27/11, các đại biểu Quốc hội thuộc đơn vị bầu cử số 1 (đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội) tiếp xúc cử tri 3 quận Ba Đình, Hoàn Kiếm và Tây Hồ, nhằm thông báo kết quả kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV.
Do có lịch làm việc của Bộ Chính trị, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng không tham dự buổi tiếp xúc cử tri.
Chống tham nhũng phải thận trọng
Thay mặt tổ đại biểu Quốc hội tiếp thu ý kiến của các cử tri, trung tướng Trần Việt Khoa (Giám đốc Học viện Quốc phòng) chia sẻ về “may mắn” của đoàn đại biểu Quốc hội TP khi có Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ là Ủy viên Bộ Chính trị và ông là Ủy viên Trung ương.
Vì vậy, các ý kiến của cử tri không chỉ được truyền tải ở nghị trường Quốc hội mà còn được nêu ở các cuộc họp của Trung ương, được thông tin đến các lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Đại biểu Trần Việt Khoa cho biết sẽ ghi nhận ý kiến của cử tri và trước mắt sẽ trao đổi ở kỳ họp Trung ương sắp tới, hoặc có thể gửi công văn đến các bộ trưởng để có câu trả lời cho cử tri.
Trung tướng Trần Việt Khoa (Giám đốc Học viện Quốc phòng) khẳng định công tác cán bộ được làm rất chặt chẽ. Ảnh: N. Thắng. |
Liên quan đến vấn đề tham nhũng, trung tướng Trần Việt Khoa khẳng định vừa qua chúng ta làm rất tốt với tinh thần không có vùng cấm, không có ngoại lệ, làm đến trước cả Đại hội.
“Nhưng làm thế nào cũng phải thận trọng, ‘đánh chuột nhưng không để vỡ bình’, nếu đánh chuột vỡ bình thì không giải quyết được gì”, ông Khoa nhấn mạnh.
Trong xây dựng hệ thống pháp luật, tướng Khoa thừa nhận qua 75 năm nhưng hệ thống pháp luật chưa thể hoàn chỉnh vì chúng ta liên tục phải điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với xu thế phát triển của thế giới. Và việc xây dựng luật nhưng sau đó còn bất cập và phải bổ sung là điều đương nhiên.
Ông nhấn mạnh tính cần thiết khi lấy ý kiến nhân dân để luật đi vào cuộc sống, luật chưa đi vào cuộc sống thì phải dừng lại. “Như vừa rồi 2 luật của Bộ Công an chưa được đồng thuận là phải dừng lại”, ông Khoa dẫn chứng.
Về hoạt động giám sát, ông Khoa khẳng định Quốc hội giám sát theo chuyên đề và làm rất kỹ. Theo ông, các tư lệnh ngành, kể cả Thủ tướng, phó thủ tướng trả lời chất vấn trước Quốc hội cũng lo lắm, bởi “trả lời không trúng thì mệt lắm, lại sắp Đại hội đến nơi rồi”.
“Là tư lệnh ngành phải trả lời vào lòng dân, thể hiện đúng đường lối của Đảng và thấy được lòng dân, thật không đơn giản. Tôi là Ủy viên Trung ương, Giám đốc Học viện Quốc phòng cũng thấy khó thật”, ông Khoa chia sẻ.
Nói với những cử tri băn khoăn về công tác cán bộ, ông Khoa khẳng định công tác cán bộ hiện nay làm rất chặt chẽ với quy trình nhiều bước.
“Thậm chí vào đến ‘vòng chung kết’ rồi mà không đủ tiêu chuẩn cũng bị gạt ra. Không chỉ lo làm sao để dân tin, dân bầu, mà còn lo mình có đủ năng lực làm được hay không”, tướng Khoa chia sẻ.
"Ai cũng thích làm cán bộ vì có chức, có quyền..."
Phát biểu ý kiến trước đó, cử tri Nguyễn Thanh Bền (phường Kim Mã) góp ý cần đưa ra nhiều cách làm trong công tác cán bộ để chọn người tài đức thực sự, không để tình trạng cán bộ không gương mẫu. Nhấn mạnh văn hóa từ chức ở Việt Nam còn rất nặng nề, ông Bền cho rằng ai cũng thích làm cán bộ vì có chức, có quyền và có tất cả.
Cử tri Ngô Xuân Điểm (phường Thụy Khuê) thì nhắc đến sai phạm của cựu Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung.
Theo cử tri, ông Chung nguyên là thiếu tướng, Giám đốc Công an Hà Nội nhưng lại phạm tội chủ mưu chiếm đoạt tài liệu mật quốc gia. “Một con người ở vị trí cao như vậy mà có hành động rất nguy hiểm và được đề nghị áp dụng tình tiết giảm nhẹ là không hợp lý”, ông Điểm nêu quan điểm.
Buổi tiếp xúc cử tri của tổ bầu cử số 1 - đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội sáng 27/11. Ảnh: Minh Châu. |
Hay như cựu cán bộ Cục CSĐT Nguyễn Hoàng Trung trong vụ án này đã đánh trộm chìa khóa và 5 lần vào phòng lãnh đạo chụp trộm tài liệu mật, đó là hành vi không thể có yếu tố giảm nhẹ.
Cử tri Hoàng Như Huyên (phường Cửa Nam) ghi nhận chất lượng làm việc của Quốc hội ngày càng tiến bộ. Theo ông, phát biểu của một số đại biểu Quốc hội gây chú ý dư luận nhưng nặng về phê bình tư lệnh ngành thay vì làm tròn bổ phận của đại biểu đóng góp xây dựng pháp luật.
“Chúng tôi cũng áy náy với tư cách của đại biểu Quốc hội khóa này khi hơn 4 năm qua có 9 đại biểu bị miễn nhiệm, bãi nhiệm, thậm chí có đại biểu bị khởi tố hình sự. Điều này cho thấy chất lượng tuyển chọn ứng cử đầu vào còn nhiều kẽ hở”, ông Huyên nêu quan điểm.
Đánh giá cao kết quả tích cực của công tác PCTN khi nhiều vụ án kinh tế lớn được xử lý, thu hồi tài sản cho Nhà nước, ông Huyên còn ghi nhận việc chúng ta đã phát hiện nhiều sâu mọt trong đội ngũ cán bộ, trong đó hàng chục người là lãnh đạo trung ương, bí thư, phó bí thư tỉnh ủy, thành ủy, tướng lĩnh trong các lực lượng công an, quân đội.
“Chính nhóm người này đã làm giảm sút sức chiến đấu của Đảng, làm hao mòn lòng tin của nhân dân với Đảng. Chúng ta vui mừng vì thành công của cuộc chiến PCTN nhưng đau buồn vì tổn thất của lực lượng cán bộ đã được Đảng thử thách, bồi dưỡng, rèn luyện, nhân dân tin tưởng nhưng lại bị sa ngã dưới sự cám dỗ của vật chất”, ông Huyên chia sẻ.
Góp ý cho công tác cán bộ, cử tri cho rằng cần lựa chọn những người có quan điểm chính trị rõ ràng, đặt lợi ích quốc gia lên trên hết.
“Tìm cán bộ phải biết ‘đãi cát tìm vàng’, trước hết phải tìm người có đạo đức, không nên chỉ chú ý bằng cấp mà tạo khe hở cho việc mua bằng để hợp thức hóa hồ sơ, tạo cơ hội cho những kẻ cơ hội, phản bội chui sâu, leo cao”, ông Huyên nêu quan điểm.