Bài viết là quan điểm cá nhân của biên tập viên Martin Filipov, Phonearena về công nghệ xử lý trên camera di động.
Cách các thương hiệu smartphone phát triển thuật toán camera đi ngược với sự chân thực phải có của nhiếp ảnh. “Định nghĩa nhiếp ảnh từ thời ông bà, bố mẹ ta từng biết, đang chết dần”, ông Filipov nhận định.
20 năm trước, nhiệm vụ của bức ảnh là để ghi lại một cách chân thực khoảnh khắc quan trọng trong đời người. Hiện tại, chúng ta đang sống trong thế giới khác. Ở những năm thập niên 1980, không phải ai cũng có một chiếc máy ảnh cá nhân. Hiện tại, điện thoại tạo cơ hội để mọi người dễ dàng tiếp cận với nó.
Thời kỳ của những bộ lọc
Tuy nhiên, trong năm 2022, người ta nhắc về việc làm cho công nghệ camera “tốt hơn nữa” thay vì tính chân thực của bức hình. Ngày nay, những bức ảnh thành phẩm dường như đi xa thực tế và hướng đến tính thú vị. “Em bé của bạn cũng có thể có tai thỏ hay cầu vồng quanh đầu”, Martin Filipov chia sẻ.
Mạng xã hội khiến những bộ lọc màu sặc sỡ xuất hiện trên ứng dụng camera điện thoại. Ảnh: Phonearena. |
Không chỉ vài bộ lọc Snapchat, “nhiếp ảnh điện toán” còn là một phần không thể thiếu trong ứng dụng camera điện thoại. Nó giống như một loại “bộ lọc ẩn”, giúp ảnh chụp từ smartphone ở trạng thái “sẵn sàng chia sẻ lên mạng xã hội”.
Các nền tảng chia sẻ ảnh trực tuyến đóng vai trò quan trọng trong cách công nghệ camera di động phát triển. Năm 2010, The Gram nổi lên như một mạng xã hội chia sẻ hình ảnh được giới trẻ ưa chuộng. Cộng đồng này khuyến khích việc áp dụng những bộ lọc màu với màu sắc sặc sỡ hơn. Apple và các thương hiệu Android nhanh chóng nhảy vào cuộc sau đó.
Một ví dụ khác, Instagram là một phần lý do khiến Apple cảm thấy cần trang bị chế độ chụp ảnh vuông vào năm 2013, cho iPhone 5s. Tính năng này trở thành một phần không thể thiếu của app chụp ảnh trên iPhone đến nay. Đây cũng là giai đoạn iOS và Android thêm nhiều bộ lọc vào giao diện chụp ảnh gốc. “Cơn sốt với ứng dụng Instagram chứng tỏ người dùng rất thích bộ lọc màu”, Martin Filipov nhận định.
Kỷ nguyên nhiếp ảnh thuật toán
Sau giai đoạn với những bộ lọc, nhiếp ảnh điện thoại tới thời kỳ thuật toán, cùng những công nghệ tinh vi hơn. Phonearena cho rằng tính năng HDR+ trên mẫu Nexus 6P từ Google đã mở ra trào lưu này.
Công nghệ nêu trên xử lý hình ảnh nâng cao bằng cảnh chụp nhiều bức ảnh và ghép chúng lại với nhau để giữ lại chi tiết ở cả vùng sáng và tối. Điều này giúp xử lý ảnh thiếu sáng, ngược sáng tốt hơn đáng kể ở giai đoạn 2014-2015, khi những bức ảnh đêm còn rất tệ.
Nexus 6P là thiết bị tiên phong cho trào lưu nhiếp ảnh thuật toán. Ảnh: Supersaf. |
HDR+ đã biến Nexus 6P trở thành một trong những mẫu máy chụp ảnh tốt nhất thời gian đó. Sản phẩm của Google tạo ra sự hứng thú với những người yêu thích nhiếp ảnh và công nghệ.
Tuy nhiên, khi công nghệ tiến về phía trước, các hãng chọn cách phụ thuộc nhiều vào HDR. Trong khi đó, yếu tố nghệ thuật của nhiếp ảnh cổ điển được thể hiện qua sự tương phản, chênh lệch giữa vùng sáng và tối. Yếu tố này đang dần biến mất trên iPhone 13 Pro Max hay Pixel 6 XL.
Martin Filipov đã chụp một số bức ảnh ở chế độ tự động của iPhone 13 Pro Max. Sau đó, ông chỉnh sửa chúng sao cho có cái nhìn đúng nhất với thực tế. Kết quả cho ra là mẫu iPhone đắt tiền của Apple thường xuyên có bức ảnh sáng hơn. Ngoài ra, khoảng tương phản giữa vùng sáng và tối cũng không còn rõ ràng. Filipov gọi tình trạng này là “ảnh quá phẳng”.
Ảnh chụp từ iPhone 13 Pro Max (trái), sáng và tương phản kém hơn so với thực tế (phải). Ảnh: Phonearena. |
Tuy nhiên, bỏ qua yếu tố về tính thực tế, biên tập viên của Phonearena cho rằng đa số người dùng sẽ thích những bức ảnh gốc từ camera iPhone hơn. Điều này cũng đúng với các máy điện thoại cao cấp của Google, Samsung hay những thương hiệu khác.
Các công ty di động đạt được sự phát triển đáng kể với công nghệ camera cùng 3 yếu tố, cảm biến, tốc độ chụp và vi xử lý hình ảnh. Tuy nhiên, có thể họ đang không biết điểm dừng. Trong sự đi lên này, hầu hết thương hiệu đang lạm dụng sức mạnh của công nghệ xử lý.
“Ảnh chụp, video từ iPhone 13 hay những điện thoại khác thường quá sáng, quá nét, quá phẳng và thứ cuối cùng còn lại là sự vô hồn”, Martin Filipov chia sẻ quan điểm.
Những tia hy vọng
Giữa giai đoạn của những chiếc camera phone dư sáng và thiếu cảm xúc, Sony và Xiaomi là hai thương hiệu đưa nhiếp ảnh di động về với sự cổ điển.
Phonearena đánh giá cao Sony với phần cứng và khả năng xử lý đầy kinh nghiệm. Mặt khác, công ty Nhật Bản vẫn nói không với chế độ chụp đêm trên chiếc flagship của mình. Ngoài ra, Xperia 1 IV có một ống kính thu phóng quang học thật sự.
Xiaomi, cùng model 12S Ultra có cảm biến 1 inch kết hợp cùng Leica. Công ty chọn cách xử lý giữ lại phần tối cho bức ảnh thay vì tăng sáng quá mức và dựa dẫm vào thuật toán. Điều này giúp bức ảnh thành phẩm có chiều sâu và chi tiết tự nhiên hơn.
Biên tập viên từ Phonearena kêu gọi những nhà sản xuất khác xem xét việc đưa trở lại cách xử lý thiên về chân thực cho máy ảnh của mình. Với người dùng cần bức ảnh sáng và bão hòa cao, hãy cung cấp cho họ bộ lọc riêng.