Ngày 3/6, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong vừa ký công văn khẩn về thay đổi phương thức làm việc của cơ quan, đơn vị Nhà nước phù hợp trong đợt cao điểm phòng, chống dịch Covid-19.
UBND TP.HCM yêu cầu các cơ quan Nhà nước bố trí không quá 1/2 cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc tại trụ sở. Thủ trưởng các cơ quan sắp xếp cán bộ tùy theo điều kiện, tính chất hoạt động.
Với các đơn vị đặc thù, UBND TP giao thủ trưởng báo cáo nhu cầu bố trí cán bộ công tác tại đơn vị cho Sở Nội vụ ngày 3/6 để trình UBND TP.HCM quyết định. Lãnh đạo đơn vị chịu trách nhiệm nếu người lao động không chấp hành nghiêm quy định chống dịch tại công sở.
Riêng với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc các cơ quan Nhà nước đang cư trú tại quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc, quận 12, được làm việc tại nhà.
Trường hợp công việc có tính chất quan trọng, không thể làm việc tại nhà, UBND TP.HCM yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức, người lao động phải có kết quả âm tính với SARS-CoV-2 mới được rời nơi ở. Thủ trưởng đơn vị bố trí nơi lưu trú tạm thời cho cán bộ ngoài quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc, quận 12.
Các cơ quan, đơn vị Nhà nước có trụ sở tại nơi đang áp dụng Chỉ thị 16 (UBND quận Gò Vấp, UBND các phường trực thuộc, và UBND phường Thạnh Lộc, quận 12) bố trí tối đa không quá 1/3 số lượng cán bộ làm việc tại trụ sở (không bao gồm lực lượng phòng, chống dịch Covid-19). Cán bộ phải thực hiện khai báo y tế khi ra vào nơi đang cách ly xã hội.
UBND TP.HCM yêu cầu các cán bộ Nhà nước làm việc tại nhà trừ trường hợp thật sự cần thiết. Ảnh: Thu Hằng. |
Thành phố yêu cầu lãnh đạo các cơ quan quản lý cán bộ thông qua kết quả công việc, lưu ý không để công việc bị đình trệ, nhất là việc có thời hạn, thời hiệu. Kết quả hoàn thành tiến độ và chất lượng công việc được phân công tại nhà là cơ sở quan trọng để đánh giá, phân loại hiệu quả công việc kể từ quý II/2021 đến khi có thông báo mới.
Đặc biệt, thành phố yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc tại nhà mở điện thoại 24/24h, hoàn thành đúng tiến độ công việc được giao; không ra khỏi nhà nếu không thật sự cần thiết.
Thành phố cũng yêu cầu tạm dừng các đoàn thanh tra, kiểm tra chưa cần thiết. Nếu có, các đơn vị phải hạn chế số lượng người tham gia. Đồng thời, các cơ quan, đơn vị tạm dừng tiếp công dân trực tiếp tại trụ sở.
Việc tiếp nhận, xử lý và trả kết quả hồ sơ thủ tục hành chính sẽ thực hiện theo hình thức trực tuyến và qua dịch vụ bưu chính công ích. Trừ trường hợp đặc biệt, cấp bách thì thông qua dịch vụ bưu chính công ích. Văn phòng UBND TP.HCM có trách nhiệm hướng dẫn danh mục thủ tục hành chính đặc biệt, cấp bách được tiếp nhận trực tiếp.
Đối với các hồ sơ được tiếp nhận trước ngày 3/6, các cơ quan chủ động trả qua dịch vụ bưu chính. Trường hợp cá nhân, tổ chức trực tiếp đến trụ sở nhận kết quả thì cơ quan, đơn vị vẫn thực hiện trả kết quả.
Các công ty, doanh nghiệp, tập đoàn cũng được khuyến khích hạn chế hoạt động trực tiếp, chuyển sang hình thức làm việc trực tuyến, chỉ đến trụ sở khi thật sự cần thiết.
Thời gian áp dụng các biện pháp trên từ ngày 3/6 cho đến khi có thông báo mới.
Lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn tại các chốt kiểm dịch. Ảnh: Phạm Ngôn. |
Trước đó, trong bản tin của Bộ Y tế chiều 2/6, TP.HCM đã ghi nhận 248 bệnh nhân liên quan Hội thánh truyền giáo Phục Hưng. Như vậy, đến sáng 3/6, số bệnh nhân của ổ dịch này là 265 trường hợp. Chuỗi lây nhiễm liên quan quán bánh canh ở hẻm 287 Nguyễn Đình Chiểu, quận 3, có 7 bệnh nhân.
Từ 18h ngày 2/6 đến 6h ngày 3/6, thành phố ghi nhận thêm 18 trường hợp nghi nhiễm nCoV (đang chờ Bộ Y tế công bố).
Từ 0h ngày 31/5, quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc (quận 12) thực hiện Chỉ thị 16; đồng thời, TP.HCM giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 và nâng cao một số biện pháp.