Là một người mê công nghệ, tôi hiểu cảm giác “thèm muốn” khi một thiết bị mới được giới thiệu, và những gì được trình diễn trên sân khấu. Smartphone rõ ràng là ngành nhiều đột phá vài năm qua, nhưng tôi cũng phải thừa nhận rằng cảm giác muốn "lên đời" điện thoại ngày càng vơi đi.
Theo tôi, công nghệ trên smartphone hiện nay đã đủ tốt, những tính năng mới ít khi tạo đột phá. Ngoài ra, thiết kế của những dòng smartphone mới cũng hay bị đi vào lối mòn, nên nhiều khi nhìn vào điện thoại mới, tôi chẳng thấy nó khác gì nhiều.
Đối với dòng Galaxy S cũng vậy. Lần gần nhất tôi cảm thấy thực sự muốn nâng cấp điện thoại là khi Samsung ra Galaxy S8 vào năm 2017, với màn hình vô cực, viền mỏng tạo cảm giác khác biệt hẳn so với S7. Năm ngoái, S9 có nhiều nâng cấp về mặt tính năng, nhưng vẫn khó thuyết phục tôi đổi điện thoại. Thực tế, xét doanh số trên toàn cầu thì Galaxy S9 cũng không được thành công như thế hệ trước.
Galaxy S10 thì khác. Đây không hẳn là một thiết bị khác biệt và mới lạ hoàn toàn, nhưng những gì nó có đủ để khiến tôi tò mò và muốn trải nghiệm trực tiếp.
Màn hình vô cực ‘đáng yêu’ hơn tôi tưởng
Đặc trưng trong thiết kế của Galaxy S10 Plus chắc chắn là cụm camera trước được đặt bên trong màn hình. Mục đích của thiết kế này là giúp cho màn hình tràn ra tới tận sát mép điện thoại, trong khi không phải “hi sinh” cụm camera theo những cách như khoét tai thỏ hoặc sử dụng cơ chế thò thụt.
Màn hình vô cực Infinity-O của Galaxy S10+ có chất lượng tốt, và cụm camera không can thiệp vào nội dung hiển thị quá nhiều như tôi tưởng. |
Kiểu thiết kế này thực sự đã gần chạm tới mục đích cuối cùng mà các hãng smartphone đều đang theo đuổi: một chiếc điện thoại “toàn màn hình”, tối giản nhất. Mở màn hình lên, cảm giác các hình ảnh đều tràn ngập, đập thẳng vào mắt. Thiết kế các viền cong càng làm tăng cảm giác này.
Rõ ràng là sau 1 thập kỷ của những chiếc điện thoại Galaxy, Samsung biết người dùng của họ muốn gì và trông chờ điều gì.
Biên tập viên Dan Seifert, The Verge.
Đó là trước khi tôi nhìn vào góc và bắt gặp cụm camera trước. Một nốt đen luôn xuất hiện trên màn hình ban đầu làm tôi hơi tụt cảm xúc.
Nhưng rồi qua thời gian sử dụng, cảm giác này cũng dần trở thành quen thuộc, tôi cảm thấy dễ chấp nhận cụm camera trước hơn. Dù sao thì vị trí ở góc cũng không làm ảnh hưởng nhiều đến các nội dung hiển thị.
Khi đã quen rồi, cụm camera này đôi khi còn trở nên… đáng yêu. Nhiều người dùng trên mạng đã lập ra hẳn một cộng đồng chuyên tạo ảnh nền cho Galaxy S10 và S10 Plus. Những hình ảnh của Wall-E, Baymax tận dụng cụm camera trên 2 chiếc điện thoại này thực sự rất thú vị, tạo nên nét riêng của một dòng sản phẩm.
Trong một số trường hợp, cụm camera sẽ che mất hình ảnh như trong game hay xem YouTube, nhưng điều đó không ảnh hưởng nhiều. |
Nói về chất lượng màn hình, những chiếc điện thoại cao cấp của Samsung từ trước đến nay không làm tôi thất vọng. Dù vậy, mỗi năm hãng đều làm màn hình đẹp hơn so với thế hệ trước. Galaxy S10 cũng không phải ngoại lệ.
Samsung cho biết Galaxy S10 là điện thoại đầu tiên sử dụng công nghệ hiển thị Dynamic AMOLED, và kết quả thực tế là màn hình điện thoại rất sáng, màu sắc rực rỡ và trong trẻo, góc nhìn rộng. Sự khác biệt có thể không quá lớn, nhưng Galaxy S10 rõ ràng hiển thị đẹp hơn thế hệ trước. Màn hình là thứ một người tương tác nhiều nhất trên smartphone, do vậy màn hình đẹp luôn là điểm cộng rất lớn đối với tôi.
Ngoại trừ màn hình tràn viền, thiết kế của S10 Plus vẫn giữ phong cách như các thế hệ Galaxy S gần đây, nhưng có tinh chỉnh một chút. Độ cong của màn hình ít hơn làm giảm độ sắc của viền, giúp cảm giác cầm êm hơn, giảm số lần tôi nhỡ tay tì vào viền cong. Khả năng chống nước cũng giúp tôi “tự tin” hơn hẳn để dùng máy khi trời mưa nhẹ, hay khi đi dã ngoại.
Cảm biến vân tay siêu âm chưa thuyết phục
Ngoại trừ màn hình đục lỗ thì cảm biến vân tay siêu âm cũng là một công nghệ rất độc đáo trên Galaxy S10. Cảm biến vân tay đặt dưới màn hình thì nhiều máy đã có, nhưng sử dụng công nghệ siêu âm thì S10 mới là chiếc đầu tiên.
Thay vì phải tốn diện tích cho một cảm biến đặt dưới màn hình (như từ S7 trở về trước) hay phía sau máy (S8 và S9), cảm biến vân tay đặt dưới màn hình của S10 giúp chúng ta vừa có thiết kế viền siêu mỏng, lại vừa có phương thức bảo mật quen thuộc. Đáng tiếc là mọi chuyện không được hoàn hảo như vậy.
Tốc độ nhận vân tay trên màn hình S10 dù nhanh, nhưng chưa đạt được tốc độ như cảm biến vân tay "truyền thống", ví dụ như trên chiếc S9. Dù sự chênh lệch là khá ít, bạn vẫn có thể cảm nhận được độ trễ này. Bên cạnh đó, việc không có một đường bao để đặt tay vào như với cảm biến thông thường khiến cho tôi thỉnh thoảng vẫn đặt ngón tay lệch, phải đặt lại mới mở được máy.
Dù có đôi chút hạn chế, công nghệ cảm biến vân tay mới trên Galaxy S10 cũng đem lại ưu điểm nhất định, đó là hoạt động kể cả khi tay ướt. Sau khi bán ra Galaxy S10 một thời gian, Samsung đã tung ra bản cập nhật mới, và cải thiện được đôi chút hiệu năng của cảm biến vân tay. Tuy vẫn chưa bằng được cảm biến truyền thông, cảm giác sử dụng cảm biến vân tay trên S10 giờ đã tốt hơn.
Một góc chụp hoàn toàn mới
Nhiều hơn không phải lúc nào cũng tốt hơn. Câu nói này đặc biệt đúng nếu nói về cuộc đua số “chấm” trên điện thoại trước đây. Nhưng với trường hợp của Galaxy S10, tôi nghĩ rằng nhiều hơn thực sự là tốt hơn, bởi hệ thống 3 camera của chiếc điện thoại này được bổ sung camera góc rộng, đem lại một góc chụp hoàn toàn mới mẻ.
Với một người mê du lịch và thích ghi lại hình ảnh những địa điểm mới như tôi, camera 16 MP với góc chụp siêu rộng 123 độ trên Galaxy S10 và S10 Plus thực sự là một tính năng đáng tiền. Nó giúp tôi ghi lại toàn bộ khung cảnh trước mắt, không cần phải lùi ra xa, không cần phải cắt mất góc nào.
Thực ra camera góc rộng không phải là tính năng chưa từng có trên smartphone, nhưng các điện thoại khác thường có sự chênh lệch về chất lượng rất lớn giữa camera góc rộng và camera thường. Trên Galaxy S10, camera góc rộng vẫn đảm bảo chụp được những bức ảnh sắc nét, thu sáng ổn kể cả khi chụp buổi tối.
Camera góc rộng đem lại góc chụp thú vị cho Galaxy S10 Plus. |
Ấn tượng của camera góc rộng phần nào làm lu mờ hai camera còn lại, nhưng cũng một phần bởi chúng đã… rất tốt từ các thế hệ trước. Camera chính 12 MP được trang bị 2 khẩu độ, có thể thay đổi tùy theo chế độ chụp. Ảnh chụp của máy sắc nét, màu sắc đẹp, lấy nét rất nhanh và chuẩn. Camera còn lại, cũng có độ phân giải 12 MP và tiêu cự dài (tele) sẽ phát huy tác dụng khi tôi cần chụp đặc tả người, hành động nào đó.
Sự xuất hiện của trí tuệ nhân tạo (AI) trong quá trình chụp ảnh ở S10 đã rõ hơn. Không chỉ tự động chuyển sang chế độ chụp phù hợp với cảnh, S10 còn có tính năng “nhắc” người dùng chọn góc chụp đẹp nhất. Tính năng này phát huy tác dụng rõ nhất khi chụp các công trình kiến trúc, đảm bảo ảnh không bị nghiêng, lệch.
Tất nhiên, chất lượng camera chính vẫn rất tốt, cùng với đó là nhiều tùy chỉnh và chế độ thông minh do AI mang lại. |
Sau khi dùng nhiều smartphone, tôi nhận ra rằng điều khó nhất đối với các hãng smartphone là làm ra máy ảnh mà cứ giơ lên chụp là đẹp. Sự thoải mái, không phải lo nghĩ này chỉ có trên những smartphone hiện đại, đắt tiền nhất, và Galaxy S10 là một trong số đó. Với chất lượng ảnh từ S10 và 3 camera với những góc chụp khác nhau, tôi có thể tự tin chỉ cầm chiếc máy này để chụp ảnh trong những chuyến du lịch, thậm chí trong phần lớn công việc hàng ngày.
Galaxy S10+ là chiếc điện thoại Samsung chụp tốt nhất từ trước đến nay, và chắc chắn là một trong những thiết bị tốt nhất năm 2019.
Bài đánh giá của DxOMark.
Chỉ có một số điểm mà tôi vẫn “lăn tăn” về camera trên S10 Plus. Chế độ chụp chân dung mặc dù vẫn cho ảnh xóa phông chuẩn, nhiều hiệu ứng thú vị nhưng lại không dùng góc chụp tele nữa, nên ảnh chụp xóa phông không khiến mắt nhìn tập trung vào người được chụp như trước.
Bên cạnh đó, mặc dù có chế độ chụp tối tự động kích hoạt, khả năng chụp hoàn toàn thiếu sáng của Samsung vẫn chưa thực sự ấn tượng. Thực tế chụp rất tối là một tình huống không mấy khi gặp phải, nhưng nó lại là nơi mà các nhà sản xuất khoe công nghệ chụp, xử lý.
Những giá trị cơ bản nhất được giữ nguyên
Ngoài thiết kế, màn hình, camera tốt và những công nghệ độc quyền, bạn chờ đợi gì ở một smartphone cao cấp? Đối với tôi, máy phải có hiệu năng tốt, chạy mượt mà và pin dùng thoải mái ít nhất 1 ngày. Dòng smartphone Galaxy S đã luôn đáp ứng điều đó, nên chẳng có lý do gì S10 Plus lại khác đi.
Galaxy S10+ vẫn đạt những chuẩn mực của một chiếc smartphone đầu bảng: máy mạnh, sử dụng mượt mà, pin tốt. |
Vi xử lý Samsung Exynos, RAM 6 GB giúp Galaxy S10 Plus xử lý nhẹ nhàng mọi công việc trên smartphone. Mở ứng dụng nhanh, chơi game mượt, dùng lâu không hề bị giật, nghe thì đơn giản nhưng chẳng có mấy smartphone Android luôn đảm bảo được điều này. Bộ nhớ lưu trữ 128 GB đủ để tôi chụp ảnh, quay phim thoải mái. Nếu cần thì vẫn có thể gắn thêm thẻ nhớ để mở rộng.
Pin của Galaxy S10 Plus đủ để tôi dùng thoải mái trong ngày, làm đủ thứ việc: xem phim, chụp ảnh, chơi game một chút, giữ liên lạc bằng điện thoại và email với kết nối 4G. Mặc dù không phải chuẩn sạc nhanh mới nhất, tính năng sạc nhanh trên S10 Plus giúp tôi chỉ cần sạc khoảng 30 phút là có đủ pin dùng thêm một buổi.
Tính năng sạc ngược không dây cũng tiện, nhưng phù hợp nhất là khi bạn dùng các thiết bị khác của Samsung. |
S10 cũng được tích hợp thêm tính năng sạc không dây, không chỉ là sạc vào điện thoại mà còn là sạc ra cho các thiết bị khác. Tính năng này kích hoạt dễ dàng, nhưng tốc độ sạc cho thiết bị khác hơi chậm. Có lẽ nó phù hợp nhất khi bạn sử dụng nguyên một bộ phụ kiện của Samsung, như tai nghe Galaxy Buds hay đồng hồ Galaxy Active.
Ngoài ra, cũng phải dành một lời khen cho giao diện phần mềm One UI trên Galaxy S10. Phiên bản này mang nhiều cải thiện giúp cho trải nghiệm sử dụng thuận tiện hơn, như tập trung các nút và cách điều khiển vào nửa dưới màn hình để dùng 1 tay dễ dàng, hoặc hỗ trợ thêm cử chỉ bên cạnh các nút điều hướng truyền thống.
Sau Galaxy S10 sẽ là gì?
Sau một năm có phần thất vọng với Galaxy S9, trải nghiệm cùng Galaxy S10 Plus đã đem lại cho tôi niềm hứng khởi mới. Không cần phải “đập đi làm lại”, những thay đổi của chiếc điện thoại này vẫn đem lại một cảm giác sử dụng mới lạ.
Chiếc Galaxy S10 đem lại một cảm giác tươi mới mà tôi chưa từng gặp lại kể từ khi Samsung ra mắt chiếc Galaxy S8.
Phóng viên David Imel, Android Authority.
Thiết kế đẹp hơn, tối ưu hơn, camera có thêm góc chụp mới đủ làm tôi hào hứng mỗi khi chụp ảnh và màn hình rất đẹp là những ưu điểm vượt trội so với thế hệ trước. Bên cạnh đó, S10 Plus vẫn giữ nguyên những điểm hấp dẫn như hiệu năng, pin để đảm bảo trải nghiệm sử dụng cơ bản vẫn tốt.
Đến nay, dòng Galaxy S vẫn là những smartphone Android cao cấp tốt và toàn diện nhất. Galaxy S10 Plus có thể thua một số đối thủ cạnh tranh về khả năng chụp ảnh hay pin, nhưng nếu tìm kiếm trải nghiệm sử dụng nói chung thì chiếc điện thoại này vẫn đáp ứng tốt nhất, tròn trịa nhất.
Đôi khi tốt quá cũng là điểm không hay, bởi sẽ rất khó để hãng có thể cải tiến mạnh mẽ trong thế hệ sau. Ở tuổi "lên 10" của dòng Galaxy S, Galaxy S10 đã chứng minh cho tôi thấy rằng Samsung vẫn còn những “bài” để tạo ra một trải nghiệm mới mẻ cho mình. Điều đó càng khiến tôi háo hức với những gì hãng chuẩn bị cho năm 2020.