Việt Nam sẽ có 30 sân bay vào năm 2030. Ảnh: Chí Hùng |
Mới đây, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã thay mặt Thủ tướng ký quyết định phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, hệ thống cảng hàng không toàn quốc thời kỳ 2021-2030 được quy hoạch theo mô hình trục nan với hai đầu mối chính tại Thủ đô Hà Nội và TP.HCM.
Đến năm 2030, cả nước giữ 14 sân bay quốc tế như hiện nay gồm: Vân Đồn, Cát Bi, Nội Bài, Thọ Xuân, Vinh, Phú Bài, Đà Nẵng, Chu Lai, Cam Ranh, Liên Khương, Long Thành, Tân Sơn Nhất, Cần Thơ và Phú Quốc.
Cùng với đó là 16 sân bay quốc nội gồm: Lai Châu, Điện Biên, Sa Pa, Nà Sản, Đồng Hới, Quảng Trị, Phù Cát, Tuy Hòa, Pleiku, Buôn Mê Thuột, Phan Thiết, Rạch Giá, Cà Mau, Côn Đảo, Thành Sơn và Biên Hòa.
Trong đó, sân bay Thành Sơn và Biên Hòa được quy hoạch để khai thác lưỡng dụng cả quân sự, dân sự. Vì vậy, cả nước sẽ có 16 sân bay quốc nội thay vì 14 như đề xuất trước đó của Bộ Giao thông Vận tải.
Đến năm 2050, Việt Nam sẽ có 33 cảng hàng không. Danh sách 14 cảng hàng không quốc tế không có Cát Bi mà thay vào đó là Cảng HKQT Hải Phòng.
Danh sách cảng hàng không quốc nội bổ sung thêm 3 cảng mới gồm Cát Bi, Cao Bằng và cảng hàng không thứ 2 Vùng Thủ đô.
Đáng chú ý, trước đó UBND TP Hà Nội đã đề nghị Thủ tướng, Bộ Giao thông vận tải quy hoạch sân bay thứ 2 là sân bay quốc tế. Tuy nhiên, theo quy hoạch được phê duyệt, sân bay thứ 2 của Hà Nội vẫn là sân bay quốc nội.
Theo phụ lục của quy hoạch, các sân bay thuộc diện chờ bổ sung quy hoạch khi có điều kiện là 12 vị trí được các địa phương đề xuất quy hoạch sân bay thời gian qua gồm: Hà Giang (xã Tân Quang, huyện Bắc Quang), Yên Bái (sân bay quân sự Yên Bái), Tuyên Quang (xã Năng Khả, huyện Na Hang), Hà Nội (sân bay quân sự Gia Lâm), Bắc Ninh (sân bay chuyên dùng phục vụ an ninh - quốc phòng ở xã Xuân Lai, huyện Gia Bình),
Hà Tĩnh (xã Cẩm Nam, huyện Cẩm Xuyên), Kon Tum (thị trấn Măng Đen), Quảng Ngãi (xã An Hải, huyện Lý Sơn), Bình Thuận (xã Ngũ Phụng, huyện Phú Quý), Khánh Hòa (xã Vạn Thắng, huyện Vạn Ninh), Đắk Nông (xã Quảng Khê, huyện Đắk Glong), Tây Ninh (xã Phước Ninh, huyện Dương Minh Châu).
Nhu cầu vốn đầu tư phát triển hệ thống cảng hàng không đến năm 2030 khoảng 420.000 tỷ đồng, được huy động từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, vốn ngoài ngân sách và các nguồn vốn hợp pháp khác.
Mục tiêu đến năm 2030 tổng sản lượng hành khách qua các cảng khoảng 275 triệu (chiếm 1,5-2% thị phần vận tải giao thông và chiếm 3-4% tổng sản lượng vận tải hành khách liên tỉnh). Tổng sản lượng hàng hóa thông qua các cảng khoảng 4,1 triệu tấn (chiếm 0,05-0,1% thị phần vận tải giao thông).
Ngoài các sân bay, quy hoạch cũng bố trí các trung tâm logistics tại cảng có nhu cầu vận tải lớn hơn 250.000 tấn một năm. Các trung tâm logistics này kết nối giao thông để vận chuyển hàng hóa tại cảng Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Vân Đồn, Cát Bi, Đà Nẵng, Chu Lai, Long Thành, Cần Thơ và một số cảng. Sân bay Chu Lai sẽ hình thành trung tâm logistics trung chuyển hàng hóa quốc tế.
Độc giả có thể tìm thêm nhiều câu chuyện truyền cảm hứng về những gương doanh nhân thành công, kinh nghiệm điều hành doanh nghiệp và những kiến thức mới mẻ thời đại 4.0 ở tuyển tập sách của Zing tại Tủ sách kinh tế