Theo chương trình phiên họp thứ 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tuần tới, các đại biểu sẽ cho ý kiến, thảo luận về dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi).
Trước đó (ngày 6/9), tại phiên họp toàn thể thứ 7 của Ủy ban Tư pháp Quốc hội, Phó tổng Thanh tra Chính phủ Đặng Công Huẩn cho biết dự thảo luật đã quy định thành một chương riêng với nhiều quy định mới, nhằm hướng tới việc kiểm soát được tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức và một số người có chức vụ, quyền hạn khác.
Về nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập, dự thảo quy định rõ ràng hơn khi yêu cầu người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập phải kê khai và kê khai bổ sung tài sản, thu nhập của mình, của vợ hoặc chồng và con chưa thành niên.
Về đối tượng kê khai, có sự điều chỉnh lớn theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) đối với tất cả công chức khi được bổ nhiệm vào ngạch; viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý; cán bộ, công chức khi được bầu, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại…
Phiên họp thứ 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi). Ảnh: Quochoi.vn |
Dự thảo lần này đã bỏ quy định về kê khai hàng năm và thay vào đó là kê khai lần đầu và kê khai bổ sung. Kê khai lần đầu được thực hiện với tất cả người có nghĩa vụ kê khai ngay sau khi luật sửa đổi có hiệu lực.
Kê khai bổ sung đối với người đã kê khai lần đầu được dự kiến bầu, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, cử làm đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp; khi có biến động về tài sản hoặc thu nhập có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên.
Theo Thanh tra Chính phủ, dự thảo quy định theo hướng bản kê khai tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai phải được công khai tại cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người đó thường xuyên làm việc.
Bản kê khai tài sản, thu nhập của người dự kiến được bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý tại cơ quan, tổ chức, đơn vị phải được công khai tại cuộc họp lấy phiếu tín nhiệm khi tiến hành quy trình bổ nhiệm...
Dự thảo luật cũng mở rộng căn cứ xác minh tài sản, thu nhập so với quy định hiện hành, bao gồm: Khi có dấu hiệu rõ ràng về việc kê khai không trung thực, không minh bạch hoặc khi có dấu hiệu tăng, giảm bất thường về tài sản, thu nhập, chi tiêu mà không giải trình hợp lý; khi có tố cáo về việc kê khai tài sản, thu nhập...
Ngoài ra, các đại biểu sẽ cho ý kiến về một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật Quy hoạch, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các Tổ chức tín dụng.
Các đại biểu cũng cho ý kiến về các báo cáo công tác của Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng năm 2017 và việc chuẩn bị kỳ họp thứ 4 của Quốc hội khoá XIV. Phiên họp thứ 14 sẽ bế mạc vào chiều 20/9.