Thông tin này được ông Huỳnh Tấn Phát, Chi cục phó Chi cục Thú y TP HCM đưa ra tại hội thảo An toàn vệ sinh thực phẩm và những vấn đề người tiêu dùng quan tâm, do Viện tâm lý và giáo dục pháp luật phối hợp với Hội Luật gia TP.HCM tổ chức, sáng 25/10.
Ông Phát cho biết, trung bình mỗi năm có khoảng 6-8 vụ cán bộ của chi cục bị hành hung. “Các đối tượng này tìm đến cả trường học của con chúng tôi, theo dõi thói quen sinh hoạt rồi dàn cảnh tấn công trên đường. Đó thực sự là một áp lực rất lớn đối với cán bộ thú y trong quá trình thực thi nhiệm vụ của mình”, ông Phát trăn trở.
Theo vị chi cục phó, từ đầu năm tới nay, chi cục đã tiến hành tịch thu, tiêu hủy hơn 600 tấn thực phẩm bẩn, số vụ có giảm nhưng tang vật thì tăng hơn so với cùng kỳ năm trước 10%.
“Có một cơ sở sản xuất mỡ bẩn ở huyện Bình Chánh đã bị xử lý vi phạm hành chính nhưng sau đó lại đổi tên, tiếp tục hoạt động. Ba bốn lần như vậy, mình biết bản chất là cùng một cơ sở thôi, nhưng không có chế tài nào để coi đây là một tình tiết tăng nặng để xử lý. Mà cũng chỉ xử lý phạt hành chính, phạt hết khung thì thôi, không xử lý hình sự được”, ông Phát cho biết.
Bác sỹ Huỳnh Mai, Chi cục Phó Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm thành phố, thông tin trong 9 tháng đầu năm 2014, trên địa bàn TP xảy ra 4 vụ ngộ độc thực phẩm với 418 người mắc. Số vụ việc có giảm nhưng những vụ việc vi phạm bị phát hiện có tính chất ngày càng nghiêm trọng: cơm sinh viên trộn hóa chất, dùng hàn the chế biến thực phẩm, thịt thối thành đặc sản...
Luật gia Phan Thị Việt Thu, Phó chủ tịch Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP.HCM cho biết: “Tôi vừa dự một hội thảo về an toàn vệ sinh thực phẩm do Viện Hóa học tổ chức, nhiều chuyên gia nói rằng, có những hóa chất được sử dụng để bảo quản thực phẩm Trung Quốc còn chưa có trong danh mục hóa chất của Việt Nam, chúng ta còn chưa định danh được nó là chất gì”.
Bà Thu cũng cho rằng người tiêu dùng là lực lượng đông đảo, nhưng là người yếu thế, bị động.