Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cán bộ quản lý cấp cao phải có 'lòng yêu nước sâu sắc'

Bộ Nội vụ đề xuất người giữ chức danh quản lý trong các cơ quan hành chính nhà nước phải có tinh thần yêu nước sâu sắc, thông thạo ngoại ngữ...

Cán bộ phải yêu nước sâu sắc, thông thạo ngoại ngữ là một trong những nội dung nổi bật trong dự thảo Nghị định quy định tiêu chuẩn chức danh quản lý của công chức trong các cơ quan hành chính nhà nước của Bộ Nội vụ.

Theo dự thảo, 3 tiêu chuẩn chung cho các chức danh quản lý gồm: có tinh thần yêu nước sâu sắc, tận tụy phục vụ nhân dân, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; chống tham nhũng, có ý thức tổ chức kỷ luật, trung thực, không cơ hội, gắn bó mật thiết với nhân dân, được nhân dân tín nhiệm; có trình độ hiểu biết về lý luận chính trị, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; có trình độ văn hóa, chuyên môn, đủ năng lực và sức khỏe để làm việc có hiệu quả, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao.

Tất cả các chức danh quản lý của công chức trong các cơ quan hành chính nhà nước phải đảm bảo “tốt nghiệp đại học trở lên”. Người giữ chức danh thứ trưởng, tổng cục trưởng, vụ trưởng và giám đốc sở phải đang giữ ngạch chuyên viên cao cấp hoặc các chức danh tương đương trở lên và đã tốt nghiệp các khóa đào tạo, bồi dưỡng chương trình quản lý hành chính nhà nước ngạch chuyên viên cao cấp. Riêng với thứ trưởng, tổng cục trưởng, vụ trưởng thì phải tốt nghiệp các khóa đào tạo, bồi dưỡng chương trình lý luận chính trị cao cấp.

Về trình độ ngoại ngữ, thứ trưởng phải sử dụng ít nhất một ngoại ngữ thông dụng như Anh, Nga, Pháp, Đức, Trung Quốc trình độ cao cấp bậc 6; trình độ cấp bậc 5 trở lên đối với tổng cục trưởng, hoặc sử dụng được tiếng Lào, Campuchia hoặc tiếng dân tộc thiểu số; trình độ trung cấp bậc 4 trở lên đối với vụ trưởng cấp bộ và trình độ trung cấp bậc 3 trở lên đối với giám đốc sở, hoặc một số ngành, lĩnh vực, tỉnh có thể thay ngoại ngữ bằng tiếng Lào, Campuchia hoặc tiếng dân tộc thiểu số...

Nhận định về dự thảo này, đại biểu Trần Minh Diệu (Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội) thắc mắc: “Yêu nước sâu sắc và yêu nước bình thường là như thế nào?"

Theo đại biểu này, trong tiêu chuẩn thứ ba là “có trình độ hiểu biết về lý luận chính trị, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước" và quy định tại tiêu chuẩn đầu tiên “phấn đấu thực hiện có kết quả đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước” chính là những hành động thể hiện tinh thần yêu nước rõ ràng nhất. Do vậy không cần thêm quy định “phải có tinh thần yêu nước sâu sắc”.

 

Người dân bình thường cũng có "lòng yêu nước sâu sắc". Ảnh: Tuấn Mark

Trong khi đó, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ - Thang Văn Phúc cho rằng: "có lòng yêu nước sâu sắc" là phẩm chất đầu tiên của người cán bộ nhưng không nhất thiết phải đưa ra tiêu chuẩn vì đó là điều hiển nhiên. Tuy nhiên, quan trọng là làm sao để lòng yêu nước đó biến thành hành động.

"Nói phải đi đôi với làm. Yêu nước thể hiện ở việc trung thành, tận tụy với công vụ, phục vụ nhân dân, phục vụ nhà nước, đó mới chính là yêu nước", nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ nói.

Theo ông Phúc, nếu nói các cán bộ quản lý cấp cao phải có "lòng yêu nước sâu sắc", còn người dân thì sao?

"Người dân thường cũng yêu nước không riêng gì các cán bộ cao cấp. Làm sao có thể đong đếm được lòng yêu nước đó sâu sắc hay bình thường được? Đưa ra tiêu chuẩn đó là không cần thiết".

Nói về quy định "Thứ trưởng phải có trình độ ngoại ngữ bậc 6 trở lên", nguyên lãnh đạo Bộ Nội vụ cho rằng đây là một yêu cầu khá cao và không khả thi trong bối cảnh hiện nay.

Chia sẻ kinh nghiệm về việc hướng tới cải cách giáo dục môn tiếng Anh, ông Phúc cho biết Việt Nam sẽ phải mất 10 năm để hiện thực hóa yêu cầu này.

“Cách đây 10 năm khi sửa Luật Giáo dục, tôi cũng đã đề nghị phải đưa tiếng Anh vào trong trường đào tạo như ngôn ngữ thứ 2 thì may ra 10 năm sau chúng ta mới có thể có được đội ngũ nói và làm việc được bằng tiếng Anh".

Nếu tiếng Anh là bài học tiền đề cho thành công của các nước ASEAN khi tham gia hội nhập và quan hệ quốc tế, tạo một cơ hội thuận lợi cho việc tiếp cận nền văn minh nhân loại và thương mại thế giới thì Việt Nam lại chưa thực hiện được.

"Việc đặt ra tiêu chuẩn trên là không phù hợp. Hơn nữa, có rất nhiều lĩnh vực, nên nếu đưa ra một tiêu chuẩn nào đó thì cần phải đặt nó trong một lĩnh vực cụ thể”, ông Phúc nhấn mạnh.

Nguyễn Vũ

Bạn có thể quan tâm