Ba bức ảnh giống hệt nhau của một phụ nữ trẻ lấp đầy màn hình máy tính. Mỗi bức hình đều chứa những nét vẽ nguệch ngoạc, chú thích bằng mực đen, đỏ nhằm chỉ ra các khuyết điểm trên khuôn mặt của cô gái.
Chủ nhân của khuôn mặt trên là Lu Yufan, 28 tuổi, ở Trung Quốc, người tham gia chương trình thực tế về phẫu thuật thẩm mỹ Make Me Beautiful.
Từ năm 2018 đến nay, cô gái 28 tuổi đã đến tư vấn tại hơn 10 địa chỉ phẫu thuật thẩm mỹ khác nhau ở Bắc Kinh, Thiên Tân và Hàn Quốc. Mỗi lần, cô đều ghi chép lại những trải nghiệm của mình, chi tiết bác sĩ tư vấn cần thay đổi. Nhưng Lu chưa quyết định thực hiện phẫu thuật ở cơ sở nào.
Chia sẻ với Sixth Tone, Lu nói: “Tôi đã biết những bộ phận nào trên khuôn mặt không phù hợp thẩm mỹ của số đông. Tôi tham khảo các bác sĩ để xác lập thêm những suy nghĩ trên”.
Lu là một trong hàng triệu bạn trẻ tại Trung Quốc đắn đo về quyết định phẫu thuật thẩm mỹ, thay đổi ngoại hình. Rất nhiều người trong số đó đã thực hiện các cuộc phẫu thuật với mong muốn đổi đời nhờ ngoại hình đạt chuẩn.
Những chi tiết trên khuôn mặt của Lu Yufan mà nhiều chuyên gia phẫu thuật thẩm mỹ tư vấn nên sửa đổi. Ảnh: Sixth Tone. |
Phẫu thuật thẩm mỹ để đổi đời?
Lu cho hay cảm giác mong muốn thay đổi để có ngoại hình hoàn hảo đã thôi thúc cô trong thời gian dài. Lần đầu tiên cô gái 28 tuổi cảm thấy không hài lòng về vẻ bề ngoài là khi học cấp 2. Trong suy nghĩ của nữ sinh, ngoại hình là tất cả và cô buộc phải tìm cách để cải thiện nó.
“Các bạn học nam xếp hạng nữ sinh theo ngoại hình. Ai đó đã tới và chỉ thẳng vào mặt tôi rằng ‘cậu chỉ đáng đứng cuối danh sách’. Điều đó đã thúc giục tôi phải thay đổi khuôn mặt này để trở nên hoàn hảo hơn”, Lu nói.
Những năm 2000, truyền hình Trung Quốc xuất hiện nhiều chương trình thực tế xoay quanh các phụ nữ trẻ động đổi đời nhờ phẫu thuật thẩm mỹ. Sau đó, nó bị cấm tại Trung Quốc nhưng vẫn để lại ấn tượng sâu sắc trong Lu.
Năm 2010, cô tốt nghiệp cấp 3. Nhiều bạn học đã đi làm mũi, mắt, chỉnh hàm. Cô ước tính khoảng 10% bạn bè cùng trang lứa đã từng phẫu thuật thẩm mỹ. “Tôi luôn thiếu tự tin về nhiều mặt. Vì vậy, phẫu thuật thẩm mỹ là cách giải quyết các vấn đề", cô gái này chia sẻ.
Công cụ đo khuôn mặt - vật dụng đùng để xác định tỷ lệ khuôn mặt, những vị trí cần phẫu thuật nhằm đáp ứng tiêu chuẩn ngoại hình của xã hội. Ảnh: Lu Yufan. |
Một trường hợp khác là Mian Duo, 30 tuổi, ở Thành Đô, Trung Quốc. Dù sở hữu vẻ ngoài ưa nhìn, xinh xắn, Mina vẫn muốn xinh đẹp như những thần tượng trên truyền hình. Vì thế, năm 2015, Mina lên đường sang Hàn Quốc để gọt xương hàm và gò má. Ca phẫu thuật sẽ mang lại cho cô khuôn mặt thon gọn hơn.
7 giờ liền, Mina nằm bất tỉnh trên bàn mổ ở quận Gangnam, Seoul - thủ đô phẫu thuật thẩm mỹ của Hàn Quốc. Các bác sĩ cắt bỏ xương gò má và hàm của cô. Sau đó, họ mài xương sao cho "đường viền khuôn mặt mềm mại". Cuối cùng, các bác sĩ khâu lại vết rạch và kết thúc ca phẫu thuật.
Sau đó, Mina mất thêm 6 tháng để hồi phục. Hai năm sau, cô gái cao 1,65 m, nặng 41 kg, tiếp tục thực hiện cuộc "dao kéo" khác - phẫu thuật nâng ngực. Hiện tại, ở tuổi 29, cô sở hữu vẻ ngoài như các minh tinh, diễn viên truyền hình. Bạn bè gọi Mina là "nữ thần" vì vẻ ngoài hoàn hảo, quyến rũ.
Những người như Lu và Mina đã góp phần cho sự tăng trưởng của ngành công nghiệp thẩm mỹ tại Trung Quốc.
Mian Duo chia sẻ hình ảnh trước và sau khi phẫu thuật thẩm mỹ. Ảnh: SCMP. |
Mặt tối của ngành công nghiệp làm đẹp
Năm 2017, các cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ tại quốc gia này đã thực hiện hơn 16 triệu ca, tăng 26% so với cùng kỳ. Đến nay, Trung Quốc đứng thứ 3 trong thị trường phẫu thuật thẩm mỹ của thế giới. Theo SoYoung, nền tảng trực tuyến về phẫu thuật thẩm mỹ, hơn 50% khách hàng của quốc gia này dưới 26 tuổi và 90% là nữ giới.
Hơn 53% người dùng của SoYoung - mạng xã hội cho người phẫu thuật thẩm mỹ - có năm sinh từ 1990 trở xuống. Người lớn nhất mới bước sang tuổi 28. Với họ, dao kéo chỉ là một trong những món đồ xa xỉ mà bản thân sẵn sàng chi tiêu. Nó tương tự túi xách hàng hiệu, điện thoại đời mới hay những chiếc xe sang, xịn. Bởi thế, phẫu thuật thẩm mỹ như hành trang để họ đẹp, tự tin hơn.
Trong một cuộc khảo sát năm 2017 của SoYoung, hơn 200.000 người cho rằng phẫu thuật thẩm mỹ giúp họ hài lòng với kỳ vọng của bản thân. Theo Giáo sư nhân chủng học Zhao Jianhua, Đại học Louisville, Mỹ, thế hệ trẻ châu Á chấp nhận quan điểm đẹp sẽ mang lại nhiều lợi thế và có cuộc sống dễ dàng hơn. Bởi vậy, ngày càng nhiều người bị ám ảnh về ngoại hình, không ngần ngại nhờ đến dao kéo để đổi đời.
Khuôn mặt sưng phù của Xiao Zhao, 3 ngày sau khi phẫu thuật cắt mí mắt. Ảnh: Sixth Tone. |
Theo Lu, sau khi tìm hiểu tại hơn 10 cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ, cô nhận thấy nhiều doanh nghiệp cố tình lờ đi những rủi ro về sức khỏe, tính mạng với khách hàng. Thay vào đó, họ muốn nhắm tới càng nhiều dịch vụ càng tốt, tìm cách “moi” tiền khách tối đa.
Chẳng hạn, để mũi nổi bật hơn, họ đưa ra 2 phương án là phẫu thuật xâm lấn và tiêm axit hyaluronic. Lu cho hay các bác sĩ luôn tìm cách thuyết phục cô chọn phương án cũ nhưng đắt đỏ hơn. “Họ không đưa lời khuyên xuất phát từ quan điểm thẩm mỹ”, cô gái này nhận xét.
Ngành công nghiệp "dao kéo" tại Trung Quốc thường không được quản lý chặt chẽ. Lu tiết lộ các cơ sở mà cô từng khám qua đều không nói về rủi ro sức khỏe hay biến chứng của các cuộc phẫu thuật.
“Lấy ví dụ axit hyaluronic, nó có sản phẩm trong nước và nhập khẩu cùng vô vàn thương hiệu khác nhau. Tuy nhiên, khi đề xuất một lựa chọn, các bác sĩ chỉ chú tâm vào phương án đắt đỏ nhất với lời giải thích đi kèm chất lượng tốt nhất mà không có gì để chứng minh hay so sánh”.
Cô gái này cũng chứng kiến nhiều người không đọc hợp đồng thỏa thuận hoặc không biết những điều khoản trong đó. Đây là lỗ hổng khiến nhiều nạn nhân rước họa vào thân vì làm đẹp nhưng không thể lên tiếng hay kiện cáo.
Tuy nhiên theo Lu, vấn đề lớn nhất của phẫu thuật thẩm mỹ đó là lý do đằng sau. Các thông tin từ mạng xã hội, Internet khiến nhiều phụ nữ tin rằng mình buộc phải đẹp hơn. Dao kéo là "vị cứu tinh" cho họ khi ngày càng nhiều người chấp nhận vẻ đẹp đã qua phẫu thuật, chỉnh sửa.