Thống đốc bang California Gavin Newsom sẽ ký dự thảo mang tính bước ngoặt này thành luật, và đây chỉ còn là vấn đề thủ tục vì thống đốc đã tuyên bố ủng hộ dự luật hồi đầu tháng này.
Theo luật này, sẽ có hiệu lực ngày 1/1/2020, một người lao động sẽ được xếp là “nhân viên chính thức”, thay vì lao động thời vụ ngắn hạn, nếu chủ lao động kiểm soát các thao tác trong công việc, hay nếu công việc đó đóng góp vào mảng kinh doanh chính của công ty.
Được coi là nhân viên, người làm sẽ được hưởng các phúc lợi như bảo hiểm, lương tối thiểu.
Điều luật này sẽ áp dụng với các công ty cung cấp ứng dụng di động, và sẽ tái định hình “kinh tế chia sẻ” - mô hình cho phép các lao động thời vụ như lái xe, giao đồ ăn, giặt quần áo cung cấp dịch vụ cho những khách hàng “order” (đặt hàng) họ qua app.
Thống đốc bang California Gavin Newsom sẽ ký dự thảo mang tính bước ngoặt này thành luật. Ảnh: New York Times. |
Từ California đến New York và Washington
Ở bang California, thay đổi này sẽ tác động tới ít nhất 1 triệu lao động thời vụ, trong các ngành truyền thống lẫn trên app. Họ là những “lái xe công nghệ”, người giao đồ ăn, thợ làm móng, thợ xây, dọn dẹp, vốn không được hưởng lương tối thiểu hay bảo hiểm thất nghiệp.
Các app gọi xe như Uber hay Lyft, cũng như các app gọi đồ ăn, gọi thợ sửa nhà hay người dắt chó thuê sẽ chịu ảnh hưởng lớn.
“Luật này sẽ gây tác động lên toàn nước Mỹ”, David Weil, quan chức cao cấp Bộ Lao động Mỹ dưới thời Obama, nói với New York Times. Việc California thông qua luật có thể ảnh hưởng đến nỗ lực tương tự đang diễn ra ở các bang khác, như New York, Washington và Oregon.
“Ngày nay các công ty theo mô hình kinh tế chia sẻ tự quảng bá mình là tương lai, là sáng tạo”, nghị sĩ của bang California Elena Durazo nói với New York Times. “Cần phải nói rõ: không có gì sáng tạo trong việc trả lương rẻ mạt cho sức lao động”.
Các băng rôn ủng hộ dự luật ở California. Ảnh: AP. |
Các công ty như Uber và Lyft - những công ty có với hàng trăm nghìn tài xế ở California - lập luận rằng lao động thời vụ mang lại sự linh hoạt, và nói luật mới sẽ phá hủy mô hình kinh doanh của họ.
“Hôm nay, giới lãnh đạo tiểu bang chúng ta đã bỏ lỡ cơ hội ủng hộ các tài xế công nghệ muốn có điều kiện làm việc linh hoạt”, Adrian Durbin, phát ngôn viên của Lyft, cho biết.
Cuộc vận động tốn kém của các công ty
Các thành phố ở California sẽ được trao quyền để thực thi luật mới. Các nhà lập pháp đã đưa vào điều khoản cho phép các thành phố lớn kiện các công ty không tuân thủ luật.
Dự luật gây phản ứng trái chiều từ phía tài xế. Uber và Lyft có thể sẽ giới hạn số tài xế trong các giờ thấp điểm hay ở các thị trường không đông dân, vì các tài xế này không đem lại đủ doanh thu so với lương tối thiểu mà họ nghiễm nhiên được nhận. Điều này về tổng thể có thể làm giảm số lượng tài xế, các chuyên gia nói với New York Times.
Các công ty công nghệ đã đấu tranh kịch liệt để bảo vệ quan điểm của mình. Nhưng gần đây, sức ép từ chính quyền đã tăng lên. Hai đề xuất liên bang được đưa ra từ 2018 cho phép các lao động tham gia nghiệp đoàn, được các ứng viên tổng thống 2020 của đảng Dân chủ ủng hộ.
Các công ty này đã lên kế hoạch chi thêm 90 triệu USD để vận động để được miễn khỏi bộ luật mới.
Các tài xế biểu tình, ủng hộ dự luật ở California. Ảnh: Getty Images. |
Trước đó, khi dự luật vẫn trong quá trình bàn thảo, các công ty gọi xe qua app đã thương lượng với chính quyền để tạo ra một cách phân loại nhân viên mới, nằm giữa lao động thời vụ và nhân viên chính thức.
Ở Anh, Uber đã kháng cáo một phán quyết từ tòa án yêu cầu tài xế phải được coi là “nhân viên chính thức” có lương tối thiểu và ngày nghỉ phép. Vụ kiện này sẽ ra tòa án tối cao của nước này vào năm sau.
Người biểu tình phản đối Uber và Lyft ở Los Angeles vì thu phí quá nhiều cho mỗi cuốc xe. Ảnh: Getty. |