Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cấm xe có thùng khủng ra đường

Chính do không có quy định kích thước thùng hàng nên mới dẫn đến thực tế có xe 14 tấn nhưng chở đến 60 tấn hàng như thời gian qua.

Bộ GTVT đang lấy ý kiến về quy định kích cỡ thùng xe chở hàng và xem đây là một trong nhóm các giải pháp kiểm soát tình trạng xe chở hàng quá tải.

Thùng xe “khủng” nhan nhản

Sau khi phát hiện hàng loạt xe chở hàng quá tải cơi nới thùng xe, Bộ GTVT yêu cầu các chủ đầu tư phải lập danh sách xe chở hàng ở các công trình, đồng thời buộc chủ xe cam kết không sử dụng xe có thùng “khủng”. Các nhà thầu nếu để xe có thùng “khủng” chở vật liệu xây dựng cho dự án sẽ bị tạm đình chỉ hoạt động cho đến khi có phương án dùng xe đúng chuẩn…

Ông Trần Kỳ Hình, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, nhìn nhận: “Thời gian qua ngành đăng kiểm chưa chú trọng kiểm soát thùng xe chở hàng, trong khi các nhà sản xuất, lắp ráp chiều lòng khách hàng nên gắn thùng hàng quá tải vào xe. Thực tế này dẫn đến có hàng trăm xe tải qua kiểm tra thùng hàng đều vi phạm các quy định, quy chuẩn quốc tế. Nhiều trường hợp còn biến cả mui xe thành một phần của thùng để chở thêm hàng, thậm chí khung mui cũng biến tướng để phục vụ vào mục đích này”.

Để khắc phục, Bộ GTVT vừa đưa ra dự thảo thông tư quy định kích cỡ thùng xe chở hàng để thay thế Thông tư 32/2012. Theo ông Hình, dự thảo đề xuất bổ sung đối với cả nhóm xe tải dưới 10 tấn, nhóm xe tải tự kéo, đẩy, nâng hạ thùng xe; đồng thời quy định kích thước giới hạn và kết cấu thùng của xe tải thùng hở, thùng có mui phủ, thùng kín… Việc bổ sung này nhằm giúp kiểm soát tải trọng và sẽ được thực hiện đồng loạt, không phân biệt loại xe nào.

Nhiều nhóm xe tải chở hàng được đề nghị phải có thùng xe theo chuẩn nhằm kiểm soát tải trọng. Trong ảnh: CSGT TP.HCM cân, kiểm tra xe quá tải.
Nhiều nhóm xe tải chở hàng được đề nghị phải có thùng xe theo chuẩn nhằm kiểm soát tải trọng. Trong ảnh: CSGT TP.HCM cân, kiểm tra xe quá tải.

“Không chỉ xe tải nặng mà cả xe dưới 10 tấn cũng chở quá tải gây mất an toàn cho chính chiếc xe đó và người đi đường. Mặt khác, đường sá ở Việt Nam có khả năng chịu tải khác nhau, chẳng hạn đường liên huyện, liên tỉnh chịu tải thấp hơn đường quốc lộ nên xe dưới 10 tấn nếu quá tải cũng đủ sức phá đường, làm hỏng cầu” - ông Hình lý giải.

Bảo vệ cầu, đường và tạo công bằng

Theo một số đơn vị vận tải, mỗi loại hàng hóa có những trọng lượng riêng khác nhau nên việc đưa ra khổ chung về thùng xe là cứng nhắc. Điều quan trọng là chiếc xe đó có chở hàng đúng tải trọng hay không và việc kiểm tra, xử lý xe quá tải được thực hiện ra sao.

Bà Lã Thị Thanh Phương, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Kỹ thuật và Ô tô Trường Long, cho rằng đặc thù của vận tải Việt Nam là chuyên chở nhiều loại hàng hóa khác nhau. Điều này sẽ giúp giá thành vận tải có sức cạnh tranh. Do vậy, nếu thiết kế đặc thù cho từng chủng loại hàng hóa riêng biệt sẽ dẫn đến mất tính linh động, làm giá thành vận tải tăng cao.

Ông Hình đồng tình nhưng cho rằng chỉ những thùng xe to mới xếp nổi lượng hàng quá tải gấp nhiều lần cho phép. Chính do không có quy định kích thước thùng hàng nên mới dẫn đến thực tế có xe 14 tấn nhưng chở đến 60 tấn hàng như thời gian qua. Để kiểm soát tải trọng, cần phải thực hiện cùng lúc nhiều giải pháp, trong đó việc đảm bảo kích thước thùng hàng ở khâu sản xuất, lắp ráp ban đầu là rất quan trọng.

“Nhiều đơn vị vận tải sẵn sàng chở đúng tải trọng song lại đang lo ngại bị cạnh tranh không lành mạnh bởi các xe chở quá tải vẫn tồn tại. Do vậy, việc quản lý kích thước thùng xe để góp phần ngăn chặn chở quá tải mà còn góp phần tạo công bằng trong cạnh tranh vận tải” - ông Hình nói.

http://plo.vn/do-thi/cam-xe-co-thung-khung-ra-duong-477401.html

Theo Minh Phong/Pháp Luật TP.HCM

Bạn có thể quan tâm