Hồi cuối tháng 4, nữ diễn viên Denny Kwan bị chính phủ cấm đóng phim trong một năm và đối mặt tối hậu thư: hoặc ăn mặc kín đáo hơn, hoặc có nguy cơ chấm dứt sự nghiệp.
Kwan là gương mặt rất quen thuộc với khán giả Campuchia. Cô không ngại đóng những cảnh phim táo bạo và thường xuyên đăng tải những hình ảnh khêu gợi trên mạng xã hội.
Trang Facebook cá nhân của cô thu hút hơn 400.000 người theo dõi. Bộ Văn hóa và Mỹ thuật cho rằng phong cách ăn mặc của nữ diễn viên gợi cảm vi phạm luật về "đức hạnh" và "đạo đức" được ban hành năm 2010.
Không chỉ điện ảnh, cô Kwan còn có thể phải rút khỏi mọi hoạt động trong ngành giải trí nếu "tái phạm". Đây dĩ nhiên không phải lần đầu tiên Campuchia thể hiện sự quyết liệt trong việc bảo vệ những giá trị văn hóa "chuẩn mực".
Hồi năm ngoái, ngôi sao mạng xã hội Campuchia cũng từng bị nhắc nhở do phong cách không phù hợp thuần phong mỹ tục. Ảnh: South China Morning Post. |
Nỗi bất an từ quá khứ
Quốc gia Đông Nam Á đang chứng kiến thời kỳ đổi thay nhanh chóng với sự phổ cập của Internet và các mạng xã hội.
Cuộc thăm dò cuối năm 2015 của Quỹ châu Á và Viện Mở cho thấy một nửa số dân Campuchia sở hữu điện thoại thông minh, so với tỷ lệ 1/5 dân số vào năm 2013.
Cũng theo kết quả thăm dò, Facebook vượt trên cả truyền hình, trở thành nguồn thông tin số 1 của người Campuchia. Điều này được lý giải bởi mạng xã hội lớn nhất thế giới giúp người dân tiếp cận được những thông tin giải trí và hệ tư tưởng từ khắp nơi.
Theo Sorpong Peou, học giả người Canada gốc Campuchia, sự dè dặt đối với văn hoá nước ngoài của Campuchia bắt nguồn từ nỗi bất an mang tính chất lịch sử.
"Các nhà lãnh đạo cấp cao đều xuất thân từ nền tảng truyền thống", ông nói. "Họ cảm thấy rất lo lắng. Việc đón nhận bất kỳ tư tưởng mới nào hoặc bất kỳ khái niệm phương Tây nào cũng đều khiến họ bất an".
Sophal Ear, phó giáo sư ngoại giao và các vấn đề thế giới tại Đại học Occidental, Los Angeles, thành viên ban điều hành Trung tâm Nghiên cứu Khmer, cho rằng giới tinh hoa chính trị Campuchia có thể sử dụng việc kiểm duyệt như một công cụ giúp giành sự ủng hộ từ cử tri truyền thống.
Dân trí không cao, người dân Campuchia dễ bị ảnh hưởng từ các hệ tư tưởng và văn hóa khác nhau. Ảnh: South China Morning Post. |
Trọng nam khinh nữ
Ngoài kiểm duyệt, chính phủ Campuchia còn khuyến khích bộ "Quy tắc cho phái nữ" - còn gọi là Chbab Srey - đòi hỏi phụ nữ phải ngoan lành, lễ phép và có nhiệm vụ mang lại hạnh phúc cho chồng.
Chbab Srey được đưa vào chương trình giáo dục quốc gia và yên vị trong đó cho đến năm 2007, khi Bộ Công tác Phụ nữ yêu cầu phải dỡ bỏ. Tuy nhiên, phiên bản rút gọn của nó vẫn còn trong chương trình học từ lớp 7 đến lớp 9.
Những tư tưởng bảo thủ như trong Chbab Srey ngày càng bị phản đối, không chỉ bởi các tổ chức phi chính phủ và những người ở hải ngoại, mà còn từ chính các nghệ sĩ và nhà tư tưởng Campuchia.
Truyện ngắn "Nước mắt người con gái" của nhà văn Campuchia Kao Sokchea, xuất bản trong Tuyển tập văn học hiện đại Campuchia năm 2016, kể câu chuyện một phụ nữ trẻ vừa tốt nghiệp đại học phải trở về quê bởi cha mẹ cô đã định trước một cuộc hôn nhân sắp đặt.
Giống như nhiều trường hợp khác ở Campuchia, sự bất hòa hợp về văn hóa hiển hiện rất rõ trong câu chuyện, giữa người phụ nữ trẻ có kế hoạch xây dựng sự nghiệp ở thủ đô Phnom Penh và cha mẹ cô, những người tin rằng để cô gái "học hành quá nhiều" là không hợp lý, và rằng điều cần thiết cho cô là lập gia đình.
"Tôi rất thất vọng vì những gì mẹ nói", Sokchea viết trong truyện ngắn. "Tôi trả lời bà: 'Mẹ, thế hệ này không giống thế hệ của bố mẹ khi phụ nữ không cần phải học hành gì mà chỉ ngồi chờ chồng nuôi! Ở thế hệ này một cô gái có thể làm bất cứ điều gì đàn ông làm'".
"Tôi không muốn lập gia đình; tôi muốn học. Tôi muốn theo đuổi ước mơ của mình", Sokchea viết thay lời nhân vật.
Cô gái trẻ người Campuchia dùng smartphone trong quán cà phê ở Phnom Penh. Việc phụ nữ Campuchia học hành và gây dựng sự nghiệp vẫn còn khiến một bộ phận xã hội khó lòng chấp nhận. Ảnh: Southeast Asia Globe. |
'Bảo vệ dân tộc'
Dẫu vậy, dù bất mãn với các quy chuẩn truyền thống ngày càng lớn, chính phủ Campuchia dường như vẫn tin rằng họ đang bảo vệ dân tộc dễ bị ảnh hưởng này thông qua kiểm duyệt.
"Campuchia là một nước đang phát triển, hệ thống giáo dục ở đây vẫn đang dần hoàn thiện", Pok Borak, quyền giám đốc Cục điện ảnh và truyền bá văn hóa thuộc Bộ Văn hóa và Mỹ thuật Campuchia, giải thích. "Xã hội Campuchia không có quá nhiều người có học".
"Một số người vẫn không hiểu... khi nhập về những bộ phim với nội dung bạo lực, khiêu dâm, họ sẽ học theo bởi họ thiếu sự giáo dục".
Theo Borak, việc kiểm duyệt các nội dung văn hóa và truyền thông là trách nhiệm của chính phủ. "Những gì chính phủ đang làm là chăm sóc người dân", ông khẳng định.