Các nhà bảo tồn Nga đã phát hiện một con báo Amur mẹ với ba con báo con ở vùng xa xôi phía đông Primorye. Sự phát hiện hiếm hoi này được cho là kỳ tích cho những nỗ lực của nước này trong việc bảo vệ số lượng các loài động vật đang bị đe dọa.
Các nhà khoa học tại một công viên quốc gia của Nga ở Primorye, giáp biên giới với Trung Quốc, đã đặt camera giấu kín từ xa và thu được những hình ảnh về một gia đình báo Amur quý hiếm. Đoạn video quay cảnh chúng đứng trên đỉnh đồi trong Công viên Quốc gia Land of the Leopard.
Hình ảnh từ đoạn phim quay được con báo mẹ Amur với ba báo con trong Công viên Quốc gia Land of the Leopard. Ảnh: Getty Images. |
Trong video, con báo mẹ được đặt tên là Leo 117F, phát hiện ra một con vật bí ẩn và rời khỏi vị trí, có vẻ như nó đang tiến lại gần mục tiêu. Một lúc sau, đàn con của Leo 117F cũng phát hiện ra con vật đó và bắt đầu chăm chú theo dõi sự tương tác của mẹ chúng với “kẻ xâm nhập”. Không con nào tỏ ra sợ hãi.
Ivan Rakov, đại diện của vườn quốc gia, cho biết đây là lần đầu tiên họ quay được Leo 117F, khoảng 4 tuổi với đàn con của mình. “Chúng tôi phát hiện báo mẹ đang nuôi con. Đây là lứa đầu tiên của nó”, Rakov nói. Anh cho biết việc nuôi ba con báo con cùng một lúc ở rừng Taiga của Nga từng không quá kỳ công và đòi hỏi "nhiều không gian và nhiều thức ăn".
Báo hoa mai Amur được coi là loài mèo hiếm nhất trên thế giới. Chúng có thể trèo cây và có bộ lông đốm độc đáo, giống như dấu vân tay của con người.
Rakov cho biết việc đặt máy quay để chống lại những kẻ săn trộm. họ đã tiến hành nhiều hoạt động khác gần đây nhằm tăng cường số lượng cá thể của các loài bị đe dọa, và kết quả khá tích cực.
Trong 20 năm qua, số lượng báo hoa mai Amur ở Nga đã tăng lên khoảng từ 35 cá thể lên 100 cá thể. Quần thể mèo lớn về cơ bản đã trở về "từ cõi chết". Đó là một bằng chứng nữa cho thấy các biện pháp mà chính phủ Nga thực hiện để bảo tồn loài mèo lớn quý hiếm nhất thế giới đang phát huy tác dụng.
Rakov cũng cho biết có khoảng 40 con báo có "hai quốc tịch" và tự do lang thang giữa Nga và Trung Quốc.
Alexei Kostyrya, điều phối viên dự án các loài quý hiếm tại WWF chi nhánh Amur của Nga cho biết: “Đó là một thành công lớn đối với Nga, cho thấy những nỗ lực bảo tồn chung của nước này với Trung Quốc".