Gần 1 tháng nay, người trồng cam đặc sản ở Nghệ An đứng ngồi không yên khi hàng nghìn ha cam đặc sản đã vào vụ thu hoạch, song giá rớt thảm, lại không có người mua.
Chị Trương Thị Vân ở xã Tam Hợp, huyện Quỳ Hợp, cho biết gia đình có 1 ha cam với khoảng 600 gốc. Giống cam được trồng chủ yếu là Vân Du, cam Mát nên chín sớm, dùng vắt nước uống. Tuy nhiên, dịch bệnh khiến hàng quán đóng cửa, việc thu mua cũng vì thế bị tạm ngừng.
Bà Dung lo lắng vì cam rớt giá và rụng bất thường. Ảnh: H.D. |
“Các năm trước, thương lái khắp nơi đổ về mua cam với giá 12.000-15.000 đồng/kg. Thế nhưng, năm nay giá cam giảm còn 3.000-5.000 đồng/kg nhưng không có người mua. Cam đến vụ nếu không bán được, gặp mưa sẽ rụng, hư hỏng”, chị Vân lo lắng.
Cũng như chị Vân, bà Nguyễn Thị Dung trú xã Minh Hợp, cho biết gia đình thuê 1,5 ha đất nông trường để trồng cam. Dù đến vụ thu hoạch, song bà vẫn chưa bán được kg nào. Gần 10 năm gắn bó với nghề trồng cam, người phụ nữ này cho biết chưa bao giờ gặp cảnh trớ trêu như năm nay.
“Cam đã không bán được, cứ gặp mưa lại rụng, hư hỏng. Lo cây bệnh lan ra các vườn khác nên phải chặt bỏ để phục hồi lại”, bà nói.
Người trồng cam ở huyện Quỳ Hợp cho hay ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã khiến các đại lý tiêu thụ ở TP Vinh, Hà Nội, Đà Nẵng... không đặt hàng. Họ lo không thể gỡ vốn trong vụ cam này.
Trao đổi với Zing, bà Đinh Thị Kim Châu, Chủ tịch UBND xã Minh Hợp, cho biết xã là vùng trồng cam chủ lực của huyện Qùy Hợp.
“Toàn xã có hơn 1.700 ha cam nhưng nhiều diện tích bị sâu bệnh nên người dân chặt bỏ, nay chỉ còn khoảng 700 ha. Cây cam là nguồn thu chính, song với tình hình dịch bệnh, giá cam giảm như hiện nay đã gây khó cho người dân”, bà Châu nói.
Huyện Quỳ Hợp là một trong những vùng trồng cam lớn nhất Nghệ An. Ảnh: H.D. |
Không chỉ ở huyện Quỳ Hợp, người trồng cam ở các huyện Nghĩa Đàn, Tân Kỳ, Yên Thành, Nghi Lộc… cũng rơi vào tình trạng tương tự.
Ông Phan Cao Dương, Chủ tịch UBND xã Nghi Diên (huyện Nghi Lộc), cho biết địa phương nổi tiếng với giống cam Xã Đoài. Hơn 10.000 gốc cam của khoảng 40 hộ dân trong xã năm nay cho sản lượng qủa cao hơn các năm. Tuy nhiên, dịch bệnh khiến giá cam giảm sâu.
“Các năm trước, giá cam cao nhất ở mức 70.000-100.000 đồng/quả nhưng năm nay chỉ đạt khoảng 50.000 đồng mỗi quả. Người dân đang chăm sóc cam để chuẩn bị cho vụ Tết mong thị trường sẽ biến động hơn”, ông Dương nói.
Nhiều diện tích cam rụng, thoái hóa nên người dân đã chặt bỏ bớt. Ảnh: H.D. |
Ông Nguyễn Duy Hưng, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Quỳ Hợp, cho biết ngoài việc giá cam xuống thấp, người trồng cam còn đối diện tình trạng cam rụng.
“Cam rụng do thoái hóa giống và đặc biệt là loại nấm bệnh Greening hiện vẫn chưa có thuốc chữa. Huyện đã mời các chuyên gia, nhà khoa học về địa phương tập huấn cách phòng trừ sâu bệnh, quy trình chăm sóc cho người trồng cam”, ông Hưng nói.
Nghệ An hiện có khoảng 5.300 ha cam, trong đó có gần 3.500 ha cho thu hoạch, chủ yếu ở các huyện Qùy Hợp, Yên Thành, Con Cuông, Nghĩa Đàn, Tân Kỳ, Nghi Lộc.
Năm 2007, cam Vinh được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý với quy mô 12 xã thuộc 5 huyện. Đến năm 2019, chỉ dẫn địa lý cam Vinh mở rộng lên 73 xã thuộc 11 huyện của Nghệ An.