Để sở hữu một phòng gym, người chủ phải tính đến chi phí dành cho thiết bị, tiền thuê mặt bằng, lương nhân viên, các khoản phí duy trì (điện, nước), chi phí quảng cáo, truyền thông và một số khoản phí phát sinh khác.
Trong đó, chi phí thiết bị và tiền thuê mặt bằng là 2 khoản đầu tư lớn nhất, theo đánh giá của các quản lý phòng gym.
Về thiết bị, chi phí đầu tư phụ thuộc vào chất lượng và xuất xứ. Theo ghi nhận của Zing.vn, thị trường phòng gym Việt Nam chủ yếu là sự góp mặt của các thiết bị từ châu Âu và Trung Quốc, trong đó các hãng châu Âu có mức giá cao hơn.
Ví dụ, một máy chạy bộ thông thường có giá 50-60 triệu đồng, nhưng máy chạy bộ mang thương hiệu Italy có thể lên đến 100-200 triệu đồng. Do đó, một số phòng gym lựa chọn mua thiết bị đã qua sử dụng để tiết kiệm chi phí.
Nhưng dĩ nhiên, chất lượng thiết bị càng cao thì thời gian khấu hao càng dài, tiết kiệm chi phí sửa chữa và thay mới hơn. Anh Lê Nghĩa - chủ một phòng gym ở quận Bình Thạnh - cho biết thiết bị điện như máy chạy bộ thường nhanh hư hơn thiết bị cơ, nên thường sau 2-3 năm phải thay mới.
Do đó, các chủ phòng gym phải chú trọng bảo quản hệ thống máy móc, thiết bị nhằm tiết kiệm chi phí đầu tư và duy trì.
Chi phí thiết bị là một trong những khoản đầu tư lớn nhất ở một phòng gym. |
Ngoài ra, việc lựa chọn mặt bằng và chi trả tiền thuê mặt bằng cũng là một vấn đề lớn.
“Mọi người thường tập gym ở gần nhà hoặc nơi làm việc. Do đó, phòng gym nên được đặt tại các khu dân cư hoặc khu trung tâm văn phòng. Phí thuê mặt bằng ở những nơi này rất cao, nhưng sẽ giúp phòng gym thu hút nhiều khách hàng”, anh Maik Berger, người sáng lập một phòng gym ở quận 1, giải thích.
Khảo sát của Zing.vn cho thấy chi phí đầu tư ban đầu cho một trung tâm quy mô nhỏ (mặt bằng khoảng 200-300 m2) khoảng 500-800 triệu đồng và sẽ lên đến 1-3 tỷ đồng khi quy mô lớn dần và số lượng, chất lượng thiết bị được chú trọng hơn. Đặc biệt, phòng gym của các thương hiệu cao cấp có thể “ngốn” vài chục tỷ đồng.
Nhưng bù lại, các chủ phòng gym cho biết nếu vận hành tốt, lợi nhuận thu về từ mô hình kinh doanh này rất khả quan. Doanh thu phòng gym chủ yếu đến từ phí hội viên. Theo ghi nhận của Zing.vn, chi phí luyện tập thể hình khoảng 500.000-700.000 đồng/tháng ở các phòng gym cơ bản hoặc 1-1,5 triệu đồng/tháng ở trung tâm lớn.
Ngoài ra, các phòng gym cũng cung cấp nhiều dịch vụ khác như huấn luyện viên cá nhân (PT), trang phục và phụ kiện tập hoặc thực phẩm bổ sung. Một số nơi còn cho PT tự do thuê phòng tập và nhận phí hoa hồng.
Theo anh Maik Berger, sau vài năm, các phòng gym đều bắt đầu có lợi nhuận. Lúc đó, họ nên tái đầu tư, bổ sung thêm trang thiết bị chất lượng hoặc mở rộng diện tích, hệ thống phòng tập để đáp ứng nhu cầu của nhiều khách hàng hơn.
Tờ Nikkei nhận định tỷ lệ béo phì ở Việt Nam tăng cao và thực tế thu nhập cải thiện đang mở ra nhiều triển vọng kinh doanh cho các phòng gym. Ngành công nghiệp thể hình ở Việt Nam được dự báo tăng trưởng bình quân 20% mỗi năm, đạt giá trị 113 triệu USD năm 2020, theo Statistics.