Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

LONGFORM

Cạm bẫy và tội ác tình dục phía sau con số tỷ USD của đế chế nội y

Đế chế nội y Victoria's Secret đứng trên bờ vực sụp đổ vì chiến lược kinh doanh thất bại, tư tưởng lỗi thời kéo theo những bê bối tình dục trải dài suốt thập kỷ qua.

Đế chế nội y Victoria's Secret đứng trên bờ vực sụp đổ vì chiến lược kinh doanh thất bại, tư tưởng lỗi thời kéo theo những bê bối tình dục trải dài suốt thập kỷ.

Cựu giám đốc Marketing của Victoria's Secret, ông Edward Razik, từng phát ngôn: "Chưa đến 100 cô gái trên thế giới đạt tiêu chuẩn trở thành người mẫu của chúng tôi". Những gương mặt được chọn phải ở độ tuổi 18 - 20, cao trên 1,77 m, số đo tối thiểu chuẩn tỷ lệ vàng với vòng một và vòng 3 đạt 86 cm cùng phần thắt eo dưới 60 cm.

Thật vậy, ngay cả Tyra Banks, người mẫu Mỹ gốc Phi đáp ứng mọi yêu cầu và hơn hết là phong cách diễn ấn tượng cũng bị Victoria's Secret loại thẳng tay chỉ bởi mái tóc khác biệt. "Thợ làm tóc không biết xử lý thế nào với mái tóc của tôi, nên khiến tôi trông thật kinh dị", cô ấm ức kể.

Một năm sau, chân dài sinh năm 1973 quyết tâm thuê hẳn thợ riêng, là thẳng tóc và trùm khăn để giữ nếp rồi bước ra trước hội đồng casting. Và thế là, cô được ký hợp đồng 10 năm, trở thành mẫu da màu đầu tiên xuất hiện trên bìa catalogue cũng như vươn lên hàng ngũ thiên thần được mặc Fantasy Bra đính kim cương triệu USD.

Nói để thấy Victoria's Secret có tiêu chuẩn hết sức khắt khe, và từng là giấc mơ của hàng triệu cô gái. Đối với những người mẫu trẻ, cơ hội sải bước trên sàn diễn nội y hoành tráng nhất mùa Giáng sinh, xung quanh đầy tiếng hò reo nồng nhiệt từ khán giả - chính là đích đến cuối cùng của nỗ lực.

Nhưng câu chuyện ấy của 10 hay 20 năm về trước. Hiện tại, Victoria's Secret đọng lại trong suy nghĩa khán giả chỉ là muôn vàn bê bối, những giả tạo phía sau sự lộng lẫy xa hoa.

Cách đây 43 năm, nhờ khoản vay 80.000 USD từ bố mẹ và ngân hàng, Roy Raymond - cựu sinh viên Đại học Tufts University - đặt nền móng cho đế chế nội y Victoria's Secret. Cửa hàng đầu tiên của hãng ra đời ngày 12/6/1977 ở trung tâm mua sắm Standfort tại Palo Alto (bang California, Mỹ).

Ý tưởng lập thương hiệu len lỏi trong đầu Roy Raymond khi ông nhận thấy sự bất tiện của phái mạnh nếu đi mua đồ lót cho phụ nữ. Vì vậy, doanh nhân trẻ muốn có không gian thoải mái cho bất cứ ai lui tới cửa hàng của mình.

Ở buổi phỏng vấn với Newsweek, Raymond nhớ lại: "Lúc tôi cố mua nội y cho vợ, tôi đã phải đối mặt với hàng đống rổ áo choàng ngủ bằng cotton mềm và những bộ đồ in hoa xấu xí bằng nylon. Và tôi luôn có cảm giác cô bán hàng nghĩ tôi là vị khách không đáng chào mời".

Victoria's Secret ăn nên làm ra giai đoạn đầu, xây thêm nhiều chi nhánh ở San Francisco. Nhưng không may, việc liên tục mở rộng quy mô trong khi doanh thu tăng trưởng nhỏ giọt (chỉ thu về hơn 4 triệu USD, không đủ trả lương nhân công, tiền vải vóc, PR...) khiến công ty gần như phá sản. Lúc này, Les Wexner - người sáng lập L Brands - đã chi 1 triệu USD mua lại hãng rồi cách tân đáng kể về chiến lược.

Với tôn chỉ "biến Victoria’s Secret thành phiên bản giá phải chăng của thương hiệu cao cấp châu Âu La Perla", hãng lần lượt ra mắt dòng nội y sang trọng nhưng không quá đắt đỏ, phù hợp túi tiền người tiêu dùng. Nhờ đó, công ty nhanh chóng vươn mình thành nhà bán lẻ đồ lót lớn nhất Mỹ. Năm 1990, hãng đã có tới 350 chi nhánh khắp cả nước và doanh thu chạm mốc 1 tỷ USD.

Cuối thập niên 1990 đầu 2000 chính là thời kỳ mà Victoria's Secret huy hoàng nhất. Đâu chỉ bó hẹp ở Mỹ, khắp thế giới đều được phủ sóng hình ảnh cực kỳ gợi cảm của những người mẫu sở hữu đường cong hút mắt ẩn sau lớp nội y đặc trưng.

Tờ New York Times phải trầm trồ trước hướng đi thông minh này: "Trong ngành công nghiệp mà việc giảm giá đã trở thành quy luật, điều quan trọng nhất quyết định cái tên nào nổi trội hơn là ở chiến lược và dịch vụ. Victoria's Secret đã làm được điều đó".

Thành công nối tiếp, công ty bổ nhiệm Ed Razek (cánh tay phải đắc lực của Les Wexner) làm Giám đốc Marketing. Công việc chủ yếu của ông là xây dựng chiến dịch quảng bá đồng thời chịu trách nhiệm các show thời trang thường niên của hãng - bắt đầu từ năm 1995, bằng một vài chương trình nhỏ.

Dần dà, show trở thành món ăn tinh thần được chờ đợi nhất dịp cuối năm. Khái niệm "thiên thần" - những người mẫu có cánh, được diện những bộ Fantasy Bra hàng triệu USD - cũng trở nên quen thuộc với công chúng. Những thiên thần đời đầu của hãng là Helena Christensen, Karen Mulder, Daniela Peštová, tiếp đến phải kể tên Tyra Banks, Gisele Bundchen...

Khán giả trung thành có thể sẽ còn nhớ năm 1995, khi show lần đầu được phát trực tuyến đã cán mốc 1,5 triệu lượt xem. Con số này khiến một cây bút của Time phải thốt lên: "Đó là khoảnh khắc bùng nổ Internet".

Đứng ở đỉnh vinh quang, Victoria's Secret cho phép mình kiêu ngạo. Nhưng hầu hết nhà quan sát đều nhận thấy sự tự cao và bảo thủ đó chẳng khác gì con dao hai lưỡi, báo hiệu một tương lai sớm thoái trào của thương hiệu.

Có lẽ vì hội đồng quản trị toàn đàn ông (bà Sharen Jester Turney rời vị trí CEO từ năm 2016), Victoria's Secret thiếu thấu hiểu phụ nữ. Khi tất cả đối thủ đều chuyển mình để phù hợp xu hướng thị trường - nhất là thời đại mà định nghĩa cái đẹp đã rộng mở hơn cho mẫu plus-size, người chuyển giới - hãng vẫn khư khư suy nghĩ: "Đường cong phụ nữ phải chuẩn từng centimet, mới là đẹp!".

Năm 2016, tờ Huffington Post nhấn mạnh nếu không có Lady Gaga thì show chỉ là một chương trình thời trang nhạt nhòa. Còn bài toán vươn rộng quy mô ra mảnh đất màu mỡ châu Á, cụ thể là tổ chức show 2017 ở Trung Quốc tưởng chừng thành công nhưng lại thất bại chê ề.

Màn té ngã đau điếng của Hề Mộng Dao và Bella Hadid lộ ngực phản cảm năm ấy mới chính là điều khán giả bàn tán. Chưa hết, ý tưởng thiết kế sân khấu lẫn nội y tỏ ra nghèo nàn, kiệt quệ. Giới mộ điệu dễ dàng nhận ra nhiều mẫu đồ bị lặp lại từ những mùa cũ.

Kết quả là Victoria's Secret tuột dốc thảm bại từ 2016. Thị phần công ty ở Mỹ được báo cáo giảm sâu từ 33% xuống 24%, kèm theo chất lượng sản phẩm bị chê xuống cấp. Riêng dòng Pink (thời trang dành cho thiếu niên) bị bậc phụ huynh chê rườm rà, quê mùa lại còn cổ súy thói quen tình dục sớm của lớp trẻ.

Chưa kể, vào năm 2018, rating show chỉ đạt mức 3,27 triệu người xem - con số thấp nhất lịch sử thương hiệu và theo giới chuyên môn đây là điều khó chấp nhận được. Trước đó, hãng từng đạt rating tới 9,3 triệu lượt xem vào năm 2013.

Những nỗ lực giảm giá kịch liệt, hứa hẹn ngọt ngào không thể cứu vớt tư tưởng lỗi thời vốn đã ăn sâu vào tiềm thức những người đứng đầu hãng, nhất là Les Wexner. Ông hoàn toàn không cảm được nhận Victoria's Secret từ lâu đã mất đi "ngai vàng".

Đồng ý rằng không ai thay đổi được quy luật "tre già măng mọc", nhưng sự rời bỏ của những thiên thần kỳ cựu Miranda Kerr, Alessandra Ambrosio, Adriana Lima... được thay thế bằng dàn trụ cột Elsa Hosk, Jasmine Tookes, Lais Ribeiro... lại là bước thụt lùi đáng kể của hãng.

"Thực ra, chẳng ai phủ nhận độ đẹp và lộng lẫy của những gương mặt mới. Nhưng nói về phong cách riêng, độc đáo, họ mờ nhạt. Dù có khoác lên người những bộ nội y đắt đỏ đến mức nào thì họ vẫn không có thần thái bốc lửa, đúng chuẩn thiên thần như thế hệ trước", một khán giả bình luận sau khi xem Jasmine và Elsa diễn Fantasy Bra trong show năm 2016 và 2018.

Cho tới tháng 2/2019, James A. Mitarotonda (Giám đốc điều hành quỹ đầu tư ở Mỹ Barington Capital Group) đã gửi thư cho chủ tịch Les Wexner, khuyến nghị ông về sự suy tàn đáng báo động của Victoria's Secret.

"Victoria’s Secret đang để lại ấn tượng như một sự lỗi thời do không phù hợp với xu hướng phát triển của phụ nữ đối với vẻ đẹp, sự đa dạng và hòa nhập", Mitarotonda thẳng thắn viết.

Không chỉ hướng đi “một mình một cõi” làm cho các đối thủ ghét bỏ, điều tiếng chĩa vào Victoria’s Secret còn liên quan tới vấn đề bạo hành, phân biệt chủng tộc và coi thường phụ nữ béo.

Năm 2011, Victoria’s Secret sử dụng lao động nhân công trẻ em ở Burkina Faso (độ tuổi 10-13 tuổi) tại các xưởng may để giảm chi phí sản xuất đến mức thấp nhất. Đáng buồn thay, đổi lại hàng giờ làm việc vất vả, chỉ ăn một bữa mỗi ngày của bọn trẻ là những trận đòn roi đau đớn cùng thù lao 2 USD/ngày.

Nhân viên Victoria’s Secret ở Oxford (Mỹ) còn bị tố đuổi hai khách hàng (trong đó có một phụ nữ da đen) ra khỏi cửa hiệu. “Chúng tôi bị nghi ăn cắp đồ và mặc nhiên bị nhân viên đổ lỗi thay vì cố gắng tìm cách xác minh sự thật”, người trong cuộc tên Kimberly Houzah buồn bã nói.

Scandal phân biệt chủng tộc còn đến từ thiên thần Taylor Hill. Cô hứng vô số “gạch đá” vì giễu cợt người đạo Hồi, nhại cách phát âm tiếng Anh của người Ấn Độ.

Chẳng những vậy, Victoria’s Secret thản nhiên sử dụng trang phục lấy ý tưởng từ thổ dân da đỏ, gồm nội y da báo và mũ tù trưởng. Thiết kế do Karlie Kloss thể hiện đã bị công kích gay gắt trên truyền thông.

Giới chuyên môn nhấn mạnh việc phụ nữ da trắng đội mũ chỉ dành cho người đàn ông đứng đầu bộ tộc là hành vi xúc phạm văn hóa. Trước áp lực dư luận, nhà bán lẻ nội y Mỹ phải cắt bỏ phần diễn này trên sóng truyền hình.

Nhưng các bê bối trên vẫn chưa đủ nghiêm trọng để đẩy Victoria’s Secret vào đường cùng như lần “vạ miệng” của Ed Razek. Năm 2018, ông ngầm bày tỏ ý không chiêu mộ người mẫu ngoại cỡ và chuyển giới tham gia show: "Chúng tôi có nên cho người mẫu chuyển giới tham gia? Không, tôi không nghĩ là nên. Tại sao không ư? Bởi vì đó là chương trình giải trí dài 42 phút, về những gì huyền ảo, lung linh nhất".

Chính phát ngôn này đã kéo Victoria’s Secret vào cuộc tẩy chay dữ dội đến nỗi Ed Razek phải tuyên bố rời ghế Giám đốc tiếp thị vì không chịu nổi chỉ trích. Vắng ông, công ty cũng rơi vào bế tắc. Đỉnh điểm là hãng phải tuyên bố hủy vĩnh viên show thời trang thường niên để tìm hướng phát triển mới.

Tổ chức phi lợi nhuận ngành thời trang Model Alliance đã gửi thư đến Victoria's Secret, buộc bộ phận quản lý có trách nhiệm đảm bảo sự an toàn cho người mẫu sau rất nhiều bê bối tình dục của hãng bị khui ra.

Đã có hơn 100 người ký vào bức thư yêu cầu giám đốc John Mehas làm mọi cách để kiểm soát và ngăn chặn vấn nạn xâm phạm tình dục. Hiện có Edie Campbell, Karen Elson, Amber Valletta, Christy Turlington, Gemma Ward, Francesca Summers, bộ đôi nhiếp ảnh gia Inez & Vinoodh và nhiều cái tên khác đã ký vào cam kết.

Quay trở lại đầu tháng 2, New York Times thu thập bằng chứng của 30 người làm việc cho Victoria’s Secret (gồm người mẫu, nhân viên, giám đốc điều hành…) hòng tố cáo tội danh quấy rối tình dục của Ed Razek suốt vài thập kỷ qua.

Trong bài điều tra: "Thiên thần trong địa ngục: Văn hóa coi thường phụ nữ ở Victoria's Secret", phóng viên Mỹ tiết lộ cựu Giám đốc tiếp thị đã cố ý cưỡng hôn, yêu cầu được người mẫu ngồi lên đùi và thậm chí còn chạm vào đáy quần lót của dàn chân dài để thỏa khát cơn thèm thuồng xác thịt.

Andi Muise, người mẫu xinh đẹp sinh ra ở Canada đã can đảm tiết lộ bị Razek ép khóa môi cách đây 13 năm. Cô kể Victoria's Secret loại thẳng cô khỏi show diễn vì khước từ đề nghị này. Còn vô số chuyện Razek tiếp cận người mẫu lúc họ thử nội y, bình luận thô lỗ về bộ ngực Bella Hadid, gạ gẫm đi qua đêm... cũng bị phơi bày.

Tiếng xấu vây quanh, Ed Razek chỉ còn biết giải thích trong yếu ớt. Ông email tới tòa soạn vài dòng chữ chung chung sau: “Bài báo buộc tội tôi không đúng sự thật hoặc đã bị hiểu sai. Tôi đã làm việc với vô số người mẫu đẳng cấp thế giới, các chuyên gia tài năng và rất tự hào về sự tôn trọng mà chúng tôi dành cho nhau”.

Công chúng không còn lạ với bê bối tình dục của Victoria's Secret. Ở quá khứ, nhiếp ảnh gia Russell James đảm nhận các buổi chụp khỏa thân đã không ít lần thiếu kiềm chế, giở trò gạ gẫm các thiên thần.

"Trong ngành công nghiệp này, mọi người đều sử dụng sức ảnh hưởng của mình để có được điều gì đó. Trong trường hợp của Russell James, anh ta khiến các cô gái đồng ý chụp hình cho cuốn sách ảnh khỏa thân của mình", một nguồn tin chia sẻ với New York Times.

Một nhiếp ảnh gia khác là Timur Emek cũng từng “chơi đùa trên thân thể” nhiều mẫu nội y. Đoạn chat do tờ Diet Prada đăng tải tháng 7/2019 phơi bày sự thật Emek từng lạm dụng quyền lực để đe dọa Haley Bowman nếu cô dám nói ra chuyện bị anh quấy rối tình dục.

Nhưng chưa kinh tởm bằng trường hợp của Jeffrey Epstein - cố vấn thân cận của chủ tịch L Brands. Ông này bị Cục Điều tra liên bang Mỹ bắt với hai tội cầm đầu đường dây buôn bán, lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên.

Cáo trạng cho hay từ 2002 - 2005, ông đã trả hàng trăm USD cho các cô gái từ 14 tuổi để quan hệ xác thịt tại biệt thự riêng. Tuy nhiên, khi chưa bị kết án, Jeffrey Epstein đã tự sát và để lại 578 triệu USD cho người thụ hưởng ẩn danh.

Những chuyện nhục dục dơ bẩn của Victoria’s Secret lần lượt bị lộ đã gây chấn động truyền thông, song với hầu hết người trong giới thì vấn đề ấy diễn ra như cơm bữa. Họ chấp nhận thực tế suy đồi này như một quy luật hiển nhiên của ngành công nghiệp thời trang nói riêng, làng giải trí nói chung.

Nỗi sợ về đêm của các ngôi sao hàng đầu thế giới

Việc nổi tiếng quá sớm là con dao hai lưỡi, dẫn tới hệ lụy về tinh thần và sức khỏe của nhiều nghệ sĩ hàng đầu thế giới.

Những mỹ nhân Hollywood khiến sao nam ái ngại vì chiều cao gần 1,9 m

Với chiều cao trên 1,8 m, những minh tinh như Nicole Kidman, Gwendoline Christie luôn lấn lướt bạn diễn nam khi đứng cùng khung hình.

Quốc Minh

Đồ họa: Nhân Lê

Bạn có thể quan tâm