Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cảm nhận khi sống trong hang 40 ngày không có điện thoại, Internet

Một nhóm gồm 15 người biến thành người tối cổ sau 40 ngày sống trong hang động tăm tối, không có khái niệm về thời gian.

Là một phần trong thí nghiệm "Deep Time" (Tạm dịch: Thời gian sâu), một nhóm gồm 8 người đàn ông và 7 người phụ nữ chuyển đến sống ở hang Lombrives nằm ở phía tây nam nước Pháp. Họ không được sử dụng điện thoại, đồng hồ và ánh sáng mặt trời để đảm bảo không còn khái niệm về thời gian trong suốt thời gian thí nghiệm.

Theo Mashable, cuộc thí nghiệm này do Viện nghiên cứu Sự thích nghi của Nhân loại tiến hành với mức chi phí 1,4 triệu USD. Mục đích của việc làm này nhằm kiểm tra giới hạn một người có thể thích nghi với sự cô lập. Thí nghiệm kết thúc vào ngày 24/4 vừa qua.

40 ngay song trong hang anh 1
Nhóm đối tượng tham gia thí nghiệm không thể kết nối với thế giới bên ngoài, không có điện thoại và điện trong suốt hơn một tháng. Ảnh: NZ Herald.

Suốt thời gian ở trong hang, các tình nguyện viên bắt buộc ngủ trong lều và dẫn nước từ một cái giếng nằm ở vị trí 146 m dưới mặt đất. Họ tự tạo ra điện bằng pedal xe đạp gắn với một nguồn điện. Ở trong hang, cả nhóm phải thích nghi với nhiệt độ trung bình 10 độ C và độ ẩm 100%.

Để theo dõi các chỉ số và hành vi của tình nguyện viên, các nhà khoa học Pháp và Thụy Sĩ đã yêu cầu các thành viên sử dụng cảm biến để theo dõi các chỉ số như chu kỳ giấc ngủ và hành vi xã hội.

Cảm biến theo dõi có dạng hình viên thuốc. Khi uống vào, cảm biến sẽ đo nhiệt độ cơ thể của từng người và truyền thông tin về máy tính cho đến khi viên thuốc được thải ra ngoài thông qua đường hậu môn.

Toàn bộ mục tiêu đề ra nhằm kiểm tra khả năng thích nghi trong điều kiện bị cô lập, nhóm tình nguyện viên phải tự dựa vào đồng hồ sinh học để biết khi nào cần thực hiện các chức năng hàng ngày của cơ thể như ăn, ngủ, luyện tập và làm việc.

Ngoài ra, nhóm đối tượng tham gia thí nghiệm không thể kết nối với thế giới bên ngoài, không có điện thoại và điện trong suốt hơn một tháng.

Với tình trạng như vậy, nhóm cuối cùng đã mất hết ý thức về thời gian dù cố gắng đếm từng ngày thông qua chu kỳ giấc ngủ.

40 ngay song trong hang anh 2

Tất cả các tình nguyện viên đều phải đeo kính đặc biệt để bảo vệ mắt sau khoảng thời gian sống trong bóng tối quá lâu. Ảnh: Business Insider.

Kết thúc thí nghiệm, nhiều tình nguyện viên không biết họ đã ở lại trong hang bao lâu. Một số người cho rằng họ chỉ mới ở trong hang khoảng 23 ngày.

Cả nhóm ra khỏi hang vào ngày 24/4, tất cả đều phải đeo kính đặc biệt để bảo vệ mắt sau khoảng thời gian sống trong bóng tối quá lâu và nhận được một tràng pháo tay cổ vũ từ những người thân, các nhà nghiên cứu đang chờ họ bên ngoài.

Kể lại những trải nghiệm cá nhân, một số thành viên trong nhóm tham gia thí nghiệm tiết lộ các hoạt động luyện tập giúp duy trì sức khỏe khi còn ở trong hang.

John Francois, một giáo viên dạy toán và huấn luyện viên chèo thuyền, cho biết anh đã chạy 10.000 m quanh hang để duy trì sức khỏe dù thỉnh thoảng anh khao khát có thể thoát ra khỏi hang.

Anh nói rằng đây là trải nghiệm đặc biệt đối với anh vì nhiệm vụ duy nhất của cả nhóm khi ấy là sống và tận hưởng hiện tại mà không lo lắng về tương lai.

Đạo diễn dự án là Christian Clot cũng tham gia vào nhóm thí nghiệm sống trong hang động. Anh cho biết đây là một trải nghiệm thú vị khi một nhóm người cùng nhau hoàn thành các nhiệm vụ và mục tiêu mà không có bất kỳ ý thức nào về thời gian. Không có cách nào để biết mấy giờ, họ phải tìm phương pháp khác để lên lịch họp nhóm và kế hoạch thực hiện nhiệm vụ.

Nhiều tình nguyện viên thừa nhận rằng họ đã tận hưởng khoảng thời gian ở trong hang. Khoảng 2/3 trong số họ nói rằng muốn ở trong hang lâu thêm chút nữa để hoàn thành một số dự án họ đã bắt đầu khi sống trong hang.

"Tương lai của nhân loại trên hành tinh này sẽ tiến hóa. Chúng ta phải học để hiểu rõ hơn cách bộ não có thể tìm ra các giải pháp trong bất kỳ tình huống nào", Clot cho biết sau khi hoàn thành thử thách 40 ngày.

Tác hại của việc cắm mặt vào điện thoại khi đi bộ

Thí nghiệm của các nhà nghiên cứu Nhật Bản đã chỉ ra những người đi bộ sử dụng điện thoại thường đi chậm hơn và ảnh hưởng đến những người đi sau.

Bạn có thể quan tâm